Lỡ bước... sang Tây

Lỡ bước... sang TâyHắn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và cũng yêu Hà Nội ghê gớm. Hắn vẫn say mê mùi hoa đặc trưng của con phố nơi hắn ở cho dù nhiều nơi đang triệt hạ vì cái mùi quá nồng nàn của nó.

Hắn học tại ngôi trường mà ngày xưa chỉ dành cho nữ sinh, ngôi trường ngày trước bà ngoại hắn đã học ở đây. Hắn không biết về lịch sử nhiều cho lắm, chỉ biết rằng hắn thích ngôi trường có rất nhiều cây xà cừ cổ thụ luôn xanh mát này. Và hắn thích cả con đường đến trường mỗi mùa thi lại như được trải một màu đỏ thắm của hoa phượng.

Trẻ tuổi và ham thích công nghệ mới nhưng hắn lại tự xếp mình vào loại người hoài cổ. Cái bản chất cố hữu đó ảnh hưởng cả đến việc học hành của hắn. Cũng như nhiều thằng bạn lãng tử, phương châm học hành là chỉ cần giỏi những môn hắn thích. Và trong số đó chắc chắn không có môn Tiếng Anh, hắn cũng chẳng có được cái khao khát xuất ngoại mà các vị phụ huynh hay nhồi vào đầu con trẻ với lời giải thích cần phải cố gắng để có tương lai tốt hơn.

Mãi sau này hắn mới nhận ra hắn đã sai nhưng không phải cái lúc mà hắn tham dự vào một cuộc thi để đi học tập tại nước ngoài. Hồ sơ học tập của hắn tương đối tốt cộng với kết quả thi cử không đến nỗi nào nhưng quan trọng là hắn cần phải vượt qua cửa ải cuối cùng là ngoại ngữ. Khổ sở học và luôn tìm cách trốn có lý do, lúc thì đi công tác cả tháng, lúc thì là làm đề tài đang hết hạn không bỏ được.

Nhiều người trong đợt học đó không biết đến sự có mặt của hắn và đương nhiên hắn cũng không biết hết mặt mọi người. Hắn tự chọn cho mình một cách riêng là mua đĩa dạy ngoại ngữ vốn được bán tràn ngoài phố để tự học. Kỳ thi đầu tiên hắn không tham dự vì còn đang lang thang đâu đó ở miền nam.

Đến vòng thi thứ hai dành cho những người chưa đủ điểm hắn mới bị thúc ép đi thi. Cuộc thi được Bộ Giáo dục tổ chức tại phòng hội nghị của một khách sạn năm sao. Hắn đặt số điểm vừa đủ với cảm giác không vui, không buồn làm hắn chẳng thể giải thích được. Chỉ biết cuộc đời hắn đang thay đổi, lỡ bước sang Tây …

Mùa đông đầu tiên

Mùa đông năm 2003, hắn lần đầu tiên đặt chân lên một đất nước châu Âu. Nhiều bỡ ngỡ và nhiều sự ngạc nhiên thú vị đến với hắn. Cái ký túc xá của hắn khá nhộn nhịp với nhiều sinh viên từ khắp mọi nơi mang theo những bản sắc khác nhau của các dân tộc. Những đêm liên hoan dường như thường xuyên hơn khi Giáng sinh gần kề.

Thật may mắn, ở chỗ hắn khá đông sinh viên Việt Nam và hắn gần như hoà nhập được luôn với cuộc sống mới. Ở đây, các sinh viên Việt Nam thường có những bữa ‘nhậu’ để vui vẻ, để tán phét, để buôn chuyện, để trêu đùa và để tạm hài lòng với cuộc sống xa xứ.

Ngày 18 tháng chạp, hầu hết các sinh viên đã trở về nhà để đón năm mới. Ký túc lặng lẽ. Những con người còn lại dường như gần gũi nhau hơn. Trò chuyện, đó là việc hắn muốn làm để quên đi sự buồn chán nơi đây. Mà cũng từ đó hắn nhận ra nhiều điều. Hắn muốn tạm quên những ngày vui trên quê hương Việt Nam ấm áp của hắn. Nơi hắn có biết bao bạn bè, nơi hắn có thể rong chơi, có thể lang thang như hắn vẫn thường lang thang. Việt Nam, nơi hắn luôn thả mình trong những sở thích của hắn, nơi hắn luôn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương. Tại đây, nước Đức, đối với hắn giờ đây, là lạnh lẽo, là chất lên mình biết bao là quần áo khi ra đường, là những bước đi vội vã, là tô cơm với những món ăn nấu vội, là cảm giác buồn khó tả không thể thoát ra được.

Raimonda, là tên cô bạn Lithaunia đầu tiên hắn nói chuyện khi đến đây. Hắn có thói quen dậy sớm và ăn một bữa sáng thật no. Ngẫu nhiên, tình cờ hắn luôn gặp cô bạn lục đục nấu ăn trong bếp chung vào mỗi sáng. Cô bạn luôn nấu món gì đó rất đơn giản, nhẹ nhàng ngồi ăn, và hay hỏi chuyện với những câu tiếng Anh pha rất nhiều tiếng Đức. Những câu chuyện về một đất nước nhỏ bé tách từ Liên Xô cũ, chuyện về những cánh rừng bạn có thể hái nấm khi xuân sang. Nhưng chuyện làm hắn sửng sốt nhất, khiến hắn không thể tin được. Đó là cuộc sống của người bạn mới quen.

Cô bạn của hắn duy trì cuộc sống ở nước Đức giàu có bậc nhất châu Âu này chỉ với 5 Euro một tuần. Hắn chợt giật mình, hắn đã tiêu hết số tiền gấp tám lần như thế từ khi sang đây cho ăn uống linh tinh, và hắn cũng mới ở đây được hai tuần. Hắn chợt nghĩ đến những người bạn khác đang trú ngụ năm mới tại ký túc này. Họ đã chẳng thể có đủ tiền để về nhà trong ngày lễ trọng đại nhất của một năm. Hắn chợt cảm thấy còn quá hạnh phúc, hắn cảm thấy hổ thẹn vì lúc nào đó đã kêu ca, đã phàn nàn về đồng lương công chức bèo bọt của hắn. Hắn cảm thấy tự hào đôi chút vì các bạn khâm phục sự phát triển của Việt Nam và lần đầu tiên hắn không còn cảm giác là một công dân của đất nước nghèo đói, nhược tiểu.

Nhưng rồi hắn chợt nhớ đến những hình ảnh trên cao nguyên quê hương hắn, nhớ những đứa bé lôi thôi cố gánh những xô nước đục ngầu hàng chục cây số, nhớ đến cái giật mình của đứa bé ngủ bên đường trong giá rét mùa đông, nhớ đến hình ảnh cậu sinh viên đăm chiêu gặm nốt chiếc bánh mỳ trước tương lai mờ mịt. Đó là quê hương hắn, nơi mà hắn đã từng bỏ ra số tiền cô bạn mới quen của hắn có thể sống trong 2 tháng chỉ trong một cuộc vui, nơi hắn chợt giật mình vì đã ăn miếng tôm hùm trị giá gần nửa tạ thóc. Chợt cảm thấy xấu hổ và xót xa tràn dâng như nghẹn ứ lại ở cổ.

Hắn nghĩ đến cậu bạn người Đức ở cạnh phòng, Hagen, luôn yêu cầu hắn đóng cửa lại vì trong nhà đang bật lò sưởi. Lúc đó, hắn nghĩ, có phải tiền của nó bỏ ra đâu mà nó tiếc nhỉ. "Cần tiết kiệm năng lượng, còn nhiều đứa bé không có gì để sưởi", cậu bạn chen ngang dòng suy nghĩ của hắn. Hắn chợt hiểu thế nào là sự tiết kiệm của người Đức, phải chăng vì sự tiết kiệm này cộng thêm với sự nghiêm túc đã khiến nước Đức có vị thế cao nhất Âu châu.

Hắn lại nghĩ đến những người bạn Nhật, Yoko và Suzuki, những người mà hắn chỉ thoáng gặp cũng đã cảm nhận đầy đủ sự làm việc quên mình, sự tôn trọng và sự nhiệt thành trong con người họ. Có phải vì thế mà họ có vị thế cao nhất ở Châu Á. Hắn cảm thấy chất nông dân trong hắn đậm đà quá, hắn chỉ là anh nông dân nhàn tản, ham vui và đủng đỉnh trong công việc.

Hắn chỉ quen ngồi tán phét một góc và hay cho mình là thánh là tướng, hắn hay thường cho mình quyền được phàn nàn, chê bôi và phán quyết những gì hắn không thích, hắn cảm thấy bất công vì đồng lương không đủ nhậu mặc dù hắn chưa làm gì nên hồn, hắn luôn cảm thấy vênh vác, tự mãn trên sự tưởng tượng đâu cũng như mảnh vườn nhà mình...



Theo TuoitreOnline.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC