Vay tiền du học: suy đi tính lại cho kỹ

vaytienduhocHiện nay, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ cho vay du học. Nhiều người có kinh nghiệm đã đưa ra lời khuyên: cần suy tính hai lần trước khi quyết định vay tiền ngân hàng cho mục đích du học.

Kinh nghiệm người trong cuộc

Trần Việt tốt nghiệp ngành du lịch năm 2004, một năm sau quyết định du học Thuỵ Sĩ. Gia đình làm thủ tục thế chấp căn nhà mặt tiền tại quận 10, TP.HCM giúp anh vay tiền ngân hàng đóng học phí. “Chương trình học của tôi có bốn học kỳ nên phải vay bốn hợp đồng. Lúc đầu, tôi quên tính thời gian thanh toán các hợp đồng nên quá trình trả tiền rất bất tiện”. Theo hợp đồng, học kỳ đầu tiên, anh Việt trả lãi và vốn khá nhẹ nhàng, khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ khoảng một năm sau, anh phải thanh toán đồng thời cả bốn hợp đồng. Ngay năm đầu, anh phải trả cho cả bốn khoảng 30 triệu đồng/tháng, lãi suất 12%. Anh có việc làm khi còn du học, nhưng khi ra trường lương tháng chỉ dưới 1.500 USD, nên vẫn phải nhờ cha mẹ phụ trả tiền lãi và vốn hàng tháng. “Tôi tính mượn tiền bà con trả hết một lần, nhưng đến ngân hàng mới biết nếu kết thúc hợp đồng trước thời hạn sẽ phải đóng tiền nhiều vì hợp đồng ký thanh toán trong năm năm. Đành phải trả dần đến năm ngoái mới xong”, anh Việt cho hay.

Chị Cẩm Tiên ở quận 5, TP.HCM vay tiền du học Úc năm 2009, lãi suất ngân hàng khi đó là 9%. “Mặc dù ngân hàng nói nộp giấy tờ đầy đủ thì chỉ một tuần sau là vay được tiền, tuy nhiên khâu định giá tài sản khá rắc rối và tốn thời gian. Rồi hợp đồng cho vay chỉ trị giá 50 – 60% so với giá trị tài sản thế chấp, trong khi tiền vay được chỉ bằng 70% học phí”. Đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, nhiều biến động xảy ra trong thị trường tài chính, nên cứ ba tháng ngân hàng điều chỉnh lãi suất một lần. “Chỉ sau đó nửa năm, lãi suất ngân hàng tăng nhanh chóng, lên mức 18%, rồi 22%. Thậm chí, thời gian tôi đang học, ngân hàng còn yêu cầu làm thủ tục đáo hạn. Lúc đó gia đình cũng điêu đứng đi vay nóng để giải quyết đáo hạn với lãi suất cao, sau đó mới vay tiếp. Dù đã học xong từ năm 2011, nhưng hiện tôi trả tiền ngân hàng với lãi suất hàng tháng 16%, phải nhờ ba mẹ và anh chị cùng phụ trả đến hết năm 2013 mới xong”, chị cho hay và giải thích thêm: thời điểm đó đồng đôla Úc tăng giá, nên lúc vay tiền Việt cũng cao hơn dự tính ban đầu vì ngân hàng cho vay trực tiếp bằng tiền Việt, sau đó yêu cầu mua đô Úc tại ngân hàng.

Hiện các ngân hàng cho vay với phương thức xét duyệt giải ngân theo tiến độ thanh toán học phí từng năm. Giấy tờ yêu cầu cho từng lần vay gồm giấy thông báo học phí của nhà trường, giấy thông báo hoặc hoá đơn chi phí ký túc xá, chi phí ăn ở, sinh hoạt… đối với những trường tính học phí chung với chi phí ký túc xá trong những ngày học (những ngày cuối tuần, học sinh tự trang trải chi phí cá nhân). Vì hiện khoản ngân hàng cho vay chỉ là tiền đóng học phí, nên nhiều gia đình vay tiền cho con em chi tiêu cá nhân theo hình thức vay tiêu dùng. Sau khi ngân hàng hoàn tất thẩm định tài sản, thẩm định mục đích sử dụng vốn vay, khả năng thu nhập bảo đảm trả nợ, tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ xét duyệt và giải ngân một lần vào lúc vay.

Đã vay là chấp nhận mạo hiểm

Theo ông Trần Hữu Phúc Tiến, giám đốc trung tâm đào tạo Việt Nam Hợp Điểm, các bậc cha mẹ nên tham khảo nhiều ngân hàng vì mỗi ngân hàng có chính sách ưu đãi riêng thu hút người vay như lãi suất thoả thuận từng giai đoạn vay, kế hoạch và phương thức thanh toán thuận lợi, số tiền cho vay tối đa trên tổng chi phí du học, phương thức và định giá tài sản cầm cố có lợi hơn cho người vay. “Tuy nhiên, người đi vay phải ghi nhớ hoạt động cho vay du học của ngân hàng không phải hoạt động từ thiện mà là thương mại. Vì thế mọi khó khăn về quy trình chứng minh giấy tờ cần thiết thế chấp vay vốn hay rủi ro trong quá trình thực hiện chi trả đều giống với mọi hợp đồng vay tiền vào mục đích khác”, ông Tiến khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kiều Thơ, chuyên viên tư vấn trung tâm giáo dục Studylink, cũng có lời khuyên: “Khi tính toán chuyện vay tiền ngân hàng để đóng học phí, phụ huynh cần tìm hiểu ngân hàng sẽ cho vay bao nhiêu so với mức học phí phải đóng mỗi học kỳ và học phí từng trường. Tại nhiều trường, học phí thường xuyên tăng 0 – 40% mỗi năm. Như vậy, ngoài tài sản thế chấp và khoản chi trả tiền mượn và lãi suất hàng tháng, gia đình phải chuẩn bị các phương án khác nếu giá trị đồng tiền của nước du học thay đổi và học phí gia tăng. Vay ngân hàng là chấp nhận mạo hiểm đối với những tài sản mang ra thế chấp và chịu rủi ro khi thị trường tiền tệ biến động”.

“Nhưng mạo hiểm nhất khi vay tiền ngân hàng đi học chính là học sinh bỏ học hoặc bị đuổi giữa chừng, coi như gia đình ôm nợ lớn” – anh Trần Việt chia sẻ kinh nghiệm của một người bạn du học cùng trường.

Theo SGTT


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC