Những thứ Không Miễn Phí ở Đức

Nước Đức vẫn được nghĩ đến như là một nơi …gần giống với thiên đường vậy khi chúng ta chỉ soi đến phúc lợi xã hội tốt, đi học miễn phí, đi xe trên đường cao tốc chất lượng hàng đầu thế giới mà không hạn chế tốc độ, v.v… nhưng cũng có những thứ nhỏ nhặt khác không hề miễn phí ở đất nước này nhưng dường như lại miễn phí một cách hiển nhiên ở những nơi khác.

Bài viết này sẽ mang đến một số thông tin cho những ai đang chuẩn bị tới và những ai đang sống trên đất nước văn minh này.

Những thứ Không Miễn Phí ở Đức - 0

Túi ni-lông, chai nhựa

Nước Đức đã ký một Hiệp Định để giảm lượng tiêu thụ túi nylon và vào tháng 7/2016 Đức đánh thuế cao hơn vào việc sử dụng túi nylon, chính vì vậy sẽ rất hiếm thấy những cửa hiệu ở Đức ‘cho không’ khách hàng túi ni lông. Tôi nhớ có lần vào hiệu thuốc, một chiếc túi bé xíu đựng 1,2 lọ thuốc cũng đã 0.10€ rồi. Vào năm 2018 gía thành để mua những chiếc túi này sẽ còn tăng thêm nữa.

Những thứ Không Miễn Phí ở Đức - 1

Nếu bạn mua nước uống ở Đức, rất có thể bạn nhìn thấy một món đồ uống trên kệ có giá là 1,75€ nhưng khi tính tiền thì bạn sẽ phải trả 2€. Vì sao ư? vì đó là giá của đồ uống còn cái chai đựng nước, bạn phải “cược” 0.25€.

Với những món đồ có logo như trong ảnh, bạn có thể mang đến bất kỳ những chiếc máy thu hồi nào (thường là ở các siêu thị), nhận vé tương đương số tiền bạn nhận lại và lấy lại tiền ở quầy thu ngân.

Chính vì điều này, tôi có 2 mẹo muốn chia sẻ với bạn. Một là đừng bao giờ vứt những chai nhựa mua ở cửa hàng hay siêu thị đi nếu bạn không muốn vứt tiền vào sọt rác.

Lưu ý đừng nghịch ngợm bóc tem bóc mác không thì cũng tốn luôn vài chục cent vì nghịch dại.

Hai là nếu bạn chuẩn bị ra sân bay ở Đức và bay về Ý chẳng hạn, nếu có thời gian chuẩn bị thì nhớ mang chai đựng nước từ trước, đừng mua ở sân bay nếu không muốn mất 25 cent vì ở sân bay thường không có máy thu hồi như siêu thị và ở Ý không có hệ thống thu mua như ở Đức (tương tự như về Việt Nam hay sang các nước châu Âu khác).

Theo cơ quan môi trường của Liên Bang Đức, 30 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trong khi một chiếc túi ni lông nhỏ bé lại mất đến 500 năm để phân huỷ.

Chưa kể hàng ngàn loài chim, rùa biển, cá và động vật có vú ở biển chết hàng năm do ăn phải hoặc mắc phải những mảnh vụn nhựa, ni lông. Hàng tấn những hạt nhữa đã được tìm thấy trong dạ dày sinh vật biển và cuối cùng chính những sinh vật này lại nằm trên bàn ăn của chúng ta. 

Chính vì thế dù có bị mất tiền mua nhưng việc họ không cho phép sử dụng túi ni lông bừa bãi khiến tôi rất vui. Mang thói quen này về Việt Nam, khi đi siêu thị Aeon thấy nhân viên kiên nhẫn đóng cho tôi ti tỉ chiếc túi từ nhỏ tới bé mà tôi thấy hoảng quá, ở một đất nước chưa có hệ thống xử lý rác thải hạn chế như nước mình thì việc giảm lượng sử dụng nguồn rác đáng sợ này đáng ra phải được chú ý hơn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC