"Bạo lực thiếu nữ" và giải pháp kiểu Đức

"Bạo lực thiếu nữ" và giải pháp kiểu ĐứcCuộc sống thiếu nữ hiện nay nhiều lúc gợi nhớ tới võ đài cho các đấu sĩ nữ môn đấm bốc.

Trên nền tảng đạo đức xã hội hôm nay, nhiều nữ “đầu gấu” ở tuổi đôi mươi thậm chí còn có thể thể hiện mình như biểu tượng của “duyên dáng” và “nghĩa hiệp”. Người Đức đang điều trị căn bệnh xã hội này bằng… truyện cổ tích, đồ chơi cho trẻ em và các kiến thức nữ công gia chánh.

Kể từ đầu thời suy thoái, các nhà xã hội học Đức nhận thấy một đợt sóng vũ lực trùm lên bé gái và thiếu nữ.

Thậm chí, đã xuất hiện cả từ lóng “macha” – “nữ cao thủ”, có xuất xứ từ “macho”, chỉ các đầu sỏ giang hồ ngày xưa, và dĩ nhiên là đàn ông. Thiếu nữ hiện đang bộc lộ sự hung hãn, thô thiển hơn cả các bạn trai và đang tìm cách giải quyết tranh chấp thuần tuý bằng vũ lực.

Nếu như “ngày xưa” các em gái tìm cách mách cha mẹ, thầy cô, hay anh em trai mỗi lần có xích mích với bạn cùng trang lứa, thì nay, con tạo đã xoay về hướng khác.

Các cô “macha” để tỏ ra có “tự tin”, “cá tính”, đang cố gắng học các môn võ đối kháng. Đây đâu còn là thời của “nhu đạo”, nên họ tìm những môn võ không thuần tuý tự vệ, mà cho phép đánh gục đối thủ ngay từ khi ra đòn đầu tiên.

Để răn đe, trấn áp, họ sử dụng ngay khi vừa mở miệng những từ ngữ có thể làm đám lính tẩy xưa phải giật mình. Và không còn giới hạn nào cho kho từ ngữ này: các “nữ cao thủ” dùng nó cả trong trường học lẫn đời thường.

Đó cũng là hồi kèn xung trận khi họ lao vào cuộc đánh lộn, ẩu đả. Như số liệu thống kê đã chỉ ra, trong vòng 15 năm lại đây, số lượng em gái ở tuổi thành niên phạm tội bạo hành ở nước Đức mới đã tăng tới 4 lần.

Có thể dẫn Neukölln như một trong những khu vực “nóng” của Berlin về mặt “bạo lực thiếu nữ”.

Ở đây. người gốc Đức khá ít, dân chúng chủ yếu là người nhập cư, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và các nước cộng hoà từng thuộc Liên Xô. Nhiều người trong họ đến từ chốn thôn làng hay tỉnh lẻ. Không ít bậc cha mẹ lần đầu tiên nếm trải cuộc sống đô thành.

Tình trạng “trọng nam khinh nữ" vẫn được xem là hiện trạng của không gian Hồi giáo. Còn các nước thuộc Liên Xô luôn có di sản “thiếu nam nhi” do lịch sử để lại, từng có nhiều cuộc đấu “tranh giành bạn trai” dưới mọi hình thức, để lại dấu ấn trong văn học và trên truyền thông.

Và nhiều thành phố Trung Âu đang trở thành nơi hẹn hò đột ngột của nền dân chủ kiểu phương Tây với truyền thống bị chèn ép, hay những tranh chấp cùng giới khốc liệt lâu đời, dẫn tới một bất ổn xã hội vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp lý và đạo lý. 

Sàn nhảy cuộc đời

Các em gái, bất chấp mức độ thu nhập, thường xuyên tụ tập ở các sàn khiêu vũ. Nơi đ,ó sẽ vang lên những bài ca dạng như: “Ở Đức có nữ hoàng, đó là cô gái của khu Hác-lem, của đường phố lầm lội… Những con phố đang cháy lên trong bạo lực “máu lạnh”, trong luật “đao búa”… Em đến từ getto, nhưng getto không ở trong em”.  

Các “nữ hoàng” đến sàn nhảy để xả hơi sau những trận quyết đấu với các thiếu nữ cùng tuổi. Nhạc rap và các “giai điệu” kiểu “Một giờ của quyền lực thiếu nữ” (One hour of Girl Power, của ban nhạc Spice Girls) giúp những ai thua trận lấy lại nhuệ khí cho những trận so găng tiếp nối để tự khẳng định mình.

Một “Cleopart” đời mới, có vẻ như vừa thắng trận, dạy các bạn gái của mình "nên kính trọng bọn đàn ông vũ phu".

Một cô khác nhấn mạnh hiệu quả của “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”: “Phải hành xử ra sao cho cộng đồng hiểu rằng mày là dữ dằn nhất, tàn độc nhất. Phải gây danh tiếng ở chỗ đông người, để bọn họ luôn kính cẩn nhường bước cho mày”.

Đây đó, những Thị Nở giỏi võ lườm yêu những “Chí Phèo” – xã hội đen. Nhưng cũng có vài “Phàn Lê Huê”, “duyên dáng” mà dí dỏm, đang kể cho bạn nhảy của mình chuyện cô vừa cho con nọ con kia “lỗ mũi ăn trầu” bằng chất giọng của minh tinh màn bạc… 

Những cuộc ruồng bỏ của “nặc nô”

Một thời Neukölln từng “rên xiết” dưới gót sắt của một bộ ba gồm hai cô gái mới 16, cô thứ ba mới 14. Để được gán danh hiệu: “mạnh nhất, tàn bạo nhất, nhẫn tâm nhất, thô tục nhất”, họ đã ra đường phố theo “đội hình chiến đấu”, sẵn sàng đánh gục bất cứ ai, có khi chỉ vì dám “nhìn đểu”.

“Chân lý thuộc kẻ sức vóc hơn”, đó là luật rừng ở trên các đường phố nào ở Đức có dân nhập cư sống đông đúc.

Điều này nay đúng với cả những ai từng được xem là “phái yếu”, “phái đẹp”. Một chiến binh Amazon thời nay nhớ lại: “Trước kia, nếu những cô gái trẻ như tôi cãi nhau, họ không bao giờ sầy vi sứt vỏ. Còn hôm nay thì phải ra đòn liên tục, ngay cả khi đối phương đã gục ngã…”.

Các số liệu thống kê cũng cho hay, 20% các vụ bạo hành trong thanh thiếu niên tới mức gây thương tích đáng kể là do các nữ “cao thủ võ lâm” đời mới đã “xuống tay” phũ phàng.

Cảnh sát Berlin cũng cho rằng các nam thiếu niên gây án chủ yếu là do các động cơ vụ lợi (cướp giật, trấn lột, cưỡng bức…), còn với các em gái bạo hành lại là do nhu cầu tự khẳng định, là một nỗ lực cổ suý cho giải phóng nữ giới một cách bệnh hoạn, man rợ.

Để chứng minh luận điểm này, cơ quan công quyền dẫn chứng hàng loạt cuộc phục kích của nhóm đông các thiếu nữ “macha” nhằm vào những nam thiếu niên trong các công viên, tụt quần xé áo các em trai này, đánh đập họ, ngắm nghía cơ quan sinh dục, cười đùa, chòng ghẹo. Nhưng họ không động đến tư trang của các nạn nhân.

Thần dược: Về lại tuổi thơ... 

Sau khi nghiên cứu kỹ các xuất phát điểm dẫn tới tâm lý ưa bạo lực hiện nay trong thiếu nữ, nhất là trong con em của những gia đình đến từ các mô hình xã hội kìm hãm, vô chính phủ, thiếu bình quyền… đã có nhiều giải pháp đối phó với nạn “bạo lực thiếu nữ”.

Chẳng hạn, tổ chức xã hội Pro Famillia (Vì gia đình) hiện đang cố gắng đem lại cho các “nặc nô” thời mới này khái niệm về giá trị của tình cảm gia đình, của nữ tính.

Các “macha” sẽ được trải qua liệu pháp tâm lý đặc biệt. Chuyên gia của Pro Famillia hướng dẫn các em trong tiết học nữ công gia chánh, hoặc chơi với đồ chơi của tuổi thơ. Có những con búp bê - người máy biết khóc quấy, đòi ăn, giãy giụa đòi bế…

Người ta sắp đặt những chương trình phần mềm với độ khó khác nhau vào trong con búp bê để các em “nâng tay nghề”.

Ngoài những giờ thực hành, có những tiết lý thuyết trong đó các em được cung cấp kiến thức về tình bạn, tình yêu, tình dục, về quan hệ với thế giới, với tự nhiên...

Các chương trình được soạn thảo theo hướng khuyến khích nữ tính, chống lại bạo lực xâm nhập từ “tam giác quỷ” (tivi, computer, ePhone) hiện nay.

Đó là: một số chương trình vô tuyến có yếu tố phản giáo dục, các trò chơi có hại trên máy tính, và những tiện ích điện thoại di động có thể gây phản tác dụng cho đời sống tinh thần và thể lực của lớp trẻ.

TH.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000