“Gồng mình” ở Đức

Hòa nhập với cuộc sống ở nước Đức chưa bao giờ là điều dễ dàng và việc phát triển ngôn ngữ cho người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba sẽ phải “trả giá” nếu không đúng phương pháp, theo cô Ngân Nguyễn-Meyer – tư vấn viên, giảng viên, phiên dịch viên tại Munich, CHLB Đức.

“Gồng mình” ở Đức - 0

Năm 1999, chị sang Munich học ngành Xã hội học. Hành trình một mình đến Đức của chị có gặp phải cú sốc văn hóa như nhiều người Việt khác?

Tôi không cảm nhận sốc văn hóa rõ ràng. Có lẽ do tôi đã biết văn hóa Đức và làm việc với người Đức ở Việt Nam từ năm 1992. Cuộc sống ở Đức không hoàn toàn xa lạ với tôi vì tôi đã sống ở Đức ba tháng năm 1998 trong một chuyến đi công tác ở Bonn.

Hơn nữa, tôi nói thạo tiếng Đức do đã học ngành tiếng Đức ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và quen làm việc với người Đức rồi.

Giống như người Việt Nam, người Đức có câu “Mọi khởi đầu đều khó khăn”. Khó khăn ban đầu của chị diễn ra như thế nào?

Trong những tháng đầu tiên, tôi phải hoàn thành rất nhiều thủ tục hành chính bắt buộc cho sinh viên nước ngoài như gia hạn thị thực, đóng bảo hiểm y tế, nhập học, mở tài khoản, tìm nhà…

Khi bước chân vào Đại học Ludwig-Maximilians, tôi có cảm giác xa lạ rõ ràng hơn bởi không quen các giáo sư cũng như bạn học. Giảng đường thường có 300 đến 500 sinh viên, giáo sư sử dụng toàn từ chuyên môn, rất khó hiểu. Để hiểu được các môn khoa học xã hội, tôi phải tự học thêm rất nhiều về văn hóa và con người Đức cũng như cách tư duy của họ.

Nói tóm lại, khó khăn ban đầu chính là sự khác biệt tư duy giữa người Việt và người Đức. Trong giờ học, tôi không hiểu nhiều điều giáo sư giảng hoặc bạn học phát biểu. Bên cạnh đó, hầu như sinh viên cùng khóa không cần làm quen với tôi vì tôi là người lạ mà họ thì có nhóm bạn riêng rồi. Khó khăn này không phải dễ mà vượt qua được.

16 năm sống ở Đức đã giúp chị giải quyết hết các khó khăn?

Tôi còn gặp một khó khăn nữa là không dễ thuyết phục được nhiều người Đức để họ công nhận khả năng của mình, đặc biệt là trong công tác giảng dạy khoa học công tác xã hội ở Đại học. Tôi phải chịu khó đào sâu kiến thức chuyên môn, chuẩn bị các giờ giảng kỹ và tham gia hoạt động khoa học cùng đồng nghiệp…

Tất nhiên, tôi gặp ít trở ngại và cũng ít lần bị phân biệt đối xử hơn so với nhiều người Việt khác. Lý do chính là tôi nói tiếng Đức thạo hơn và có nhiều khả năng làm việc, đặc biệt là trong công tác tư vấn cho người Việt ở Đức. Vì thế, tôi có thể hỗ trợ người Đức và người Việt trong giao tiếp với nhau. Ở Munich, rất nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực tư vấn gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên biết đến tôi là một trong hai người tư vấn cho các gia đình Việt Nam ở Munich.

Người Việt sống ở Đức có đặc điểm gì, theo chị?

Người Việt ở Đức chủ yếu tập trung theo các nhóm lẻ khác nhau, mặc dù từ một vài năm nay có liên hiệp người Việt cho toàn liên bang Đức. Sự đoàn kết giữa người Việt với nhau không rõ nét mấy do họ còn phải lo kiếm tiền cho bản thân và gia đình. Phần lớn người Việt làm việc trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ châu Á, sửa móng chân, móng tay…

Là chuyên viên tư vấn giáo dục cho các gia đình Việt Nam ở Munich, chị đánh giá như thế nào về việc học tiếng Việt của các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba như con cái của chị?

Việc học tiếng Việt của các cháu thế hệ thứ hai hoặc ba là một vấn đề rất lớn, ít nhất là ở Munich vì gần đây mới có một vài lớp học tiếng Việt do tư nhân tổ chức vào cuối tuần. Hơn nữa, phần lớn các gia đình người Việt không có kiến thức về sự phát triển ngôn ngữ của các cháu. Có một số gia đình sợ các cháu không biết tiếng Việt nên rất khắt khe và bắt con bằng mọi giá phải nói tiếng Việt. Bắt buộc mà không biết cách hỗ trợ để con mình thực sự say mê với tiếng Việt thì cuối cùng họ gây ra khoảng cách lớn trong suy nghĩ của các cháu đối với tiếng Việt.

Nhiều gia đình khác thì hoàn toàn ngược lại. Họ rất sợ con mình yếu tiếng Đức rồi không theo kịp các bạn ở trường. Mặc dù tiếng Đức rất kém (phát âm, từ vựng, ngữ pháp) nhưng họ vẫn nói tiếng Đức với con và bắt con nói càng nhiều tiếng Đức càng tốt. Kết quả là, các cháu không nói sõi tiếng Việt và học một thứ tiếng Đức có nhiều lỗi của bố mẹ. Các lỗi này rất khó sửa và các cháu bị thiệt thòi lớn trong quá trình học ở trường.

Hậu quả lớn nữa là sự bất đồng ngôn ngữ giữa bố mẹ và con cái, vì bố mẹ không thạo tiếng Đức còn con cái không thạo tiếng Việt. Điều này làm cho nhiều cháu bị thiếu hụt lớn trong sự phát triển tâm lý vì không cảm nhận được đúng sự biểu cảm của bố mẹ trong quá trình giao tiếp và hình thành quan hệ giữa con và bố mẹ.

Trong nghiên cứu phát triển ngôn ngữ của trẻ em ở Đức, người ta thấy rằng, bố mẹ người nước ngoài chỉ cần nói tiếng mẹ đẻ với con mình, vừa để tránh việc con cái bắt chước lỗi của bố mẹ khi dùng tiếng nước ngoài vừa để các cháu có điều kiện học các kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, qua đó có khả năng học tiếng thứ hai tốt hơn.

Chị đang thực hiện luận án tiến sĩ về chủ đề khả năng hiểu văn hóa Việt Nam của các chuyên viên tư vấn Đức trong công việc tư vấn người Việt Nam. Tại sao chị chọn đề tài này và đề xuất của chị là gì?

Tôi muốn nghiên cứu một mặt về khả năng nhạy bén văn hóa của các chuyên viên tư vấn (chủ yếu là người Đức) đối với người Việt Nam trong quá trình tư vấn, mặt khác về cách đối xử của các chuyên viên này đối với những điều mà họ hoàn toàn xa lạ (ví dụ cách định nghĩa vấn đề và giải quyết vấn đề, cách giao tiếp, cách dạy con… của người Việt).

Mục đích cuối cùng là tìm ra cách đối xử giữa những người xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau để có được sự công bằng xã hội, đặc biệt là cho những người từ nơi xa tới. Việc này có thể ngăn chặn sự miệt thị dân tộc, sự hận thù nhau do xung đột văn hóa. Đó là mong muốn của tôi trong quá trình đóng góp cho khoa học công tác xã hội, sự phát triển xã hội của Đức cũng như quá trình hội nhập của người nước ngoài và đặc biệt là người Việt ở Đức.

Xin chúc chị thành công với luận án tiến sĩ của mình cũng như cuộc sống tại Đức!

Theo baoquocte


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000