Bài tiểu luận ấn tượng của Hoài Thu ở bang Sachsen – CHLB Đức

Bài tiểu luận ấn tượng của Hoài Thu ở bang Sachsen – CHLB Đức"Dioxin - chất độc màu da Cam" là đề tài bài tiểu luận tự chọn của Đinh Hoài Thu ở bang Sachsen (Đức) đã gây được ấn tượng sâu sắc và cảm động cho cả người Đức và người Việt tham dự lễ bảo vệ của em, làm cho người Việt mình thêm tự hào về con em chúng ta ở nơi quê hương thứ 2 này.

Trong các trường phổ thông của Đức, vào năm học cuối cùng học sinh sẽ có những bài tiểu luận tự chọn chủ đề và tự bảo vệ trước hoặc sau khi tốt nghiệp.

Đinh Hoài Thu sinh ngày 10/4/1991 tại CHLB Đức và vừa học xong lớp 12. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp của mình, em đã chọn đề tài "Dioxin - chất độc màu da Cam" từ hai năm trước và dày công thu thập tài liệu để viết xong bản tham luận dày 38 trang A4, trình bày khá chuyên nghiệp và được đánh giá cao.

Phần "Lời nói đầu" và "Lời kết" là những suy nghĩ và trăn trở của em về chiến tranh, về đất nước cội nguồn và về những nạn nhân trẻ tuổi của cuộc chiến cách đây hơn 30 năm. Bài tiểu luận cho thấy tuy Hoài Thu sinh ra tại đây nhưng rất có ý thức và tình cảm với quê hương mình, biết trăn trở với những hậu quả đau lòng của chiến tranh và thông cảm với số phận của các nạn nhân chất độc da cam, khi em cho rằng "cuộc sống của những nạn nhân chất độc màu da cam phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của bên ngoài...".

Lời nói đầu

Sài gòn... Đó là những ngày tháng thiêng liêng, bởi vì chỉ một tuần nữa thôi, ngày lễ quan trọng nhất của người Việt sẽ đến - ngày Tết. Tết Nguyên đán mở đầu cho một năm âm lịch. Ở đâu cũng bao trùm không khí phấn khởi. Tất cả chuẩn bị cho sự kiện của năm.

(Phan Thị Minh Khai trong phim tài liệu “ Việt nam của tôi - một đất nước không còn phải chịu khổ đau của chiến tranh)

Trong bộ phim tài liệu “ Việt nam của tôi - một đất nước không còn phải chịu khổ đau của chiến tranh”, đạo diễn Phan Thị Minh Khai được hưởng trực tiếp không khí những ngày tết. Chị là con gái của một người Việt Nam sống ở nước ngoài và năm 2003 chị bắt đầu với tác phẩm về quê hương mình mà chị đã dồn toàn tâm, toàn ý để thực hiện nó. Trong bộ phim, chị đã giới thiệu nhiều điều, trong đó có sự mở cửa từ từ của Việt Nam. Bộ phim cho thấy một đất nước đang đi tìm  con đường  phù hợp nhất để xây dựng đất nước hiện đại, bởi vì sau bóng đen của quá khứ chiến tranh, đất nước này còn nhiều điều hấp dẫn hơn người ta vẫn nghĩ  lúc ban đầu. Người ta sẽ thấy đằng sau những ngôi nhà nhỏ bé, những phố phường đầy bụi, những cánh đồng lúa bát ngát, đặc điểm nổi bật của Việt Nam, còn ẩn chứa rất nhiều hấp dẫn và truyền thống độc đáo.

Cũng như Phan Thị Minh Khai, tôi  là người con gái Việt Nam sinh ra và lớn lên trên đất Đức. Sau 5 năm, tháng hai năm 2007 tôi lại có dịp trở lại quê hương mình. Lúc đó là dịp Tết, như bộ phim tài liệu đã thể hiện, nhà cửa phố phường đều được trang hoàng lộng lẫy bằng đèn lồng và cờ đỏ, màu sắc của nó làm loá  mắt người qua đường. Dù đã xa Việt Nam khá lâu và cuộc sống ở đó đã hoàn toàn khác nhưng vừa về đến nơi tôi cảm giác ngay như chính nhà mình. Thế mà cái không khí ấm áp ấy đột nhiên bị vẩn đục khi tôi thấy trong TV chiếu một gia đình có đứa con trai nhỏ sinh ra bị rất nhiều dị dạng, hậu quả của chất độc màu da cam, một loại chất diệt cỏ có chứa dioxin đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

 Những ngày sau đó tôi đi thăm bà con ở những làng khác và giật mình vì được  chứng kiến các kiểu dị tật của con người. Dù không khí Tết rất nhộn nhịp, những hình ảnh kia vẫn cứ vẩn vương trong đầu tôi.

Chính chuyến đi ấy, những hình ảnh ấy đã thúc dục tôi viết đề tài này thành  tiểu luận, vì hậu quả của nó đến ngày nay vẫn còn rất rõ. Dù tôi có đồng ý với Phan Thị Minh Khai rằng, Việt Nam đang trên đường phát triển, như tên của bộ phim tài liệu đã nêu rõ, Việt Nam không đơn độc nữa và cần nhìn lại cuộc chiến, nhưng tôi nghĩ ngày nay vẫn cần thiết để dư luận quan tâm đến hậu quả của chiến tranh.

Lý do chính là cuộc sống của những nạn nhân chất độc màu da cam phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của bên ngoài. Theo quan điểm của tôi, vấn đề này chỉ có thể đạt được nếu hướng được dư luận xã hội vào bản chất của sự việc.

Trong chương đầu tiên tôi đã mô tả thật ngắn gọn diễn biến chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó. Những chương sau đó tôi tập trung vào đề tài chính: Chất độc màu da cam. Vì tôi là một cô gái Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên đất Đức nên tôi nghĩ rằng, đề tài này không hoặc rất ít được chú ý. Tôi muốn nêu vấn đề này với hy vọng sẽ làm cho nhiều người Đức cùng suy ngẫm khi biết sự kiện  cùng hậu quả của nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ của người dân Việt Nam. Để đạt mục đích này, trước hết tôi giải thích rõ tính chất của chất độc màu da cam, sau đó tìm hiểu báo chí và thăm dò dư luận. Cuối cùng tôi muốn đề cập đến những quy định về sử dụng vũ khí hoá học, lấy ví dụ cuộc tấn công của Mỹ vào Irak năm 2004, để nêu một khẳng định, không chỉ chất độc màu da cam mới gây ra những hậu quả nặng nề mà tất cả các vũ khí hoá học khác.

Cuối cùng tôi hy vọng đạt được điều mong muốn, tức là độc giả đón nhận tiểu luận của tôi để suy ngẫm và biết đâu họ ít nhiều giúp được những nạn nhân để người ta vớt vát một cuộc sống hạnh phúc trong những năm tháng còn lại, cho dù họ luôn phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến xưa gây ra.

Lời kết

 

 Năm nay năm 2009, gần hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi quyết định viết bài tiểu luận về hậu quả chiến tranh Việt Nam. Hai năm qua đã mang lại cho tôi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Bởi vì với công trình này tôi được biết thêm một trang sử hoàn toàn mới của đất nước tôi, mà trước đó tôi chỉ biết nó qua cảnh đẹp, truyền thống và con người hiền hoà vui vẻ. Nay tôi mới hiểu, Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều điều, trong đó có vết tích của chiến tranh để lại cho người dân. Tất nhiên tôi vẫn hiểu rằng, cuộc chiến tranh chống Mỹ phải khủng khiếp lắm và hy sinh nhiều lắm, nhưng khi trực tiếp chứng kiến, những hậu quả của chiến tranh, nó đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi trước đó. Nó không phải đơn thuần là một cuộc chiến chống Chủ nghĩa cộng sản, mà người ta có thể nói rằng, đó là cuộc chiến chống loài người, coi thường những giá trị nhân bản và rất dã man.   

Ngày 9.2.2008, ngày Tết cổ truyền, sau khi tôi trình bày phần tiểu luận về Chất độc màu da cam  tại một nhà hàng ở Freiberg, một người quen của tôi đã nói rằng, việc giúp đỡ những nạn nhân của chất làm rụng lá mà hiện vẫn còn chịu khổ đau của hậu quả này là một điều rất cần thiết.

 Ngoài những người quen, TV Việt nam cũng nói rất nhiều về hậu quả của chất độc màu da cam, nhưng tôi thực sự giật mình chỉ khi bắt đầu viết về nó. Tôi cho rằng phải có tiếng nói để người ta chú ý, để cùng trăn trở.

 Người ta thường nói :”Hãy để cho quá khứ trôi vào dĩ vãng”, nhưng nếu nó là một tội phạm mà người dân phải chịu hậu quả nhiều năm sau thì đừng đưa ra áp dụng câu tục ngữ này. Bởi vì, dù chiến tranh đã kết thúc nhưng người ta không thể nhanh quên khi chứng tích vẫn còn đó, khi người ta không chỉ cảm thấy rùng mình trước dã man của chiến tranh mà còn phải nhìn những đứa bé với những dị dạng nói lên rất rõ cuộc chiến trước đây 30 năm, mặc dù chúng có sống ở thời đó đâu.

Ngoài ra cái đáng sợ nữa là thông tin về chất độc này rất ít được truyền đạt ở Đức để dân chúng hiểu, không chỉ có những trẻ em nghèo ở thế giới thứ ba là chịu đau khổ mà những nạn nhân của chất độc màu da cam cũng rất cần sự giúp đỡ để có thể sống sót. Trong một xã hội như ở Đức, cái khái niệm “nhân đạo” đóng một vai trò rất quan trọng nên tôi nghĩ, việc giúp đỡ những người yếu thế là một việc làm rất cần thiết, bất kể trong hay ngoài đất nước.

Một câu tục ngữ nói rằng :”Một lần ngã là một lần bớt dại”, nhưng nhiều người mà cụ thể là quân đội Mỹ hình như không hiểu một điều giản đơn là vũ khí hoá học của họ đã làm cho biết bao nhiêu người đau khổ, rằng những hành động ấy vô nhân đạo, rằng không thể xin lỗi với nguỵ biện là một chiến lược trong chiến tranh. Mặc dù trong chiến tranh Việt Nam họ đã gây ra một số lượng nạn nhân khổng  lồ (không chỉ do chất độc màu da cam mà còn do bom Na pan), nhưng nước Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hoá học năm 2004 trong chiến tranh Irak. Chính vì thế Edward Kennedy đã gọi cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh Việt Nam thứ hai của Georg Bush.

Người ta chỉ hy vọng rằng, một ngày nào đó các hãng sản xuất chất hoá học hiểu ra được đạo lý phải có trách nhiệm giúp đỡ những người khiếu kiện Việt Nam. Hy vọng tham luận này của tôi gây được chú ý của công luận về vấn đề này. Vì mục đích đó tôi đã lên kế hoạch tổ chức một triễn lãm  trong trường, và qua đó diễn thuyết về chiến tranh Việt Nam cũng như hậu quả của nó. Tôi hy vọng ngoài những người tham dự, thông tin về chất độc màu da cam còn đến được với nhiều người khác.

  Khi viết tham luận này tôi gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn vì lý do tài chính nên không thể bay về Việt Nam được. Nếu làm được chuyện đó có lẽ tôi đã thu thập được rất nhiều thông tin mới về sự chuẩn bị cho việc kiện tiếp các công ty hoá chất,  tôi đã hoài công tìm kiếm trên Internet, sách báo nhưng không tìm được xem việc kiện tiến hành đến đâu rồi. Hơn nữa rất nhiều người có thể cho tôi những thông tin bổ ích thì tôi không thể tiếp cận được, cũng có thể vì những quy định hành chính không xuất thông tin ra ngoài. Cũng có thể những người này không muốn, không thể, hay không được phép cung cấp thông tin cho tôi, vì họ không biết tôi làm gì với những thông tin ấy. Rồi những bệnh tật như trong tài  liệu “Veterans and Agent Orange” đã nêu cũng gây không ít khó khăn cho tôi, vì tôi phải dịch nó từ nguyên bản tiếng Anh, trong đó có rất nhiều khái niệm y học khó hiểu. Chính vì thế cho đến nay tôi vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về những loại bệnh này.

Tham luận này chưa được trình bày đầy đủ như tôi mong muốn, ví dụ như việc phỏng vấn người dân, tôi muốn phỏng vấn nhiều người để thử xem kiến thức của họ về chủ đề Chất độc màu da cam thế nào, và như vậy có thể so sánh kết quả giữa giới trẻ và già, giữa công dân hai miền đông và tây Đức. Nhưng tôi không thực hiện được.  Nếu thực hiện được, chắc chắn sẽ có sự khác nhau lớn, vì những thế hệ lớn tuổi, chẳng hạn thế hệ đã khơi dậy phong trào chống chiến tranh Việt Nam những năm 68, chắc sẽ hiểu biết nhiều hơn về đề tài này, trên thực tế rất khó tìm những người có quan tâm để hỏi. Phần lớn những người được hỏi còn trẻ cho nên kết quả thăm dò có thể chưa chính xác.

Tôi đã cố gắng trình bày tham luận này bằng nhiều thông tin nhất như có thể, để cho người đọc chú ý đến Chất độc màu da cam và qua đó có thể giúp đỡ những nạn nhân Việt Nam vượt qua cơn ác mộng kinh hoàng của quá khứ.


 Đinh Hoài Thu, học sinh lớp 12, CHLB Đức


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC