Những gia đình sinh viên Việt ở Đức

Những gia đình sinh viên Việt ở ĐứcQuế Anh (trái) và Thu Hiền (phải) trong lần đi chơi với con Hai vợ chồng vẫn là sinh viên cao học, hoặc nghiên cứu sinh tại các trường ĐH Đức, hoặc họ thành hôn trong nước sau đó bảo lãnh cho vợ/chồng sang Đức sinh sống.


Là những gia đình trí thức, lại được Chính phủ nước sở tại trợ cấp nên cuộc sống của họ khá phong lưu và có nhiều điều khác biệt so với ở trong nước.

Tôi tình cờ gặp cặp vợ chồng trẻ Thu Hà - Thanh Ngọc trong một buổi giao lưu tại ĐH Kỹ thuật Berlin (TU Berlin). Thu Hà là sinh viên cao học ngành Dược-Sinh tại ĐH Aachen. Ngọc - Giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội hiện là nghiên cứu sinh ở cùng trường Aachen.

Tốt nghiệp cao học tại Bỉ, Ngọc giành luôn học bổng của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) rồi sang làm nghiên cứu sinh cách đây hơn 1 năm. Chỉ vài tháng sau, anh đã hoàn thành thủ tục bảo lãnh đưa cả vợ con sang Đức.

“Cuộc sống khá dễ chịu và hạnh phúc, nhất là thời gian mình chưa đi học. Cứ như là bọn mình đang đi tuần trăng mật ấy” - Hà kể. Quả thật, với phong cảnh thơ mộng của châu Âu, chắc hẳn cặp vợ chồng nào mới sang cũng như được sống lại những ngày trăng mật lãng mạn.

Cách đây mấy tháng, vợ chồng Hà lại đón mẹ sang chăm con giúp nên họ lại càng có nhiều thời gian cho công việc học tập và chăm sóc gia đình hơn trước. Trước khi đón mẹ sang, họ cũng không mất nhiều thời gian cho con gái bởi hàng ngày cháu được chăm sóc tại lớp mẫu giáo của trường nơi hai người theo học.

Dù giá cả đắt đỏ và phải chi phí rất nhiều khoản, cặp vợ chồng trẻ này cũng không phải lo đến vấn đề tài chính bởi cả hai đều được nhận học bổng của DAAD. “Với mức học bổng hiện tại, cuộc sống của cả gia đình nói chung là ổn” - Hà cho biết.

Chi phí lớn nhất là tiền thuê nhà, mất đứt khoảng 1/3 thu nhập. Do có con nhỏ, cần có căn hộ rộng, có phòng riêng cho con nên vợ chồng Hà thuê căn hộ rộng hơn 70 m2.

Khi Ngọc xin bảo lãnh cho vợ con sang đây, phía Đức yêu cầu phải đảm bảo tối thiểu 12 m2 cho mỗi thành viên trong gia đình. Chi phí ăn uống không quá tốn kém nếu chịu khó mua thức ăn trong những siêu thị rẻ của các hãng Aldi, Lidl, Pennymarkt…

Thậm chí, giá đường, sữa, bánh kẹo còn rẻ hơn nhiều so với giá những thứ này được bán ở VN. Mới đến Đức được 1 năm, nhưng cả nhà đã có dịp đi du lịch vài nước châu Âu láng giềng do cân đối được các khoản thu chi. Đi du lịch trong nước Đức lại càng dễ. Chỉ cần chịu khó lên mạng là có thể tìm thấy những chương trình khuyến mãi đi khắp nước Đức vào cuối tuần bằng tàu cho 5 người chỉ mất… 30 euro.

Cuộc sống của gia đình Hà - Ngọc cũng diễn ra bình lặng như những gia đình bản xứ. 2 ngày nghỉ cuối tuần là thời gian riêng tư để sum họp, vui chơi của mỗi gia đình. Những ngày này, dù bận rộn đến mấy, họ dứt hẳn khỏi công việc và hầu như không bị vướng bận bởi tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay…

Những sự kiện này thường được người Đức tổ chức đơn giản, nhanh gọn trong diện quan hệ hẹp. Muốn tặng quà cho bạn bè, Hà - Ngọc cũng phải bàn tính rất kỹ bởi người Đức không có thói quen nhận quà không có lý do và sẽ tìm mọi cách đáp lại.

Sinh con mà cứ nhàn tênh

Trong những cái sướng của các bà mẹ sinh viên Việt ở Đức phải kể đến chuyện sinh nở. “Sinh con mà cứ nhàn tênh” - Quế Anh, nghiên cứu sinh ngành Luật so sánh ĐH Lueneburg với kinh nghiệm 1 lần “vượt cạn” ở Đức cho biết.

Chồng cô, Tuấn Hải, nghiên cứu sau Tiến sĩ ngành Hóa ĐH Hamburg cũng chẳng phải chạy ngược, chạy xuôi lo tìm bệnh viện, bác sĩ và bà đỡ như ở nhà. Họ cũng chẳng mất bất kỳ khoản bồi dưỡng hay lót tay nào cho bác sĩ để con mình được chú ý và chăm sóc tốt hơn.

“Mình chẳng phải lo lắng gì vì đã đóng bảo hiểm đầy đủ”. Bảo hiểm y tế thông thường dao động từ 50 đến 150 euro/tháng, tùy độ tuổi và loại hình bảo hiểm.

Từ khi bắt đầu mang thai đến sau khi sinh nở, mẹ con Quế Anh được chăm sóc miễn phí, mọi chi phí phía bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh viện. Trong thời gian mang thai, cô được khám thai 6 lần.

Bà mẹ này được tham dự lớp tập huấn chuẩn bị sinh, sinh xong lại tiếp tục được học lớp phục hồi sức khỏe cho bà mẹ. 10 ngày sau khi sinh, bác sĩ đến tận nhà theo dõi sức khỏe 2 mẹ con và tư vấn chăm sóc sắc đẹp cho mẹ. Ngoài ra, bà mẹ còn được trợ cấp mang thai cho khoảng thời gian 6 tuần trước khi sinh và 8 tuần sau khi sinh (Mutterschutzgeld), trợ cấp từ hội chữ thập đỏ và từ bộ phận quản lí sinh viên của trường.

Dù sinh ở Việt Nam, nhưng con gái của Thu Hiền - Nghiên cứu sinh ngành Tiền tệ Ngân hàng ĐH Martin-Luther Universitaet Halle Witternberg - vẫn được nhận khoản trợ cấp 150 euro/tháng dành cho trẻ em sinh ra tại Đức hoặc đến cư trú hợp pháp.

Khoản trợ cấp này được duy trì đến khi cô con gái Thu Hiền 18 tuổi. “Cho nên nhiều người khuyên mình sinh thêm một em bé nữa rồi tính tiếp đường học. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì bọn mình cũng không quên nhiệm vụ chính là học” - Hiền tâm sự.

Lê Huế
TPCT


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC