Chuyện du học sinh đi kiếm sống

Du học sinh tại tp BochumChuyện du học sinh đi kiếm sống Dù du học tự túc hay được học bổng, dù gia đình bạn có đủ sức lo cho bạn chăng nữa thì trong thời gian ở nước ngoài, chắc chắn cũng có lúc bạn tự đặt cho mình câu hỏi: Có nên làm thêm không ? Làm thêm nghề gì bây giờ ? Làm sao để tìm việc làm ?

Bài viết này tổng hợp từ các bạn đang du học hoặc đã từng du học kể chuyện đi làm thêm của mình để biết đâu có thể giúp được ít nhiều cho các bạn sắp bước vào con đường du học.


Bạn N.N.Duy (lớp Lý 1) Trường Amsterdam (Hà Nội) du học ở Đức kể: “Ngày trước nghề làm thêm ngon nhất của mình là nghề... cửu vạn. Ngày làm 9 tiếng, mỗi tiếng 25 mác Đức (dạo đó 1 đô ăn có 1,5 mác), tính ra gần 250 mác. Nhưng công việc cũng mệt lắm, cứ hai thằng một tấm lợp mái nhà, 3m x 1,5m, nặng cả tạ, xe đưa đến cửa sổ, cứ thế "làm một hơi" từ đầu nhà tới cuối nhà ("nhà" là một khu văn phòng đang xây), may mà chỉ cần đi chừng 20 - 30m. Không biết mỗi ngày chuyển được bao nhiêu tấm nữa, chỉ biết làm với mấy ông Tây to như voi, đi lại huỳnh huỵch, họ làm nhanh lắm, bọn mình cũng phải chạy theo.

Đợt đó làm 1 ngày là nằm liệt giường 1 ngày, đau lưng 5 ngày. May mà chỉ phải đi làm mỗi tuần một ngày(!). Làm đúng một tháng thì cô bạn gái hoảng quá bảo thôi, thế là thôi chuyển sang phụ bếp cho Tây. Chẳng nhớ được bao nhiêu tiền nữa, hình như chỉ làm 2 - 3 tiếng buổi trưa, cầm tay 40 mác, thế là cao hơn đi làm quán Tàu rồi. Đi làm được đúng hai ngày, ngày thứ ba nhiều người vào ăn quá, ông đầu bếp chính bảo đưa súp ra ngoài, gặp ngay cô ấy. Nhìn tướng tá mình sao đó cô ta khóc bảo đừng làm, thế là thôi việc. Từ đó chả bao giờ đi làm thêm nữa”.

Còn kiểu làm thêm của bạn H.Anh (lớp Anh 3) có nhiều chuyện dở khóc dở cười, bạn kể: "Hồi hè năm 2001, em cũng ti toe đi xin việc làm (vì học ở trường boarding - suốt ngày bị nhốt trong trường nên không đi làm gì cả). Vào một chỗ tuyển nhân viên tiếp thị qua điện thoại, em gặp đúng người quản lý và được phỏng vấn luôn, hỏi gì thì em nói đó cũng chả chuẩn bị gì. Thế mà cuối cùng người ta cũng nhận. Làm 2 - 3 tiếng một ngày, 1 tuần 2 buổi. Công việc là được phát một quyển dày cộp các số điện thoại và có một "kịch bản" để nói. Sau rồi em không chịu được việc này vì không thích gọi điện đến làm phiền người khác !
Chuyện du học sinh đi kiếm sống
Có lần nghe giọng thảng thốt của một bà chắc nghe chuông điện thoại nên chạy hộc tốc từ dưới nhà lên, lần thì có lẽ là mấy ông bà cụ đang làm vườn vội bỏ vào... Nói chung việc này dễ gây stress. Thế rồi em còn làm sales advisor (cố vấn bán hàng) trong các cửa hàng bán quần áo thời trang phụ nữ. Việc thì đơn giản, đi qua đi lại, giúp đỡ khách hàng tìm kích cỡ phù hợp, thỉnh thoảng biến thành “người hướng dẫn riêng cho mấy bà nhiều tiền, dẫn họ đi vòng quanh, giới thiệu quần này áo nọ đưa họ vào thử, cho lời khuyên...". Còn bạn N.Đ.Phương thì đi dạy thêm, gần giống như làm gia sư lúc còn ở quê nhà.

Bạn tâm sự: Làm nghề "gõ đầu trẻ" cũng hay ra phết, chuẩn bị bài vở không khó mấy vì dạy môn Lý là môn sở trường của mình. Mỗi tuần một buổi 2 tiếng, được 20 euro. Riêng bạn L.X.Quỳnh lớp Sinh 1 du học ở Hà Lan thì than: "Bên này thì hơi khó kiếm việc làm, vì họ yêu cầu biết tiếng Pháp hoặc tiếng Hà Lan, mà dân nhà mình sang đây học chủ yếu dùng tiếng Anh thôi. Hơn nữa dân Trung Quốc ở đây rất đông, cạnh tranh chỗ làm rất khó. Tuy nhiên, sinh viên ở đây cũng có thể làm một số việc như rửa bát trong nhà hàng chẳng hạn. Việc này rất nặng nhọc, chủ yếu là con trai làm thôi, con gái chắc chịu không nổi. Vác chồng bát đĩa cao có ngọn, lại làm việc suốt ngày.

Vì là làm việc tận sau bếp, nên... không biết tiếng bản địa cũng được. Công việc này làm theo giờ, được 6 euro một giờ, nếu làm 24 tiếng/ngày thì giàu to (!). Tuy nhiên dân mình chủ yếu làm cho nhà hàng Tàu và Việt Nam thôi nhưng ở đây chủ cũng rất chi ly, tính từng phút một và ghi chép rõ ràng. Cậu tuần này làm ngần này ngày, vào ngày này làm từ lúc này đến lúc này nhé, cậu phạm lỗi này lỗi kia nhé, vậy tôi trừ đi ngần này ngần này... Tóm lại công việc cũng vất vả mà chỉ tạm đủ thôi. Nếu làm full time mới có thể trang trải được việc ăn ở, học hành.

Một việc nữa mà người có chuyên môn một chút có thể làm đó là làm việc trong nhà dưỡng lão. Nếu bạn biết tiếng Pháp và học ngành y, bạn có thể làm việc tại nhà dưỡng lão một cách rất thuận lợi. Thường là làm vào cuối tuần và trong dịp hè, lương cũng khá. Công việc chủ yếu là chăm sóc các cụ bà cụ ông, đưa thức ăn, thuốc, nước và hầu chuyện các cụ. Nếu các cụ vui vẻ, yêu quý bạn thì bạn có nhiều cơ hội được tiếp tục làm việc lâu dài. Tuy nhiên, công việc thì không nặng nhọc nhưng các cụ thì rất khó tính, nhiều khi... chẳng biết chiều thế nào. Cũng có người được các cụ quý mến hết sức, suốt ngày nhắc: "Sao không thấy thằng X. đâu nhỉ", tuy vậy, việc nghe các cụ "chửi" cũng thường xuyên như cơm bữa !...

Để trang trải cho cuộc sống nơi xứ người, du học sinh Việt Nam đã chẳng từ nan bất cứ công việc gì. Điều đáng quý là họ đã tự vươn lên để học tập chính bằng bàn tay khối óc của mình, qua đó còn bổ sung cho vốn sống, vốn ngoại ngữ.

Theo ThanhNien.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC