Điều gì khiến phụ huynh muốn cho con đi học ở Đức?

Điều gì khiến phụ huynh muốn cho con đi học ở Đức?

Trường mầm non dành để vui chơi và học tự lập, ứng xử; giáo dục phổ thông phát huy khả năng tự học và tôn trọng thiên hướng của học sinh; giáo dục đại học coi trọng tính chuyên nghiệp… Đây là những điều làm nên nét độc đáo ưu việt của nền giáo dục Đức.

Dạy trẻ tính tự lập, tự học từ những buổi học đầu đời

Ở Đức, trẻ em đi học mầm non thì nhiệm vụ chủ yếu của trẻ chính là vui chơi. Nhưng quá trình vui chơi được thiết lập theo kế hoạch của giáo viên đưa ra mà không phải vui chơi một cách tự do, bột phát của từng trẻ.

Ở giai đoạn này, giáo dục Đức coi trọng bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ nhỏ, dạy trẻ học cách tôn trọng người khác, biết tuân thủ các quy tắc, biết lễ phép với người lớn...

Để làm điều đó, các trường mầm non thường xuyên tổ chức các khóa học thực tiễn về xã hội cho các bé. Họ đưa các bé đến các điểm như siêu thị, trạm tàu điện ngầm, đồn cảnh sát…, để hướng dẫn các bé những hoạt động thường ngày như: đi mua hàng hóa, đi tàu điện, gặp trường hợp nào thì báo cảnh sát...

1 1 Dieu Gi Khien Phu Huynh Muon Cho Con Di Hoc O Duc

Hệ thống giáo dục bậc tiểu học của Đức cũng có những quy định rõ ràng về độ dài của bài tập về nhà cho học sinh

Những năm học ở trường tiểu học, chương trình rất nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi, nhưng lại bao gồm những kiến thức thông thường, thiết thực đối với mọi trẻ em. Môn học được xếp lên trước tiên là môn Khoa học thường thức. Ở môn này, học sinh có thể học những kiến thức về lửa, về cứu hỏa, về sự nguy hiểm của đám cháy và cách dập lửa…, học đi xe đạp, học cách đánh giá xem xe đạp thế nào là an toàn hoặc học về từ trường trái đất, học về núi lửa, về cơ thể người, học cách xem bản đồ...

Khi học tiểu học, các lớp đều có giờ bơi. Không phải các trường đều có bể bơi, nhưng quận nào cũng có vài bể bơi trong nhà. Mùa đông, nước được sưởi ấm lên khoảng 28 độ C để giáo viên thể dục ở các trường đăng ký, đưa học sinh của mình tới học bơi. Vì thế, khi học hết tiểu học, học sinh nào cũng biết bơi.

Trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học của Đức cũng có những quy định rõ ràng về độ dài của bài tập về nhà cho học sinh, ví như: bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 là 15 phút, lớp 2 là 30 phút, lớp 3-4 không quá 45 phút, đặc biệt giáo viên sẽ không cho bài tập về nhà vào cuối tuần. 

Phân chia tuyến từ cấp trung học

Ở cấp trung học, học sinh sẽ được phân trường ra để học: trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học nghệ thuật. Học sinh theo học các trường trung học phổ thông là theo chương trình giáo dục để vào đại học; còn học sinh theo học các trường trung học cơ sở là theo chương trình giáo dục dạy nghề.

Sự phân chia tuyến như vậy không những tránh được áp lực vào đại học mà còn có thể tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực có kỹ thuật cao, tay nghề cao. Đây cũng là nguyên nhân chính yếu để nước Đức có một lượng lớn những nhân lực tài năng trong các ngành công nghiệp và khoa học kỹ thuật, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới.

1 2 Dieu Gi Khien Phu Huynh Muon Cho Con Di Hoc O Duc

Giáo dục Đức coi trọng bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ nhỏ

Khi nói về sự đặc sắc trong nền giáo dục tiểu học và trung học của Đức, không thể không nhắc đến những “khóa học tổng hợp”. Đây là một khóa học toàn diện về chính trị, lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo và các kiến thức chung về các phương diện. Mỗi lần lên lớp, giáo viên sẽ đưa ra một chủ đề cho học sinh, để cho học sinh tự mình độc lập nghiên cứu tìm hiểu hay phân nhóm ra cùng nhau thảo luận, sau đó sẽ viết một báo cáo tổng kết những gì bản thân hoặc trong nhóm tìm hiểu được chia sẻ với mọi người trong lớp.

Phương pháp giảng dạy này có thể phát huy khả năng tự học và khả năng khám phá ở trẻ, đồng thời hình thức học này cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến một thói quen tốt của người Đức: thói quen hay đọc sách.

Hệ thống giáo dục phổ thông của Đức rất toàn diện, không chỉ chú trọng những "môn chính" như toán, lý, hóa, văn... như ở Việt Nam, mà cung cấp nhiều kiến thức văn hóa, xã hội như âm nhạc, hội họa, bơi... để phục vụ cho cuộc sống của các em sau này.

1 3 Dieu Gi Khien Phu Huynh Muon Cho Con Di Hoc O Duc

Trong quan niệm của người Đức, trường đại học không có sự phân chia cao thấp, quan trọng là tính chuyên nghiệp.

Không có sự phân chia cao thấp, quan trọng là tính chuyên nghiệp

Muốn có được bằng tú tài là một điều cũng tương đối khó ở Đức, vì đòi hỏi học sinh phải có trình độ khá cao. Theo một điều tra mới nhất, chỉ có 1/3 học sinh Đức là có được bằng tú tài.

Có được bằng tú tài là một bằng chứng cho thấy học sinh đó đã được trang bị đầy đủ kiến thức trong trường phổ thông và kỹ năng sống để có thể vượt qua những khó khăn sẽ phải đương đầu trong học tập và làm việc sau này. Vì vậy, các trường đại học danh tiếng ở Mỹ ở Anh… đều đánh giá rất cao những học sinh có bằng tú tài và điểm số tốt ở các trường trung học Đức.

Đức không tổ chức thi vào đại học. Điểm để tính tốt nghiệp và cấp bằng tú tài, trên cơ sở đó được chọn vào đại học là điểm tổng kết bình quân của 2 năm học cuối, cũng như điểm thi tốt nghiệp. Trong 2 năm học cuối, như ở Berlin là lớp 11 và 12, học sinh có thể chọn 2 môn mình thích nhất và khá nhất để làm môn học chính, khi thi sẽ được tính hệ số 2, ngoài ra sẽ phải thi một số môn bắt buộc khác. Như vậy, hệ thống giáo dục đã tính tới sở trường của mỗi cá nhân để phát huy chứ không cào bằng các học sinh như nhau.

Trong quan niệm của người Đức, trường đại học không có sự phân chia cao thấp, quan trọng là tính chuyên nghiệp. Nhà trường Đức cũng không khuyến khích việc ganh đua giữa các học sinh, không xếp hạng học sinh, chỉ khuyến khích các em chăm chỉ học tập theo khả năng, phát huy sở trường của mình.

 

 An Nhiên

 Tổng hợp theo Cmoney.tw


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC