Nền giáo dục mầm non của nước Đức: Tại sao trẻ con Đức tự tin đến thế?

Nền giáo dục mầm non của nước Đức: Tại sao trẻ con Đức tự tin đến thế?

Từ lâu rồi tôi vẫn cứ thắc mắc: Tại sao những đứa trẻ con ở nước này chúng tự tin thế, bình tĩnh giải quyết vấn đề, không sợ hãi những gì xảy ra trước mắt.

1 1 Nen Giao Duc Mam Non Cua Nuoc Duc Tai Sao Tre Con Duc Tu Tin Den The

Hai mươi mấy năm qua khi sống và định cư ở đây, tôi mới nhìn ra vấn đề từ con mình và từ nền giáo dục mà tôi đã tiếp xúc và tự mình tìm hiểu để bây giờ tôi mới nói lên điều nhận xét của mình.

Tôi xin trích lời:

Đấng tạo hóa đã sinh ra đứa trẻ là con người, chúng ta là những người đi trước giúp chúng thực hiện hoàn thiện nhiệm vụ con người trong xã hội của loài người. Còn theo cách nào thì phải phụ thuộc vào trí tuệ của những công dân mới này vì chúng ta đã có luật pháp về quyền con người“.

Hãy xem họ thực hiện điều đó thế nào?

Đúc kết kinh nghiệm. 

Tôi đã từng có dịp đến nhà trẻ cảm nhận nền giáo dục của họ. Lần đầu bước chân vào nhà trẻ tôi thấy ở khu vực chơi ngoài trời tụi trẻ con tung tăng trên đoạn đường xoáy tốc độ rất nhanh.

Ở đó chia làm rất nhiều loại đường:

Những cây gỗ tròn xếp ngang, xếp dọc, đoạn đường cát, đoạn đường sỏi nhỏ, sỏi to, những hòn đá hơi gồ ghề, đoạn xếp những viên gạch, đoạn dốc lên, đoạn dốc xuống… và những đứa trẻ con 3,4 tuổi lần lượt đi trên con đường đó.

Cũng có đứa ngã nhưng rồi lại đứng lên đi. Cô giáo nhà trẻ giải thích cho tôi đó là ý tưởng đúc kết kinh nghiệm để nếu ngoài đời chúng gặp những trường hợp như thế sẽ không sợ hãi nữa. Đó là một ví dụ trong muôn ngàn cách để trẻ con tiếp xúc và đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống.

Tính kiên nhẫn  

Bước thêm vài bước thấy có căn chòi gác nhỏ bằng gỗ cao độ 2m có hơn chục bậc thang để leo lên, phía trên là lan can vòng quanh, ở dưới là khoảng trống trên khu vực cát mịn độ gần chục mét vuông, ở đó có khoảng 5 cái xô con cột dây thòng từ trên gác xuống.

Trẻ con chơi trò này phải vận động liên tục:

Tuột xuống đất dùng những xẻng nhỏ có sẵn xúc cát vào xô, lại leo những bậc thang lên trên, đứng ở lan can kéo xô cát lên, lại đổ xuống đất trở lại, lại tuột xuống xúc cát, trèo lên kéo và đổ xuống …

Tôi quan sát chúng leo đến 10 lần mà không chán và được nghe giải thích đó là tính kiên trì, ngoài ra còn tập cho đôi chân cứng cáp, đôi tay dẻo khỏe.

Tôi nhiều lần nhìn thấy những đứa trẻ con 2 ,3 tuổi đi trên xe đạp mà không có bàn đạp.

Chúng đi rất nhanh bằng đôi chân lướt qua mặt đất. Nếu ai đó ngạc nhiên đặt câu hỏi: Tại sao lại không làm xe có bàn đạp?

Câu giải thích rất hay: Điều đó giúp trẻ con rèn luyện đôi chân cho khỏe, cứng cáp, và giúp chúng tự phanh xe, tự kiềm chế mình mỗi khi có gì nguy hiểm chúng sẽ tự mình lái tránh nguy hiểm bằng cảm giác của đôi chân.

Nhìn đơn giản nhưng rất có ý nghĩa.

Tất cả những trò chơi ngoài trời cũng như trong nhà đều kết hợp để tạo cho các cháu tính thông minh, nhanh nhẹn, khỏe, mỗi khu nhà ở đều có sân chơi cho mọi lứa tuổi: Nhi đồng, thiếu niên, thanh niên với không gian rộng rãi, cây xanh, tiện nghi.

Ở sân chơi nhà trẻ có chỗ kết hợp để các cháu leo, đu dây, tuột, nhảy, vượt chướng ngại vật …

Tôi nhìn thấy trên đường phố rất nhiều bé độ hơn 1 tuổi biết đi là mẹ dắt đi trên tuyết đôi khi cũng ngã đau nhưng mẹ chúng lại nói: “Không sao, con đứng lên đi tự con không cẩn thận mà“ , hay đứa bé không chịu ăn mẹ không ép, khi nào đói chúng nó tự đòi ăn, miễn là khi đói chúng nó có gì để ăn ngay.

Tôi rất thích những người lớn tuổi đi cùng trẻ con như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị hay cô giáo bất kỳ ở đâu và lúc nào cũng thì thầm khe khẽ cùng trẻ con giải thích những gì chính mắt chúng được nhìn thấy ngoài xã hội,để chúng hiểu biết cách xử lý và không cảm thấy xa lạ nữa.

Cách đây vài hôm tôi vừa buồn cười vừa phục thằng bé con độ 3 tuổi đi với ông. Nhìn thấy chúng tôi đậu xe chỗ gạch chéo trước cổng khu nhà để chuyển hàng lên, thằng bé nói với ông:

– Chỗ này chỉ được đậu ngắn thôi không được phép đậu lâu.

– Tôi biết, chỉ 5 phút để đem hàng lên thôi mà. Ông xã tôi trả lời và cười: “Bé bằng nắm tay mà đã giở luật ra rồi“

Ở nhà trẻ chúng được tiếp xúc với thiên nhiên bằng nhiều cách như đi dạo rừng với cô trông trẻ, đi chơi thành phố, đi thăm vườn thú, …

Thông thường, mỗi năm một lần trẻ con được cha mẹ đem chăn gối đến nhà trẻ ngủ tập thể 2 đêm, xa bố mẹ và học tính cộng đồng. Tất nhiên cũng có đứa nhớ nhà khóc nhưng sau đó lại hòa nhập và vui vẻ.

Kiến thức của cuộc sống thấm từ từ qua tiếp xúc xã hội, cũng là lúc đúc kết kinh nghiệm nên chúng ra đời vững vàng.

Tôi nhớ hồi con tôi 3 tuổi. Đến hôm học cột dây giày, tôi đến đón cháu thường có ít thời gian nên chỉ muốn thật nhanh mà con thì ngồi bẹp xuống sàn cột giày bàn tay bé xíu. Tôi sốt ruột giục cháu:

– Nhanh lên mẹ cột cho, không có nhiều thời gian mà con

– Không! Kể từ hôm nay cô giáo bảo con phải tự cột dây giày.

Cô giáo đi ra lúc nào tôi không nhìn thấy. Cô lắc đầu với tôi: “Chị phải để cháu tự làm. Hôm nay cháu đã được học, mong chị kiên nhẫn chờ.“

Rất nhiều điều trẻ làm toàn tâm, toàn ý và kiên trì.

Ở từng lứa tuổi, chúng đều nhận thấy trách nhiệm phải làm gì: Khi chơi xong phải tự dẹp đồ chơi, khi ăn xong phải dọn, lau bàn, khi ngủ xong tự thay quần áo … và đó trở thành luật chúng phải thực hiện mọi lúc mọi nơi, hình thành trong bộ não đó là hoạt động của của con người.

Tạo cảm xúc cho một đứa trẻ là điều tôi rất thích như ý thức khi xem bộ phim, khi tiếp xúc với con thú, với cảnh thiên nhiên, biết được cái gì đáng sợ? cái gì đáng yêu? Hành động như thế nào? Và đặc biệt đối với những con người bất hạnh hay khiếm khuyết điều gì đó, các cháu rất thông cảm.

Khi ăn còn thừa các cháu phải cố ăn hết vì “thương các bạn Châu Phi không có thức ăn“.

Đó là những kiến thức để giúp một đứa trẻ hình thành dần trọng trách của một con người. Còn rất nhiều điều hay, mới mẻ để chúng ta tin tưởng môi trường sống và phát triển con người của thế hệ con cháu sau này.

Đây là những tâm huyết của tôi, khi có con đi nhà trẻ được đón nhận nền giáo dục này và bản thân tôi cũng có tìm hiểu và ít nhiều cũng có tham gia. Mong các bạn cùng trò chuyện về cảm nhận nền giáo dục nơi các con của chúng ta đang sống.

Nguyễn Thanh Nguyên (Berlin)

Tạp chí NƯỚC ĐỨC

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC