Du học bậc trung học, nên hay không?

duhocTHCho con em du học tại các quốc gia tiên tiến ngay từ bậc học phổ thông đang dần trở thành một sự lựa chọn của khá nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, làm thế nào để tìm được một trường học uy tín ở nước ngoài có chất lượng cho con em mình, chọn lựa chương trình học phù hợp và các bước chuẩn bị luôn là những mối băn khoăn của phụ huynh, đặc biệt là ở cấp trung học (TH), thời điểm quyết định tới sự phát triển sâu về tư duy và thể chất của các em.

Hiện nay, tại những cuộc triển lãm giáo dục của các nước, sự xuất hiện của những trường TH đang giữ một phần đáng kể của các triển lãm. Tại các trung tâm tư vấn du học, nhu cầu của phụ huynh và HS về du học ởcác quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, Anh… từ bậc TH cũng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, không khó để nhận ra điểm chung của nhiều phụ huynh là sự phân vân khi ra quyết định cho con đi du học từ bậc TH, bởi tâm lý lo ngại rằng cho con đi học ở cấp học này liệu có quá sớm?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay, mỗi gia đình đều mong muốn con em mình được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, giúp phát triển toàn diện và phát huy hết tiềm năng để thành công trong cuộc sống. Nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn cho con em mình theo học những chương trình học quốc tế để có cơ hội được học tập trong môi trường hiện đại với bằng cấp được công nhận rộng rãi quốc tế. Những năm gần đây, con đường du học đã hình thành một xu hướng mới: thay vì học xong lớp 12 ở Việt Nam mới tính chuyện đi du học thì nhiều phụ huynh đã quyết định cho con em đi du học ngay từ bậc phổ thông. Lợi ích thì dễ thấy, nhưng phụ huynh cũng cần phải nắm vững thông tin để tránh tiền mất, tật mang. “Đi học ở lứa tuổi 13 – 17, liệu có sớm quá không?” là câu hỏi đầu tiên các bậc cha mẹ này đặt ra khi quyết định cho con em mình đi du học. Bên cạnh đó là những lo lắng nặng trĩu tâm tư, sợ con em mình vẫn chưa chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ và hành động, dễ bị sốc văn hóa, quên tiếng Việt...

Du học bậc trung học, nên hay không?

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, du học có thành công hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: năng lực học tập, tư chất của HS và khả năng tài chính của gia đình. Năng lực học tập gồm khả năng tiếp thu và học tốt các môn khoa học và xã hội, đặc biệt là Toán và tiếng Anh. Tư chất của học sinh gồm ý thức, kỹ năng sống và khả năng học tập độc lập, tự chịu trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp xã hội và làm việc trong một tập thể, khả năng chịu áp lực và tự động viên, mối liên kết gắn bó với gia đình và bạn bè… Khả năng tài chính là tính thanh khoản của nguồn tài chính trong ngắn hạn lẫn dài hạn của gia đình. Khi cho con đi du học, phụ huynh phải cân nhắc về các yếu tố trên. Đứng về phía gia đình, yếu tố thứ ba là rất quan trọng, trong khi đó, về phía HS, nếu thiếu cả hai yếu tố đầu thì khả năng thành công là rất thấp. Ngoài ra, du học là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư học tập, tài chính và rèn luyện kỹ năng sống cho con em. Không nên đi du học theo phong trào, hoặc thấy bạn bè, thân nhân cho con em đi học ở đâu thì mình gửi đi ở đó, vì mỗi gia đình và mỗi cá nhân HS đều có đặc điểm, hoàn cảnh riêng. Để chuẩn bị tốt cho con em đi du học, phụ huynh cần giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tăng cường vốn ngoại ngữ, phương pháp học để thích nghi được môi trường học tập quốc tế sau này.

Tuy nhiên, các trường TH không đặt yêu cầu cao về tiếng Anh đầu vào của HS quốc tế như ở bậc Đại học (ĐH). Mặt khác, tiếng Anh học thuật cho các chương trình CĐ – ĐH yêu cầu cao hơn nhiều so với chương trình TH. Đi du học từ bậc TH, các em sẽ có thêm cơ hội và thời gian để trau dồi ngoại ngữ hiệu quả. Đặc biệt, tại nhiều quốc gia, các trường đều có chương trình tiếng Anh hỗ trợ cho HS quốc tế trong suốt quá trình học. Thêm vào đó, theo nghiên cứu, lứa tuổi 13 – 17 là giai đoạn mà các em có được sự phát triển nhanh chóng về thể chất cũng như trí tuệ. Ở giai đoạn này, các em luôn có nhu cầu được khám phá và trải nghiệm để phát triển toàn diện. Vì vậy, việc làm quen, thích nghi với văn hoá và phong cách, phương thức học tập cũng sẽ dễ dàng hơn với du học sinh khi được bắt đầu từ những năm học TH. Việc sớm tiếp xúc với đời sống, văn hóa bản xứ và tham gia vào các hoạt động cộng đồng theo yêu cầu của chương trình TH cũng là những yếu tố quan trọng tạo cho HS tính năng động và có thêm nhiều trải nghiệm quý giá. Chính những trải nghiệm này là những ưu điểm lớn trong hồ sơ xét tuyển vào ĐH của HS sau này.

Việc chọn trường, những lợi – hại khi đi du học cũng là mối quan tâm hàng đầu và luôn được các bậc phụ huynh cân nhắc kỹ lưỡng. Không phủ nhận, việc được học tập ở những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới là rất tốt và HS sẽ có điều kiện để phát huy hết tiềm năng vốn có và lĩnh hội những tri thức tiên tiến của nhân loại. Tuy nhiên, cần biết rằng để HS có thể phát huy hết khả năng của mình và đón nhận kiến thức mới, trước tiên HS phải có một sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và sự chuẩn bị tốt.

Theo Dantri


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC