Hoà nhập với bạn bè Đức: Khó hay dễ?

Đi du học ở đâu thì việc bạn hòa nhập với môi trường sống và học tập, với bạn bè và con người nơi đó thực sự quan trọng, góp phần lớn vào việc du học thành công của bạn. Vậy làm sao để hòa nhập với bạn bè Đức đây?

 

Cùng lắng nghe chia sẻ của Nguyễn Kim Phượng, sinh viên ngành Báo chí và quan hệ công chúng Westfäliche Hochschule Gelsenkirchen.

Hoà nhập với bạn bè Đức: Khó hay dễ? - 0

“Việc hòa nhập với bạn bản xứ tại trường đại học luôn là vấn đề được quan tâm của sinh viên Việt Nam.

Nhất là tại Đức, khi mà con người tại đây được biết đến bởi sự lạnh lùng. Bởi vậy, việc hòa nhập với sinh viên Đức cần sự nỗ lực rất lớn từ bản thân bạn.

Thông thường khi vào lớp học, các bạn sinh viên nước ngoài, hoặc đến cùng một khu vực sẽ tập hợp với nhau thành một nhóm.

Bản thân mình do may mắn học tại một ngôi trường nhỏ, và ngành “toàn chữ“, nên tỉ lệ sinh viên nước ngoài cực kỳ hiếm, đồng nghĩa với cơ hội kết bạn với sinh viên bản xứ cao hơn.

Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.

Do vừa sang Đức đã phải vào đại học luôn, nên mình khá dè dặt vì ngôn ngữ còn chưa được trôi chảy.

Hai tuần đầu đi học mình lặng lẽ đi về như một cái bóng, làm gì cũng một mình, thỉnh thoảng cũng chỉ hỏi các bạn được vài ba câu.

Trong các cuộc nói chuyện mình gần như không hiểu và không theo được mạch câu chuyện.

Các bạn Đức có tính độc lập khá cao. Có thể bởi vậy mà họ sẽ không bao giờ yêu cầu giúp đỡ bạn, nếu họ chưa hoàn toàn hiểu rõ bạn.

Hai tuần đầu trôi qua đầy căng thẳng và lo lắng. Bạn bè trong lớp dần hình thành các nhóm nhỏ và chơi thân hơn với nhau.

Mình rất sợ, nếu để càng lâu thì việc hòa nhập sẽ càng khó, khi mà các nhóm đã có thời gian lâu để tìm hiểu và chơi cố định với nhau rồi.

Nghĩ là làm, mình mạnh dạn đề nghị với các bạn trong lớp: do mình mới sang, mọi thứ đều lạ lẫm, và ngôn ngữ chưa được tốt, nên rất mong các bạn giúp đỡ.

Từ đấy các bạn cũng có để ý đến mình hơn, nhất là những khi cả nhóm đi ăn hoặc đi về cùng nhau, đều tìm để gọi mình đi cùng.

Thế mới thấy, người Đức rất lạnh, rất hiếm khi mở lời đề nghị giúp đỡ người khác, nhưng một khi bạn đã cần thì họ cũng sẽ nhiệt tình hỗ trợ.

Ngoài ra, lúc nào gặp các bạn trong khoa mình cũng toe toét cười, chào hỏi thân thiện.

Có lẽ hình ảnh một đứa con gái châu Á bé tí tẹo, nhoi nhoi ở trường đối với các bạn Đức cũng hơi ngộ ngộ.

Cả khóa mình năm ấy ngoài mình ra còn có một bạn người Nga, và một bạn người Ba Lan là sinh viên nước ngoài.

Sau một kỳ học, bạn Ba Lan có nói với mình: “Tao cảm thấy bọn sinh viên Đức lạnh lùng lắm, có khi gặp nó chẳng thèm chào, cứ thế bơ bơ đi thẳng.

Chẳng giống người ở Ba Lan bọn tao.

Với tao thì thế, sao với mày chúng nó lúc nào cũng cười tươi chào hỏi như thế?“ Mình cũng chỉ đáp lại: “Nếu chúng nó không mở lời trước, thì tại sao mày không thử chủ động?“.

Ở khóa mình học lúc ấy có một bạn trai cực kỳ lạnh lùng, không chỉ với riêng mình mà còn với cả các bạn khác.

Một lần đi học gặp bạn ý trên đường, chào bạn ý và được đáp lại với một thái độ thờ ơ, mình cũng đánh bạo hỏi một câu rất hồn nhiên: “Sao mặt mày lúc nào cũng hầm hầm ra thế, mày không biết cười à, mày không tươi tỉnh lên chào lại tao được à?“ Tất nhiên là mình nói đùa thôi, chứ không là ăn đòn.

Kể từ hôm ý, gặp nhau trên đường, cũng có lúc bạn ý chủ động chào trước, cũng có hôm hai đứa buôn chuyện trên xe Bus được nhiều hơn.

Một “bí kíp“ để gần với các bạn Đức hơn là ngoài việc học ở trường, mình còn tự tạo cơ hội để tham gia các hoạt động “ăn chơi nhảy múa“ với các bạn ấy nữa.

Lúc này biết nấu ăn sẽ là một lợi thế. Vì mình học tại thành phố nhỏ, nên đa số các bạn không biết đến Việt Nam.

Món ăn châu Á được biết đến nhiều nhất là Sushi.

Bởi thế mà mình rủ các bạn đến nhà, hoặc nếu nhà xa hoặc không có cơ hội, tụ tập thì mình nấu đồ mang đến lớp, giờ nghỉ trưa đem ra mời các bạn ăn, tranh thủ giới thiệu về Việt Nam và đồ ăn Việt Nam.

Chỉ cần những món đơn giản như nem rán, nem cuốn là đã đủ chinh phục mấy bạn châu Âu rồi. Hơn nữa đi đâu mình cũng nhớ tới một vài người bạn thân và có mua về những món quà nho nhỏ cho các bạn ấy.

Hoà nhập với bạn bè Đức: Khó hay dễ? - 1

Việc hòa nhập với bạn Đức không chỉ nhờ vào nỗ lực của bản thân bạn, mà còn nhờ vào sự may mắn nữa.

Mình thực sự rất may mắn khi được ở cùng một nhóm bạn siêu dễ thương và siêu hòa đồng.

Những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là năm đầu tiên đón giao thừa cùng các bạn Đức, đến mùa “The Voice Kids Germany“ lại thay nhau “đăng cai“ nấu đồ ăn và cùng xem tại nhà một đứa trong nhóm.

Chưa kể lúc mình ốm đau, có bài khó cần sự giúp đỡ, đi chơi muộn về nhà không an toàn, là các bạn sẵn sàng qua nhà mình “yểm trợ“. Mà đặc biệt, là do các bạn ý chủ động đề nghị giúp đỡ.

Mình có một cô bạn cực kỳ thân người Đức, thân như chị em vậy, mặc dù rào cản ngôn ngữ vẫn là vấn đề không nhỏ với mình.

Nhờ có bạn ấy mà mình thực sự cảm thấy như mình có thêm một gia đình thứ hai tại đất nước xa xôi này.

Cứ đến mùa Noel mình lại được đến nhà bạn ấy như một thành viên trong gia đình, cùng ăn bữa cơm Noel với ông bà, bố mẹ và chồng của bạn ấy.

Ngoài ra thì mình cũng may mắn được nhận lời mời tham dự „Noel gia đình“ của một vài bạn nữa.

Những lúc như vậy mình cảm thấy mùa đông ấm áp hơn nhiều lắm.

Hòa nhập được với các bạn Đức đã khó, để theo được câu chuyện của các bạn ấy còn khó hơn.

Để làm được điều này, mình bắt đầu trau dồi các kiến thức từ xã hội, phim ảnh, thời trang, mỗi thứ biết một tí tẹo để có cái mà “buôn“ trong các buổi tụ tập.

Có một bạn hỏi mình thế này: “Mùa đông ở đây chắc mày không thấy lạnh đúng không?“.

Mình thấy lạ và trả lời: “Tại sao lại không? Ở Việt Nam tao mùa đông cũng lạnh, nhưng ở đây lạnh hơn nhiều chứ.“, thì bạn ấy đáp lại: “Tại tao thấy mày đi đến đâu cũng mang theo ấm áp cho người xung quanh đến đấy rồi, làm sao thấy lạnh được nữa“.

Vậy đấy, thực chất kinh nghiệm của mình là chẳng có kinh nghiệm gì cả.

Sự ấm áp xuất phát từ chính trái tim chân thành sẽ được nhận lại bằng nhiều điều ấm áp khác.”

Nguồn: http://career.sividuc.org/


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC