Ngày văn hóa Việt Nam tại Đại học Hamburg

mai-ninhNhà văn Mai Ninh Trong hai ngày 20 và 21-05-2006 phân khoa Việt Học thuộc trường Đại học Hamburg phối hợp với Viện bảo tàng dân tộc học và Hội Việt học Hamburg vừa tổ chức Ngày văn hoá Việt Nam tại Đại học Hamburg.

Hiện nay Đại học Tổng hợp Hamburg là nơi duy nhất trên toàn nước Đức giảng dạy Việt Học như một bộ môn chính, đào tạo sinh viên đến bậc thạc sĩ (Master). Kể từ khi mới hình thành, từ năm 1970 đến nay, phân khoa Việt Học là nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt-Đức, qua những buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa, lịch sử, phong tục Việt Nam, biểu diễn văn nghệ và chiếu phim Việt Nam.

Với một chương trình khá phong phú như diễn đàn về “Diện mạo văn học di dân Việt Nam’’, toạ đàm về “Việt Nam - Một đất nước đang chuyển mình. Cơ hội, thách thức và viễn cảnh tương lai’’, thuyết trình về “Âm nhạc cổ truyền Việt Nam’’, về “Truyền giáo và hội nhập văn hóa theo Alexander de Rhodes’’, biểu diễn võ thuật Việt Nam, màn trình diễn Áo dài cổ truyền và hiện đại, Ngày văn hóa Việt Nam tại Đại học Hamburg đã thu hút hơn 200 người Việt và Đức đến tham dự.

Nói về ý nghĩa của Ngày văn hóa Việt Nam năm nay, giáo sư Thomas Engelbert, người đã xây dựng và gắn bó với phân khoa Việt Học hơn 5 năm, cho biết:

“Đây là lần đầu tiên phân khoa Việt học tổ chức hai Ngày văn hóa Việt Nam để phổ biến về văn hoá, phong tục tập quán Việt Nam cho người Đức, cho cộng đồng người Việt sinh sống tại Hamburg và vùng lân cận, giới thiệu một đất nước Việt Nam đang phát triển mạnh. Chúng tôi cũng muốn tự giới thiệu về phân khoa Việt Học đến các bạn trẻ người Việt và người Đức chú ý và sẽ có nhiều người theo học khoa Việt Học trong tương lai.’’

Diễn đàn về “Văn học di dân Việt Nam’’ có sự tham dự của các nhà văn Ngô nguyên Dũng, Đặng Tiến, Mai Ninh và Lê minh Hà đã thảo luận về danh xưng văn học di dân hay văn học hải ngoại, về những chuyển biến văn học Việt Nam hiện nay, về cảm nghĩ của nhà văn đối với văn học trong nước và ngoài nước. Nhận xét về tình hình “đáng buồn, đáng lo âu’’ của văn chương hải ngoại hiện nay, nhà văn Mai Ninh nói:

“Những sách về các chủ đề chính trị, tôn giáo, xã hội thì còn bán được, nhưng sách về văn chương in ra thì tồn kho rất nhiều. Hiện nay người Việt sống khắp nơi trong một thế giới đương đại và hoàn cầu, nếu nhà văn cứ viết quanh quẩn với chủ đề “trong làng, xã’’ thì sẽ không còn hấp dẫn bạn đọc, nhất là lớp trẻ. Vì vậy nhà văn Việt Nam phải thích nghi với những chủ đề đến đương đại hơn, mở rộng hơn. Văn hoá và nghệ thuật đôi khi phải vượt qua biên giới điạ lý để đi sâu vào lòng người.’’

Nhà văn Mai Ninh cũng có nhiều suy tư về một dòng văn chương mới lạ gọi là “văn chương xôi đậu’’ đang lôi cuốn giới trẻ Việt Nam lớn lên ở nước người :

“Hiện thời ở nhiều nơi, nhất là ở Hoa Kỳ có nảy ra dòng văn chương mới, gọi nôm na là văn chương xôi đậu. Đó là thứ văn chương đang quyến rũ rất nhiều bạn trẻ ở Hoa Kỳ, viết bằng hai thứ ngôn ngữ lẫn lộn tiếng Anh và tiếng Việt, đang gây ra nhiều sự tranh cãi: có ý kiến ủng hộ mà cũng có ý kiến phản bác. Những người ủng hộ cho rằng dòng văn chương này khuyến khích lớp trẻ, những người sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở xứ người hay những ngưòi sinh trưởng ở hải ngoại, không có nhiều vốn liếng tiếng Việt, nhưng nếu họ cố gắng viết văn bằng tiếng Việt là điều đáng vui; nhưng có người cho là nếu chúng ta dễ dãi chấp nhận dòng văn chương xôi đậu, nửa Việt nửa Anh hay nửa Pháp, thì văn chương Việt Nam đích thực sẽ bị chựng lại. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ khi chúng ta muốn nuôi dưỡng tiếng Việt và nghĩ đến thế hệ trẻ sau này, khi mà thế hệ viết văn bằng tiếng Việt hiện nay ngày càng ít dần đi.’’

Trong buổi tọa đàm về chủ đề: “Việt Nam, một đất nước đang chuyển mình. Cơ hội, thách thức và viễn cảnh tương lai”, ba giáo sư-tiến sĩ người Đức là các ông Gerhard Will, ông Oskar Weggel và ông Martin Großheim là những nhà nghiên cứu về kinh tế, chính trị và xã hội, đã thảo luận về sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian 10 năm gần đây.

Ngày văn hoá Việt Nam tại Đại học Hamburg còn có các buổi thuyết trình về các đề tài “Yếu tố tôn giáo trong hai cuộc chiến tranh Đông dương tại Nam Việt Nam’’ do tiến sĩ Vladimir Kolotov đến từ Đại học St. Petersburg, đề tài “Truyền giáo và hội nhập văn hóa theo Alexander de Rhodes trong thế kỷ 17’’ của ông Vũ chí Thiện với những tài liệu, hình ảnh sưu tầm rất công phu và sinh động.

Đặc biệt phần trình diễn của nhà giáo Phạm thúy Hoan với dàn nhạc dân tộc, phần trình diễn thời trang Áo dài truyền thống và hiện đại do các nữ sinh viên Việt và Đức của trường đảm nhận lôi cuốn rất đông người xem. Chương trình kết thúc với buổi chiếm phim “Việt Nam, đất nước không chiến tranh’’ của đạo diễn Phan thị Minh Khai.

Theo RFA


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC