Một số người Việt ở Đức hám nhiều danh một lúc và ngày càng vô thực

Một số người Việt ở Đức hám nhiều danh một lúc và ngày càng vô thực

Những người làm nòng cốt dựng nên những hội đoàn này phần lớn là những người có tính tình sôi nổi, có ít nhiều năng khiếu và kinh nghiệm về công việc quần chúng. Họ là những người nhiệt tình xông xáo và muốn thể hiện một cái gì đó trước tập thể. Họ được anh em tín nhiệm bầu làm hội trưởng hay hội phó. Làm việc cho hội không có  thù lao. Nhiều khi còn có công đóng góp về vật chất hơn cả các hội viên. Những người tạo ra „sân chơi“ cho nhiều người như vậy thật đáng hoan nghênh. Nhưng gần đây một số vị đã đi quá đà.

1 1 Mot So Nguoi Viet O Duc Ham Nhieu Danh Mot Luc Va Ngay Cang Vo Thuc

1 2 Mot So Nguoi Viet O Duc Ham Nhieu Danh Mot Luc Va Ngay Cang Vo Thuc

Lòng tốt ấy đã chuyển hóa thành  căn bệnh hám danh đến không ngờ. Đang làm lãnh đạo hội này, đã sang thành lập hội khác, rồi „dăm bữa nửa tháng“ lại có ý tưởng mới thành lập thêm hội nữa và hội nữa. Tôi nghĩ làm lãnh đạo của một hội cho đến đầu, đến đũa đã mỏi mệt rồi. Giờ tuổi đã cao mà vẫn còn cố với, cố vờn như con bạch tuộc. Chỗ nào họ cũng chọn cho mình một chổ đứng để giải quyết khâu oai, hữu danh mà vô thực liệu có nên không? Hỏi có bị các hội viên nghi cho mình là để có cớ dùng tiền hội phí để mua hoa, mua quà đi dự các cuộc hội hè do những hội khác thay nhau mời đồng lần; Để rồi từ đó mà được ngồi bàn đầu có khăn trải hẳn hoi, gần và ngang hàng với ông nọ bà kia, com lê củ táo „oai phong lẫm liệt“ và đặc biệt được ăn nhậu miễn phí. Ăn xong còn được về  khoe khoang với vợ.v.v…

 

Thêm vào đó là biết bao nhiêu hội đoàn, lúc đầu dựng lên thì đoàn kết và vui vẻ, „chén chú, chén anh“, rất thân mật. Lâu ngày „mèo già hóa cáo“ lại chia rẽ mắng chửi nhau, tách ra thành lập hội mới. Hội nọ tranh giành lôi kéo hội viên của hội kia, thành bè thành phái bêu xấu nhau. Càng ngày càng gây mất đoàn kết. Việc tranh giành quyền lực trong phạm vi một hội cũng gay gắt, thậm chí có lúc rất thô bỉ và đã làm trò cười cho thiên hạ đàm tiếu và khinh thường.

Nhiều vị đầu hai thứ tóc có cháu nội, cháu ngoại cả rồi, tưởng rằng những suy nghĩ và hành động của họ đã thừa chín chắn; Ai ngờ vẫn còn vén quần, vén áo đi giằng co như mấy cháu chăn trâu, chơi bi, đánh đáo nơi quê nghèo. Người ta thường nói „một già một trẻ bằng nhau“. Nhưng „bằng nhau“ cái kiểu gì còn được chứ bằng nhau để rồi giành nhau cái danh hão huyền mà vô bổ này thì có khi còn thua cả mấy thằng nhãi ranh nơi góc phố.

Ở đất nước người ta văn minh và đức độ như thế này, tưởng các vị đêm về nên vắt tay lên trán mà trầm ngâm và suy nghĩ về việc hội nhặp làm sao cho tốt; Để những việc ta làm sinh lợi cho họ, cho xã hội và đồng thời cũng là cho mình. Thế có phải tốt cho „nhân tình thế thái“ không? Ngược lại ở đây các vị sống nhờ nơi đất họ „lâu ngày thành tinh“ nên các quý vị toàn nghĩ ra những mưu thâm hiểm để trừng phạt nhau, cướp đi của nhau những cái vô hình. Cái vô hình này ở Việt Nam là DANH còn có bổng lộc vì thông qua tham nhũng. Như các vị đây vác  tù và thổi tùm lum một cách táo tác như vậy thì lấy cái quái gì mà để THAM, may ra chỉ còn NHŨNG, mà NHŨNG thì các vị bấy lâu nay đã làm „quá tốt“ rồi. Nhìn các vị , thực lòng tôi thấy giận thì ít mà buồn và thương cho cái dở hơi của các vị gây ra lại nhiều hơn.

Tôi bỗng nhớ tới một đoạn thơ của Tản Đà:

 „Có tiền chưa dễ mà tiêu

Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây

Thương ai cho bận lòng đây

Cho vơi hũ rượu cho đầy túi thơ“

Cầu mong cho cộng đồng của người Việt chúng ta chỉ tồn tại những hội đoàn tốt đẹp, vui vẻ và lành mạnh trên nước Đức xa xôi này.

Berlin. 21.11.2016

Nguyễn Doãn Đôn – Thoibao.de 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000