Những điều có thể bạn chưa biết về nước Đức

Những điều có thể bạn chưa biết về nước Đức

Tôi viết những dòng chữ này trong một chiều tháng 6 từ một nơi rất xa mà không phải trên bầu trời nước Đức. Ngoài kia, nắng cưỡi mình trên những khóm hoa xinh và vươn vai đón chào ngày mới. Tôi cầm tách trà trên tay và bước ra ngoài balcon. Hai ông hàng xóm bên cạnh cũng đang loay hoay trong khu vườn của mình.

1 1 Nhung Dieu Co The Ban Chua Biet Ve Nuoc Duc

Chúng tôi nhìn nhau, hỏi How are you rồi mỗi người lại tiếp tục công việc của mình. Tôi đứng nhìn rừng cây phía sau ngôi nhà mình và chợt nghĩ về nước Đức – nơi mà tôi vẫn luôn trìu mến gọi là quê hương thứ hai của mình. Dù theo lời bài hát của Đỗ Trung Quân thì „quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi….“, nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết, mình có nhiều hơn một quê hương và một người mẹ.

Những ngày ở Mỹ, tôi hay được hỏi về cuộc sống ở Đức như thế nào. Ngỡ là với mười mấy năm „ngược xuôi“ ở Đức tôi có thể trả lời vanh vách, ấy thế mà có những câu hỏi của bạn bè khiến tôi chững lại đôi ba phút. Một vài lần như thế khiến tôi chợt nhận ra: Hóa ra những hiểu biết về nước Đức của tôi vẫn còn quá ít ỏi so với ngần ấy năm sống và học tập ở nơi này. Nhưng nhờ những câu hỏi đôi khi chỉ là vu vơ đó của mọi người mà tôi mới có dịp tìm hiểu thêm để biết nhiều hơn về nơi chốn này và tự nhiên thấy vui vui. Bài viết này được tôi viết giữa balcon trong một ngày tháng 6 đầy nắng, cho những ai muốn biết những điều „lặt vặt“ về nước Đức. Dĩ nhiên, đây chỉ là một bài chia sẻ nhỏ về một số vấn đề ở Đức mà các bạn ở Mỹ quan tâm, nếu các bạn muốn biết nhiều hơn thì chịu khó hỏi thêm google hoặc những bạn đang sống ở Đức nữa nhé ????

1. Tốc độ khuyến cáo chạy trên đường cao tốc là 130 km/h

Ở Đức tốc độ chạy ở đường cao tốc mà sở giao thông khuyên mọi người đi là 130 km/h (câu hỏi này tôi hay được hỏi nhiều nhất ở Mỹ) và mọi người khá ngạc nhiên vì hình như ở Mỹ không được chạy với tốc độ như thế. Ở Đức không có giới hạn tốc độ (ngoại trừ bang Bremen có giới hạn tốc độ chạy là 120 km/h từ năm 2008 và những đoạn có đề biển báo) thì bạn có thể tự điều chỉnh tốc độ của mình. Tốc độ cao nhất cho xe tải và bus chỉ là 80km/h và xe tải cũng không được sử dụng đường cao tốc vào cuối tuần và những ngày lễ. Trừ khi được cấp phép đặc biệt. Trên đường cao tốc với 3 phân giải, khi đi ở giữa bạn phải đi với tốc độ chậm nhất là 60km/h, bên trái thì chậm nhất là 100km/h để tránh tai nạn xảy ra. Vì đó là phân giải dành để vượt.

1 2 Nhung Dieu Co The Ban Chua Biet Ve Nuoc Duc

2. Có bao nhiêu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức?

Nhiều người Việt Nam ở các nước khác hay hỏi về số lượng người Việt sống ở Đức là bao nhiêu và thành phố nào đông người Việt nhất, tôi xin trả lời như sau: Có khoảng hơn 100.000 người Việt sống ở Đức và Berlin là thành phố đông người Việt nhất với khoảng chừng 20.000 người. Người Đức hay ví Berlin như một “Mini HàNội” với một khu chợ nổi tiếng rất đáng để đi: Đồng Xuân (thông tin này là theo thống kê năm 2011 mà tôi tham khảo trên tờ Die Welt, tôi hiện không tìm ra con số chính xác ở năm 2014)

3. Ở Đức phải bắt buộc đóng bảo hiểm y tế

Sinh viên thì đóng chừng 77 Euro/tháng. Khi bạn học đến kì thứ 14 hoặc quá ba mươi tuổi, bạn không còn được hưởng chế độ bảo hiểm sinh viên nữa mà phải đóng bảo hiểm thường. Bạn nào lập gia đình có thể theo dạng bảo hiểm gia đình, tức là ăn theo chồng con và không phải đóng bảo hiểm, nhưng chỉ được phép đi làm theo kiểu Minijob, tức là dưới 400 Euro/tháng, vượt qua con số này thì bạn phải đóng bảo hiểm. Khi đi khám bệnh, nếu bác sỹ kê đơn thuốc thì bạn có thể ra nhà thuốc để lấy, có một số thuốc được miễn phí, những loại còn lại bạn phải trả 10% tiền thuốc, nhưng cao nhất là 10 Euro và thấp nhất là 5 Euro cho mỗi loại thuốc. Tiện thể nói luôn việc mua bảo hiểm du lịch đối với những nước không nằm trong khối EU, tôi hay mua gói bảo hiểm một năm của Hanse Merkur, trả 9.99 Euro/ năm và số ngày đi không quá 8 tuần. Lần này tôi đi Mỹ gần 3 tháng nên phải mua gói khác, trả hơn 150 Euro. Thực ra thì vẫn rẻ nhưng lúc mua có phần hơi ấm ức vì nếu đi 2 tháng thì chỉ phải trả 9.99 Euro, trong khi đi ba tháng thì lại đắt hơn gấp mười lăm lần. Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân tôi, không biết có bạn nào có biết loại bảo hiểm nào khác rẻ hơn không?

4. Miễn học phí cho sinh viên

Khi tôi kể là học Đại học ở Đức không phải đóng tiền học phí, mọi người ở Mỹ ồ lên ngạc nhiên và bảo sướng. Đúng là ở Đức, phần lớn các bang đều đã miễn học phí, kể cả sinh viên nước ngoài đang du học ở Đức. Họ chỉ phải đóng một số tiền nhỏ dành cho việc đi lại, tiền quản lý hành chính, tùy theo mỗi trường mà giá đóng cũng khác nhau, nhưng nói chung là không nhiều. Theo tờ Studis Online thì chi phí ăn ở theo tiêu chuẩn một sinh viên ở Đức dao động khoảng 570 – 1100 Euro/ tháng. Dĩ nhiên các bạn Châu Á nếu sống tiết kiệm thì có khi còn nằm ở dưới con số đó.

5. Người Đức không lạnh lùng như vẻ bề ngoài

Ở Mỹ mọi người hay hỏi tôi về tính cách người Đức. Họ bảo nghe nói là người Đức lạnh lùng lắm. Thực ra thì ở đâu cũng có người này người kia, khó có một kết luận chung về tính cách người Đức được. Nhưng sống trong gia đình người Đức hơn mười năm và đi học, đi làm với bạn bè Đức thì mình thấy người Đức chỉ lạnh lùng ở cái vẻ bề ngoài khi họ chưa quen bạn thôi, nhưng khi tiếp xúc nhiều thì mình thấy họ cũng dễ gần, thân thiện, tốt bụng, sống có kỉ luật. Họ mà đã quý ai thì quý rất thật lòng. Bạn có thể đọc qua bài viết về thầy chủ nhiệm và bà chủ nhà của mình để hiểu thêm nhé.

6. Tiếng Đức được rất nhiều quốc gia sử dụng

Tiếng Đức không dễ học nhưng nếu kiên trì thì vẫn theo được. Những ngày đầu học tiếng Đức tôi cũng thấy vô cùng vất vả nên toàn học tiếng Đức online trên internet, hay học từ vựng qua tranh ảnh để nhớ từ cho dễ. Tôi không được tham gia các khóa học tiếng Đức và đào tạo bài bản như các bạn ở Việt Nam nên khi sang bên này tự nhiên phải đi học, tôi như “con nai vàng ngơ ngác” và dần dần học theo các bạn ấy. Đến bây giờ tiếng Đức của tôi vẫn chưa hoàn hảo đâu, chỉ đủ để… cãi cùn thôi nhưng tôi tạm hài lòng với nó.Sống ở Đức thì nên biết tiếng Đức, sẽ có lợi rất nhiều thứ. Cho dù người Đức chịu khó nói tiếng Anh hơn người Pháp, người Ý và nếu chỉ biết tiếng Anh không, bạn vẫn có thể sống tốt ở Đức, nhưng đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì lạc lõng (đây là lời kể của những người bạn mình đã hoặc đang theo học chương trình bằng tiếng Anh ở Đức). Tiếng Đức không phải là thứ ngôn ngữ được ưa chuộng, nhưng bạn có biết, ngoài Đức ra thì Áo, Thụy Sỹ và Lichtenstein cũng là những quốc gia nói tiếng Đức?

7. Coi trọng văn hóa Đọc

Văn hóa Đọc ở Đức rất được coi trọng, ở các thành phố lớn đều có các tủ sách đặt ở trung tâm cho mọi người tới lấy đọc, thậm chí trên xe buýt cũng có một kệ đựng sách. Hàng năm vào tháng 10 ở Đức có tổ chức hội chợ sách lớn nhất thế giới và nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy ở các nhà ga, phi trường hay trên tàu, hầu hết mọi người đều giết thời gian bằng việc đọc sách.

1 3 Nhung Dieu Co The Ban Chua Biet Ve Nuoc Duc

8. Đức là nước đóng thuế cao

Thường bạn sẽ trả 19% tiền thuế cho mọi mặt hàng (trừ khách sạn, nếu bạn ngủ qua đêm thì tiền thuế chỉ 7% nhưng tiền ăn sáng ở khách sạn thì lại tính thuế như bình thường). Trung bình, một người trẻ độc thân, không con cái thì tiền lương sau khi trừ các loại thuế, bảo hiểm thì chỉ còn dư chừng 50-60% lương cầm tay. Theo bảng tính ở trang lohnspiegel.de thì một người đi làm có thu nhập 5000 Euro/ tháng, sau khi đóng các loại thuế và bảo hiểm bắt buộc thì số tiền họ được nhận cuối cùng chỉ là 2897 Euro.

9. Nhà vô địch của những chuyến du lịch

Đức được mệnh danh là một trong những nhà vô địch thế giới trong khoản đi du lịch. Theo tờ Focus Online năm 2012, dù nền kinh tế có phần đi xuống nhưng điều đó không ngăn cản được thói quen đi du lịch của người Đức. Đồng hành với Đức còn có Trung Quốc và Mỹ. 64 tỉ Euro là số tiền mà dân Đức đã chi cho ngành du lịch, trong đó chừng 20 tỉ Euro được rơi vào các nước như Ý, Áo và Tây Ban Nha. Người Đức rất trung thành với các nước này trong ngành du lịch ????

10. Người Đức cực kì tiết kiệm

Tính đúng giờ của người Đức thì khỏi phải bàn nhưng người Đức cũng cực kì tiết kiệm. Những gì có thể tiết kiệm được là họ tiết kiệm đến mức tối đa. Không sả nước nhiều, không để điện hay để chế độ stand by. Đi ăn uống thì không đặt quá nhiều món, thiếu thì đặt thêm chứ không để thừa. Ngoài ra ở Đức, nếu bạn mua nước hay các loại đồ uống, bạn sẽ phải trả tiền vỏ chai nữa. Khi uống xong, bạn có thể đem vỏ chai đi trả để lấy lại tiền, nếu bạn vứt, sẽ có người khác đi nhặt và gom lại đổi lấy tiền. Liên quan đến việc tiết kiệm của người Đức nữa là vụ xì mũi xong một lần rồi nhét vào túi quần, tí lấy ra dùng tiếp. Ban đầu mình nhìn thấy hơi ghê ghê nhưng riết thành quen, vì một tờ giấy nếu bạn gấp lại thì bạn có thể dùng thêm được một lần nữa mà không phải vứt bỏ ngay.

Bonus thêm cho các bạn vài phát hiện thú vị của tôi sau khi ghé thăm viện bảo tàng vệ sinh của Đức (Deutsches Hygiene Museum) ở Dresden hồi tháng 7 năm 2013.

Ở Đức hiện tại có khoảng 800.000 triệu phú :))

Theo chính phủ Đức thì những ai kiếm được khoảng 3268€ netto/tháng thì được xếp vào dạng giàu có, nhưng khi hỏi ý kiến người dân thì họ nói rằng họ sẽ cảm thấy họ giàu khi họ kiếm được 9000€ netto/tháng :)) Thế mới biết định nghĩa về sự giàu có của dân và của chính phủ khác nhau như thế nào :))

Theo chính phủ Đức thì những người xếp vào dạng nghèo là những người chỉ kiếm được khoảng 850€ netto/tháng (thế thì mình chắc phải xếp vào dạng vừa đói vừa nghèo lúc này)

Trung bình ở Đức mỗi người vứt khoảng 380 kg thức ăn mỗi năm (hic, từ ngày học theo pháp lý nhà Phật, mình luôn cố gắng ăn không để thừa, đi ăn hàng thì không ăn hết cũng phải gói lại mang về, không vứt đi nữa)

Ba ngành kiếm được nhiều tiền nhất ở Đức (tính theo năm 2008) là: Bác sỹ, Luật sư, Du lịch. Nhưng theo cá nhân mình, những người làm Manager về kinh tế, tài chính còn kiếm được nhiều tiền hơn.

11. Các bạn Đức phân loại rác rất rõ ràng.

Chỗ tôi ở có bốn loại thùng rác với bốn màu khác nhau.

Xanh lá cây thì dùng để đựng các loại rác như vỏ trứng, rau thừa, mì thiu…

Xanh da trời thì để đựng giấy hoặc các bìa carton cứng.

Màu vàng dùng để đựng các loại vỏ nhựa và màu đen dùng để đựng những thứ rác mà không biết bỏ vào đâu.

Nhớ có lần không biết ai trong nhà tôi bỏ nhầm mấy cái vỏ nilông vào thùng đựng rác màu xanh lá cây, các anh đi lấy rác không biết dùng máy soi kiểu gì mà thấy, không thèm đổ rác mà viết một tờ giấy dán lên cảnh cáo. Tôi đi học về nhìn thấy vào “khoe” với mẹ. Không ai biết trong đó có gì mà họ không đổ rác đi, cuối cùng tôi là người “vinh dự” được bới tung thùng rác và phát hiện ở giữa thùng là hai cái vỏ đựng pho mát bé xíu. Từ đó mẹ tôi để ý rất kĩ việc vứt và phân loại rác ở trong nhà, nhất là khi có mấy đứa em nhỏ. Nói chung, mỗi khu mỗi vùng phân loại rác theo mỗi cách khác nhau và cũng không phải vùng nào cũng “màu mè” như vùng tôi ở. Nhà tập thể, kí túc phân khác với nhà riêng. Có nơi họ kiểm tra nghiêm ngặt, có nơi không. Mỗi khi đến nhà ai chơi, tôi đều hỏi về việc phân loại rác để tránh phiền phức cho họ, nhỡ lại giống trường hợp của tôi thì khổ.

12. Đức là đất nước của thi ca

Nhiều bạn khi nghĩ về Đức thì chỉ biết đến xe hơi và bia, nhưng Đức cũng là đất nước của thi ca, là quê hương của những nhà văn nổi tiếng như Goethe, Brecht, Günther Grass, Thomas Mann, anh em nhà Grimm, Bernhard Schlink, Schiller, Patrick Süskind. Dĩ nhiên, âm nhạc Đức cũng phải kể đến nhạc cổ điển của Bach, Beethoven. Sau này thì có Udo Lindenberg, Herbert Grönemeyer, Lena Meyer Landrut, Nena (nhiều bạn chắc biết bài 99 quả bóng bay của cô này) ????

13. Đức có rất nhiều phát minh vĩ đại

Người Đức phát minh và đóng góp được rất nhiều thứ cho thế giới. Đầu tiên phải kể đến Johannes Gutenberg đã phát minh ra phương pháp in dấu năm 1450, Robert Koch phát hiện vi khuẩn lao, Wilhelm Conrad Röntgen khám phá ra tia X-quang, Albert Einstein với thuyết tương đối, Carl Benz với ô tô, Eichengrün und Hoffmann phát minh ra thuốc Aspirin và rất nhiều người khác nữa.

Nguồn: Hoàng Yến Anh


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC