Đào tạo kỹ sư điện tại đại học Stuttgart-Đức

Đào tạo kỹ sư điện tại đại học StuttgartĐức có 3 loại trường đào tạo kỹ sư: Đại học (Universität), Đại học Kỹ thuật (Technische Universität), Cao đẳng Kỹ thuật - Viện nghiên cứu chuyên ngành (Berufsakademie):

Viện nghiên cứu chuyên ngành (Berufsakademie) với một giáo trình rất gần với thực hành, do đó một nửa của giáo trình được thực hiện ngay trong một hãng xưởng ở kỹ nghệ.

Ngược lại, kỹ sư tốt nghiệp của một trường đại học khoa học phải sẵn sàng và có khả năng cùng tham dự vào các nghiên cứu và phát triển để có những đường lối giải quyết mới cũng như những ứng dụng mới nhằm góp phần vào việc giải quyết những thúc bách trong cộng đồng chúng ta.

Mục đích của giáo trình ở đại học là đào tạo nhân cách, tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp và trong cộng đồng.

2. Giáo trình đào tạo:

Giáo trình đào tạo gồm có giáo trình căn bản (gọi là Vordiplom hay còn gọi là bán phần kỹ sư hoặc giáo trình đại cương) kéo dài 2 năm (4 lục cá nguyệt) và giáo trình chuyên ngành (gọi là Hauptdiplom hay là giáo trình chính) kéo dài thêm 5 hay 6 lục cá nguyệt với luận án tốt nghiệp và chấm dứt với việc cấp bằng kỹ sư (Diplom-Ingenieur).

Việc giảng dạy ở đại học được tính theo lục cá nguyệt, mỗi năm chia ra 2 lục cá nguyệt:


- Lục cá nguyệt mùa đông sinh viên sẽ có các bài giảng từ giữa tháng 10 cho đến giữa tháng 2.
- Lục cá nguyệt mùa hè từ giữa tháng 4 cho đến giữa tháng 7.


Các kỳ thi thường được tổ chức trong thời gian nghỉ giữa hai lục cá nguyệt. Chỉ có lục cá nguyệt mùa đông mới khai giảng giáo trình cho các sinh viên mới vào trường.

2.1 Giáo trình căn bản (Grundstudium, Vordiplom):

Trong gian đoạn này sinh viên sẽ nghe các bài giảng, làm bài tập và thực tập. Đây là những nền tảng có giá trị lâu dài cho nghề nghiệp sau này và gồm có:


- Toán cao cấp (Höhere Mathematik)
- Vật lý thực nghiệm (Experimentalphysik)
- Vật lý của vật chất ( Physik der Materie)
- Lý thuyết về mạch điện (Theorie der Schaltungen)
- Động lực điện (Elektrodynamik)
- Linh kiện dùng trong vi điện tử ( Bauelemente der Mikroelektronik)
- Tin học nhập môn (Einführung in die Informatik)
- Kỹ thuật truyền tin nhập môn (Einführung in die Nachrichtentechnik)
- Kỹ thuật năng lượng nhập môn (Einführung in die Energietechnik)
- Thực tập căn bản ( Grundlagenpraktikum)
- Thực tập về tin học (Informatikpraktikum)
- Các môn tùy chọn từ các lĩnh vực toán, vật lý, hóa hoc, cơ học, học thuyết sản xuất, dân luật, khoa học kinh tế và kinh tế xí nghiệp.
Ở giáo trình căn bản sinh viên được học tổng quát nhiều lĩnh vực về điện và tránh việc đi vào chuyên ngành quá sớm. Đây là những kiến thức căn bản vững chắc cho việc đi sâu vào chuyên môn sau này. Sinh viên hoàn tất giáo trình căn bản sau khi thi đậu các môn học.

2.2 Giáo trình chính (Hauptstudium, Hauptdiplom):

2.2.1 Trọng điểm và chuyên ngành:

Sau giáo trình căn bản là giáo trình chính. Sinh viên chọn một trong năm trọng điểm sau đây:

1. Hệ thống năng lượng điện (Elektrische Energiesysteme)
2. Kỹ thuật tự động hóa và kỹ thuật điều chỉnh (Automatisierungs- und Regelungstechnik)
3. Kỹ thuât truyền tin (Kommunikationstechnik)
4. Tin học kỹ thuật (Technische Informatik)
5. Vi điện tử và quang điện tử (Mikro- und Optoelektronik)
Sau khi đã quyết định cho mình một trọng điểm, sinh viên phải chọn một chuyên ngành trong trọng điểm đó để theo học. Như vậy các môn trong chuyên ngành là lĩnh vực được đào sâu thêm một lần nữa từ trọng điểm đã được chọn.

Hệ thống năng lượng điện có 3 chuyên ngành:

· Mạng lưới điện và công trình điện (Elektrische Netze und Anlagen)
· Chuyển hóa năng lượng (Energiewandlung)
· Kỹ thuật bảo toàn và xử lý hiệu chỉnh (Schutz-und Leittechnik)

Kỹ thuật tự động hóa và điều chỉnh có 3 chuyên ngành:
· Kỹ thuật tự động hóa và kỹ thuật phần mềm (Automatisierungs-und Softwaretechnik)
· Kỹ thuật điều khiển và điện công suất (Regelungstechnik und Leistungs-elektronik)
· Hệ thống điện (Elektronische Systeme)

Kỹ thuât truyền tin có 3 chuyên ngành:

· Viễn thông (Telekommunikation)
· Kỹ thuật điện cao tần (Hochfrequenztechnik)
· Xử lý tín hiệu (Signalverarbeitung)

Tin học kỹ thuật có 2 chuyên ngành:

· Kỹ thuật tự động hóa từ xa và mạng lưới truyền tin (Telematik und Kommunikationsnetze)
· Xử lý thông tin (Informationsverarbeitung)

Vi điện tử và quang điện tử có 2 chuyên ngành:

· Hệ thống quang điện (Optoelektronische Systeme)
· Mạch điện tích hợp (Integrierte Schaltungen)

Mỗi chuyên ngành có những môn học chính, những môn học được chọn từ những môn chính cũng như những môn học chọn tự do. Ngoài ra còn có hai thực tập thuộc phạm vi chuyên ngành, trong đó sinh viên sẽ làm thực hành trong từng nhóm nhỏ.

Ở giáo trình chính sinh viên sẽ được đào tạo để bên cạnh những kiến thức về các phương thức và nội dung của chuyên ngành đã chọn, còn có khả năng về cấu trúc hóa và trừu tượng hóa. Đây là những khả năng cơ bản để giải quyết có hệ thống những vấn đề kỹ thuật.

2.2.2 Tiểu luận án (Đồ án) và luận án tốt nghiệp (Studien-und Diplomarbeit):

Người kỹ sư cần đến sự sáng tạo và sự độc lập để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật trong nghề nghiệp của mình. Những khả năng này đạt được qua chương trình học, đặt biệt là qua tiểu luận án và luận án tốt nghiệp.

2.2.2.1 Tiểu luận án:

Sinh viên phải làm một tiểu luận án. Trong tiểu luận án sinh viên sẽ học những kiến thức căn bản về việc tiến hành một dự án. Đó có thể là lý thuyết hoặc thực hành và được thực hiện trong một học viện thuộc phân khoa điện với một hướng dẫn viên của học viện. Thời gian thực thụ để làm luận án là 3 tháng.

Ngoài tiểu luận án này, sinh viên có thể thay thế các môn học tự chọn tự bằng một tiểu luận án phụ và có thể thực hiện ở một học viện của một phân khoa khác hoặc ở kỹ nghệ.

2.2.2.2 Luận án tốt nghiệp:

Luận án tốt nghiệp được thực hiện trong một học viện thuộc phân khoa điện dưới sự chỉ đạo một hay nhiều huớng dẫn viên của học viện và trong đó cần đến một phần đáng kể sự sáng tạo của người kỹ sư tương lai. Qua luận án tốt nghiệp, người sinh viên chứng tỏ được khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn trong ngành chuyên môn của mình với một thời gian nhất định và các phương tiện có sẵn.

Đề tài thường là những công trình nghiên cứu đang được học viện cộng tác chung với kỹ nghệ nên bảo đảm được tính thực tiễn và có thể là lý thuyết hay thực hành. Thời gian để hoàn tất luận án là 6 tháng.

Sau khi hoàn tất luận án tốt nghiệp sinh viên được cấp bằng kỹ sư (Diplom-Ingenieur).

2.3 Thực tập ở kỹ nghệ:

Ngoài giáo trình ở trường sinh viên còn phải làm thực tập ở kỹ nghệ. Thời gian thực tập được chia ra 2 phần: Thực tập căn bản và thực tập chuyên ngành. Tổng cộng thời gian thực tập tối thiểu là 26 tuần (130 ngày làm việc), trong đó tối thiểu 8 tuần (40 ngày làm việc) cho thực tập căn bản và tối thiểu 13 tuần (65 ngày làm việc) cho thực tập chuyên ngành. Thực tập ở kỹ nghệ phải được một trong những văn phòng thực tập của phân khoa điện công nhận.
Những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thâu thập được từ thực tập ở kỹ nghệ sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn nội dung của các giáo trình, thêm động cơ thúc đẩy trong việc học và dễ dàng chuyển tiếp khi vào nghề.

Thực tập là điều kiện cần thiết để thành công trong học trình - qua đó có một cái nhìn về những công việc cho nghề nghiệp sau này - và là một phần chính yếu của giai đoạn học. Những việc làm thuần túy về quản lý không được tính là thực tập ở kỹ nghệ.

Chi tiết thực tập bao gồm:

- Làm quen các công việc và chế biến các chất liệu.
- Có một cái nhìn về các phương pháp hiện đại và các thiết bị để hoàn tất các bộ phận và hệ thống điện.
- Có một cái nhìn về cách tổ chức ở xí nghiệp.
- Làm việc trong tổ chức của xí nghiệp (trong đó có cách làm việc trong một nhóm, cách tổ chức cấp bậc, tính chất xã hội ...), biết quan tâm đến thời hạn hoàn thành công việc, cũng như tính kinh tế và chất lượng của sản phẩm, an toàn lúc làm việc và bảo vệ môi trường.

2.3.1 Thực tập cơ bản:

Trong phần thực tập cơ bản có những công việc như:
- Lập và gắn các mạch điện
- Đo và thử các mạch điện
- Cài, sử dụng, viết chương trình, nối mạng cho các máy tính
- Sử dụng, viết chương trình và áp dụng máy tính trong việc phát triển, chế tạo và thử các sản phẩm
- Tiếp xúc với các dụng cụ và những thiết bị trong việc sản xuất các máy móc và thiết bị điện
- Hoàn thành cơ bản về việc chế biến của kim loại, nhựa và chất cách điện
- Nối điện và nối các tín hiệu như hàn, nối bằng ốc,..

Sinh viên phải thực hiện tối thiểu 3 trong các nhóm việc trên và mỗi nhóm có thời gian khoảng bằng nhau. Sinh viên nên làm xong thực tập căn bản trước khi bắt đầu vào chương trình học. Trễ nhất là lúc ghi tên môn thi đầu tiên của giáo trình chính (Hauptdiplom) sinh viên phải hoàn tất 8 tuần thực tập căn bản.

2.3.2 Thực tập chuyên ngành:

Trong phần thực tập chuyên ngành sinh viên làm các công việc gần như công việc của kỹ sư trong các lĩnh vực kỹ thuật điện và kỹ thuật thông tin ở các phạm vi: nghiên cứu, phát triển, tính toán, lập dự án, khảo sát, chế tạo, sản xuất, lắp ráp, kiểm soát, vận hành và bảo trì.


Sinh viên bắt đầu làm thực tập chuyên ngành sau khi xong giáo trình căn bản và nếu có thể được nên thực hiện trong thời gian không có giờ giảng dạy ở trường. Phần thực tập 26 tuần ở kỹ nghệ phải được hoàn tất trước khi nhận đề tài làm luận án tốt nghiệp.

3. Kết luận:

Bài này chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược việc đào tạo kỹ sư điện tại đại học Stuttgart và qua đó có thể phần nào giúp cho các bạn có dự định học về kỹ thuật (điện, cơ khí, xây dựng,…) ở Đức so sánh việc đào tạo kỹ sư ngành điện với các ngành khác để có một quyết định về việc chọn ngành và trường đúng với khả năng và sở thích của mình.

Bảo Cẩn
Viết nhân kỷ niệm 25 năm ngày tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học Stuttgart (3.1979 – 3.2004)


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000