Vào đại học thật dễ nhưng vẫn thích học nghề

Vào đại học thật dễ nhưng vẫn thích học nghềỞ Đức bạn trẻ không phải thi để vào được đại học (ĐH),  nạo phá thai không phổ biến... Đó là tâm sự của bạn gái Juettner Inga, sinh viên ĐH Applied Science Mainz.

Bạn trẻ Đức quan niệm thế nào về bằng cấp?

Bằng ĐH có giá trị cao ở Đức và được xem là chìa khóa để tìm việc dễ hơn, nhưng không phải là con đường duy nhất. Họ có nhiều sự lựa chọn khác nhau.

Ở Đức không phải thi để vào được ĐH mà chỉ cần bằng tốt nghiệp cấp 3 và đủ điểm theo yêu cầu của trường dựa trên từng môn học.

Học nghề là con đường mà rất nhiều bạn trẻ Đức lựa chọn khi tốt nghiệp cấp 3. Họ có thể tham dự một số chương trình hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn ngành, hướng đi của mình. Bên cạnh đó, một số tổ chức xã hội còn giúp cho học sinh làm quen với môi trường lao động.

Những người trẻ thành đạt ở nước Đức có phải qua trường lớp đào tạo bài bản không?

Rất nhiều những người trẻ thành đạt ở nước Đức lúc đầu không có bằng ĐH. Nói thế không có nghĩa là bằng ĐH không có giá trị mà nó vẫn được coi trọng. Tuy nhiên, nếu biết kết hợp giữa học ĐH và học nghề, làm thêm thì dễ đạt được nhiều thành công. Nhiều bạn trẻ Đức đã thành công nhờ con đường đó.

Xu hướng chọn nghề của các bạn trẻ Đức như thế nào?

Giới trẻ Đức thích những môn mang tính truyền thống như kinh tế, luật, bác sĩ. Bên cạnh đó, những ngành nghề mang tính công nghệ cao như kỹ sư, kiến trúc sư, sản xuất thiết kế lắp ráp máy móc, công nghệ thông tin cũng rất được giới trẻ ưa chuộng.

Vậy những nghề mang tính nghệ thuật, giải trí như MC, thời trang, ca sĩ, có được các bạn trẻ Đức ưa chuộng không?

Ở Đức có nhiều trường dạy về văn hóa, nghệ thuật và có nhiều bạn trẻ tham gia, nhưng để có được sự thành đạt về sự nghiệp và có đủ tiền nuôi sống bản thân cũng như gia đình thì những ngành về truyền thống như đã nói ở trên vẫn là sự lựa chọn số một.

Nghe nói những người trẻ ở Đức ít bị phụ thuộc vào bố mẹ, gia đình?

Đúng vậy. Các bạn trẻ Đức có tính tự lập rất cao. Không phải đợi đến lúc trưởng thành, mà từ khi còn nhỏ tuổi đã được bố mẹ giáo dục, rèn luyện tính tự lập. Họ có thể chuyển ra ngoài và tự lo cho cuộc sống của mình từ rất sớm (khi đủ độ tuổi thành niên hoặc hết lớp 10). Khi vừa học xong cấp 3, họ có thể chuyển ra ngoài ở riêng vì đi học nghề xa bố mẹ.

Ở Đức, cưới xin có phải là việc quan trọng khi đến tuổi kết hôn không?

Hôn nhân cũng là một chủ đề hay được nhắc đến trong gia đình, nhưng đó không phải là một vấn đề bắt buộc. Hai người yêu nhau, có thể chuyển về sống chung với nhau, nhưng không bắt buộc phải cưới. Khi hai người sống chung, thấy hợp nhau và mọi việc đều ổn, lúc đó mới tổ chức đám cưới cũng không sao.

Nạo phá thai có phổ biến ở nước Đức không?

Vấn đề này không hề phổ biến ở các bạn trẻ Đức. Vì những người trẻ Đức được trang bị các kiến thức giáo dục về giới tính rất kỹ lưỡng ngay từ trong trường học.

Ngoài ra, họ còn được các tổ chức xã hội, y tế, gia đình thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về những tác hại của việc mang thai khi còn quá trẻ, về những bệnh viêm nhiễm lây qua đường tình dục. Vì thế, khi nghĩ đến việc quan hệ tình dục, các bạn trẻ thường có sự chủ động để tránh việc mang thai ngoài ý muốn.

Đối với các bạn trẻ Đức, mang thai trước khi cưới không phải là việc xấu xa, tội lỗi để dẫn đến việc phải phá thai. Các bà mẹ trẻ mang thai ngoài ý muốn ở nước Đức có nhiều sự hỗ trợ từ gia đình cũng như các tổ chức xã hội.

Theo TP.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000