“Cho tôi xin số“- điều bình thường không tưởng ở Berlin giữa Covid-19

“Cho tôi xin số“- điều bình thường không tưởng ở Berlin giữa Covid-19

Sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ, người Berlin đang làm quen với trạng thái bình thường mới, chấp nhận đưa số điện thoại của mình cho người lạ để giúp truy vết lây lan của dịch.

Sau thời gian phong toả, thủ đô Berlin của Đức đã mở cửa hoàn toàn trở lại, và để đổi lấy sự tự do - như một buổi hẹn hò với người yêu ở nhà hàng sang trọng, hay chỉ đơn giản là việc đi cắt tóc - người dân thành phố phải cung cấp số điện thoại của mình.

Đây được coi là một hệ thống giúp lưu trữ lịch trình của mọi người: ai đã ở đâu trong bao lâu, và nó sẽ được sử dụng bởi các nhân viên của cơ quan y tế công cộng nhằm theo dõi mối liên hệ của một người vừa mới nhiễm bệnh.

1 1 Cho Toi Xin So  Dieu Binh Thuong Khong Tuong O Berlin Giua Covid 19

Thực khách dùng bữa tại Noto - một quán ăn nổi tiếng ở quận Mitte - với các bàn ngồi cách nhau để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: New York Times.

Chấp nhận điều không tưởng

Biện pháp này được cho là cực kỳ hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của virus corona, và nó là một phần trong trạng thái "bình thường mới" của người Đức.

Sẽ không có gì đáng nói nếu điều này diễn ra ở một quốc gia khác, nhưng ở Đức, nơi người dân trải qua những năm tháng bị theo dõi bởi chính phủ phát xít rồi sau đó là Stasi (cơ quan tình báo của Đông Đức), việc tôn trọng riêng tư cá nhân được coi là tôn chỉ của đất nước, và đây là một sự thay đổi lớn.

Tại Refinery, một quán cà phê đang hút khánh gần sông Spree ở trung tâm Berlin, Sabine Baum, nhân viên thiết kế đồ hoạ, đang viết tên tuổi và số điện thoại của mình lên cuốn sổ trên quầy thu ngân trong khi đang đợi đồ ăn.

"Tôi thấy không sao vì thông tin được lưu trữ trên giấy chứ không phải trực tuyến", cô Baum chia sẻ.

Khát khao trở lại với cuộc sống bình thường là động mực mạnh mẽ để người dân chấp nhận những điều mà vào đầu tháng 3 vẫn còn được coi là không thể chấp nhận, hoặc hoàn toàn vô lý, đối với nhiều người Đức. Giống như việc phải đeo khẩu trang trong phòng tắm hơi khi chúng mở cửa trở lại vào tháng sau!

Các nhà hàng, quán cà phê và quầy bán đồ ăn vặt trên đường phố được phép phục vụ khách hàng miễn là họ tuân thủ quy định giãn cách. Thành viên của 2 gia đình có thể ngồi cùng một bàn, miễn là cách nhau đủ 1,5 m.

Quy định mới yêu cầu mọi nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang, nhưng đầu bếp thì không. Thực khách cũng được khuyến khích đeo khẩu trang, nhưng không bắt buộc trừ khi bạn phải sử dụng nhà vệ sinh. Các bữa tiệc buffet bị cấm, và mọi đồ ăn phải được làm trong khuôn viên nhà hàng.

Các nhà hàng được khuyến cáo lưu lại thông tin liên lạc của từng thực khách, và giữ lại chúng trong ít nhất là 4 tuần để cho phép truy vết trong trường hợp có sự lây lan.

1 2 Cho Toi Xin So  Dieu Binh Thuong Khong Tuong O Berlin Giua Covid 19

Các bàn ở vườn bia trong công viên Tiergarten được ngăn cách bởi một tấm nhựa trong. Ảnh: New York Times.

Lệnh phong toả ở Berlin được cho là vẫn còn dễ thở hơn so với những quy định được áp đặt tại thủ phủ các bang khác. Đường phố và công viên vắng vẻ, nhưng vẫn có người đi lại.

Thật sự thì, đường phố và công viên ở thủ đô nước Đức chưa bao giờ đông đúc. Với mật độ dân số thấp hơn so với New York, London và nhiều thành phố châu Á, Berlin là một đô thị bình yên. Rất lâu trước khi virus corona xuất hiện, việc giữ khoảng cách ở nơi công cộng đã là một điều gì đó luôn hiện diện trong bản sắc của Berlin.

Làm quen với cuộc sống mới

Đã có những khoảnh khắc mà người Đức cảm thấy như cuộc sống bình thường đã trở lại. Trẻ em đi bộ tới trường vào buổi sáng. Nhà hàng đông khách vào buổi tối. Đám cưới diễn ra tại công viên, và còn có dấu hiệu của "giờ cao điểm" khi mọi người bắt đầu quay lại nơi làm việc.

Nhưng các bể bơi bây giờ bắt đầu giới hạn số người xuống bể trong một thời điểm nhất định. Máy bán hàng tự động giờ có thêm cả khẩu trang và nước rửa tay. Một rạp hát đã phải tháo 500 trên 700 ghế để đảm bảo quy định giãn cách xã hội.

Người dân có thể lái xe đến dự thánh lễ ở nhà thờ, lái xe đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 mà không cần phải bước ra khỏi chiếc xe hơi của họ.

Tại Tiergarten, nơi được gọi là "Công viên Trung tâm" của Berlin, vườn bia nổi tiếng ở đây đã mở cửa trở lại và rất đông khách. Nhưng khi đến tận nơi bạn sẽ phát hiện một điều mới mẻ: những tấm nhựa được dựng lên để chia cách các nhóm khách.

Trẻ em đã được quay trở lại các lớp học bóng đá, nhưng không có trận đấu nào được diễn ra. Mỗi bên chia thành 7 người, nhưng mỗi người đứng cách nhau 2 mét và tập riêng với trái bóng.

"Những đứa trẻ hỏi tôi: 'Có được chạm vào bóng không? Có được chuyền bóng không'?", cô Emilia Rahaus, huấn luyện viên của một lớp bóng đá dành cho trẻ em, chia sẻ.

Trường học đã mở cửa trở lại, nhưng vì các quy định giãn cách xã hội, những lớp học được tổ chức một cách thưa thớt tới mức khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó chịu.

Trẻ em mẫu giáo chỉ được tới lớp nửa ngày, trong khi học sinh tiểu học đến trường 2 lần mỗi tuần, mỗi lần chỉ kéo dài 90 phút.

"Dạy chúng ở nhà còn dễ hơn là việc này", một bà mẹ chia sẻ.

1 3 Cho Toi Xin So  Dieu Binh Thuong Khong Tuong O Berlin Giua Covid 19

Tại lớp học bóng đá, không có trận đấu nào diễn ra và các học viên phải tự tập với trái bóng trong khi vẫn giữ khoảng cách xã hội. Ảnh: New York Times.

Cô đã phải nghỉ làm vì việc đưa các con tới trường với lịch học hoàn toàn khác nhau trong khi vẫn phải tới công ty dường như là điều không thể.

"Tôi cứ tưởng là mở cửa trở lại trường học sẽ giúp các bậc cha mẹ có thể đi làm trở lại", người phụ nữ nói.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết một ứng dụng điện thoại mới sẽ được chính phủ công bố để giúp truy vết người nhiễm Covid-19, dựa vào sóng bluetooth để phát hiện và cảnh báo người sử dụng nếu họ đã tiếp xúc với ai đó nhiễm virus.

"Chúng tôi sẽ giới thiệu ứng dụng này vào tuần tới", ông Spahn chia sẻ hôm 8/6.

 

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC