Nước Đức:Thời của xe đạp

Nước Đức:Thời của xe đạpMấy tháng nay, sáng sáng, luật sư Peter Kupisz khoác chéo cái cặp qua vai rồi thong dong trên chiếc xe đạp đến văn phòng, vừa đi vừa ngó nghiêng đường phố, đánh mắt với mấy cô gái trên đường

 “Dùng cái này, tôi tập thể dục là chính nhưng nó cũng không chậm hơn bao nhiêu so với tàu điện ngầm. Chỉ mất khoảng 20 phút là đã đến nơi rồi”.

Hàng ngày, tại Berlin, xe đạp chiếm 13% tổng số các cuộc di chuyển với khoảng gần 1 triệu người đi làm bằng xe đạp. Tuy con số này chưa thể so sánh với Amsterdam hay Copenhagen - thiên đường xe đạp nhưng số người đi xe đạp ở Đức tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, theo số liệu của Hiệp hội xe đạp Berlin (ADFC). Nếu tính trên toàn nước Đức thì số lượng người đi xe đạp lên chừng 4 triệu người và ADFC dự tính, con số này sẽ lên 11 triệu trong vài năm tiếp theo.

Các con số tháng nào cũng tăng, chủ tịch ADFC Sarah Stark cho biết. Đợt tăng giá xăng năm 2008 đã khiến hàng chục ngàn người bỏ ôtô chuyển sang đi xe đạp, đến khi giá xăng hạ thì họ đã quen và yêu thích xe đạp tới mức không muốn quay lại với chiếc xe bốn bánh nữa. Tại Berlin, dịch vụ tàu điện ngầm xuống cấp cũng là một nguyên nhân khiến lượng người đi xe đạp gia tăng.

“Sự quan tâm tới xe đạp đang bùng bổ - bà Stark nhận định - Người lái ôtô trong cảnh tắc nghẽn mà thấy những chiếc xe đạp vút qua thì bắt đầu nghĩ lại về chuyện dùng ôtô. Sau khi đạp xe, họ phát hiện phương tiện giao thông này cũng rất thuận lợi”. Hiện có khoảng 68 triệu xe/82 triệu người dân Đức.

Ngành công nghiệp xe đạp đạt doanh số 1,7 tỉ USD/ năm đối với xe đạp và 3,5 tỉ USD đối với các phụ tùng. Dù khủng hoảng kinh tế đang trầm trọng, nhưng ngành này vẫn sống khỏe với doanh số liên tục tăng trưởng trong cả năm 2008 và đầu năm 2009. Và khi những chiếc xe đạp lưu thông trên đường phố càng nhiều thì càng thu hút thêm người muốn đạp xe.

Trên đường phố Berlin, xe đạp giờ nhiều đến mức, có khi vào giờ cao điểm, đường dành riêng cho xe đạp bị dồn ứ, tắc nghẽn lúc đèn đỏ. ở khu vực trung tâm Berlin, nơi tập trung các cơ quan chính phủ, hàng trăm nhà báo, nhà vận động hành lang, chính trị gia, doanh nhân, công chức... đạp xe hằng ngày từ tháng 4 đến tháng 10. Có người thậm chí còn đạp xe trong cả mùa đông.

Thứ trưởng Tài chính Joerg Asmussen hay giám đốc Phòng Công thương Martin Wansleben cũng là những người thường xuyên đạp xe đến chỗ làm. “Chúng tôi thường xuyên cải thiện hạ tầng cho người đi xe đạp để biến xe đạp thành một phương tiện hấp dẫn hơn nữa - thượng nghị sĩ Harald Wolf cho biết.

Nhiều người Đức cảm thấy hạnh phúc hơn khi đi xe đạp. Ông Roft Dieter Peschel, 48 tuổi, nhân viên y tế, bán chiếc ôtô hai năm trước khi dấu hiệu khủng hoảng tăng và hằng ngày đạp xe 17km đến công sở. Giờ mỗi năm ông đạp tới 6.000km, tiết kiệm được khoảng 3.000 euro (hơn 4.200 USD). “Tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn trước rất nhiều - ông tâm sự - Tôi luôn mong được đạp xe về nhà và thật đáng kinh ngạc khi bạn nhận ra rằng mình có thể tiết kiệm được nhiều tiền đến vậy khi không đi ôtô”. Bà Bettina Krause - 40 tuổi, giáo viên ĐH Kỹ thuật Berlin cho biết không thể chịu nổi cảnh chen chúc trong tàu điện ngầm nữa. “Điều mà tôi thích nhất bây giờ là có thể vừa đi làm vừa tập thể dục”.

Còn anh Thomas Geithner, 32 tuổi, chuyên gia tin học nói, dù có ôtô nhưng anh chỉ đạp xe đi làm. “Chỉ 4km thôi và tôi chẳng phải mất thời gian tìm chỗ đậu xe như trước nữa. Đi ôtô thì có quá nhiều áp lực. Tôi chỉ cần đạp xe vài phút là tâm trạng trở nên thoải mái suốt cả ngày”.

Đó là một phương tiện giao thông giá rẻ, thân thiện với môi trường do không tạo ra khí nhà kính và quan trọng hơn, đạp xe đem lại sức khỏe tốt. Hơn nữa, ở những thành phố hay tắc nghẽn giao thông như Berlin thì đạp xe cũng nhanh chẳng kém gì đi ôtô.

Thu Trang (Theo Reuters).


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000