Yêu tiếng Việt, tự hào về tiếng Việt

20100816_11_19Bằng giọng nói tiếng Việt rất rõ ràng, truyền cảm, Nghiêm Thu Trang thu hút sự chú ý của nhiều người xung quanh. Thật ngạc nhiên khi được biết, nữ nghệ sĩ trẻ này sang Đức từ năm 2 tuổi và sống 23 năm qua ở Đức mà vẫn nói tiếng Việt tốt như vậy

Sống ở xa quê hương nhưng bà con kiều bào ta tại CHLB Đức vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Họ đều gắng làm được điều gì đó để góp phần gìn giữ văn hóa Việt Nam. Một trong những việc làm mà người Việt sinh sống ở Đức đã và đang tích cực thực hiện là gìn giữ và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Đặc biệt, đối với thế hệ hai là những thanh thiếu niên Việt kiều thì điều đó càng trở nên quan trọng. Nữ nghệ sĩ violon Nghiêm Thu Trang-Việt kiều thế hệ hai tại Đức là một trong những bạn trẻ ham học hỏi và am hiểu ngôn ngữ tiếng Việt.

Thu Trang theo bố mẹ sang Đức từ khi mới lên 2 tuổi (năm 1986). Nhận được sự quan tâm chu đáo từ bố mẹ ngay từ khi còn nhỏ, Thu Trang không chỉ nói thạo tiếng Đức, Anh, Pháp, mà còn nói thạo cả tiếng Mẹ đẻ. Đây không chỉ là ước mơ của bố mẹ Thu Trang, mà còn là niềm tự hào của bản thân nữ nghệ sĩ trẻ này.

 

Thu Trang tâm sự: “Bố mẹ rất chăm chút để ý để Trang nói tiếng Việt ở nhà. Sau khoảng thời gian dài, Trang nhận thấy cần phải cảm ơn bố mẹ. Bởi lẽ mình biết sử dụng một thứ tiếng quý giá đó là tiếng Việt. Đi đâu, nhiều người đều hỏi vì sao Trang nói tiếng Việt tốt như thế. Nhiều người Đức cũng ngạc nhiên vì Trang biết nói, đọc viết tiếng Việt khá trôi chảy, thành thạo. Đương nhiên là Trang rất tự hào về điều đó”.

Trong thực tế cuộc sống, đựợc giao tiếp với bố mẹ hàng ngày, càng ngày Thu Trang càng tìm thấy sự phong phú, hấp dẫn, những điều lý thú trong tiếng Việt, khiến cho cô gái này càng say mê ngôn ngữ mẹ đẻ.

“Tiếng Việt với sự đặc biệt là có dấu. Tiếng nước ngoài ở châu Âu thì không có những dấu đó. Người nước ngoài nghe tiếng Việt cảm thấy như là bản nhạc. Trang học âm nhạc, cho nên nghe tiếng Việt càng hay, càng hấp dẫn khiến Trang rất thích thú điều đó. Qua tiếng Việt, Trang có thể học thêm được, hiểu thêm được khi xem truyền hình Việt Nam hay là khi đọc báo tiếng Việt. Trang cũng rất vui khi biết sử dụng tiếng Việt bởi lẽ qua ngôn ngữ tiếng Việt, mình có thể trò chuyện được với các cô chú, anh em, bạn bè người Việt và từ đó gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn. Còn nếu không biết thì khó có thể trò chuyện được”, Thu Trang nói.

Niềm ao ước của nữ nghệ sĩ violon 25 tuổi này đó là nói, đọc, viết tiếng Việt giỏi, đồng thời hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam. Bố mẹ trong cách dạy dỗ con cái cũng hay dạy bảo Trang về con người, phong tục Việt Nam. "Trang cũng thấy thú vị khi mình biết cả văn hóa Việt Nam và văn hóa Đức, cũng như cảm thấy còn có thể tiếp thu văn hóa Việt Nam nhiều hơn, nhất là khi về quê hương”.

Với sự năng động, tháo vát, cùng những nỗ lực, nhiệt huyết của mình, nữ nghệ sĩ trẻ Thu Trang đang có nhiều kế hoạch cho tương lai. Cô rất muốn trở thành một giảng viên âm nhạc, một nhà tư vấn về âm nhạc, đồng thời học thêm về lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, cô cố gắng tạo điều kiện, cơ hội cho bản thân để có thể trở về Việt Nam nhiều hơn, để giao lưu, trao đổi, khám phá những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.... Thu Trang còn có ước muốn được giới thiệu cho người Đức về văn hóa, âm nhạc Việt Nam và tiếng Việt. Điều này Thu Trang đã thực hiện trong thời gian qua và được các bạn bè Đức rất ủng hộ. Đặc biệt Thu Trang còn muốn học để sử dụng một nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Trước mắt, dự định của Thu Trang là trở về Việt Nam để thăm quê cha đất tổ.

Đặc biệt, đối với Thu Trang, thủ đô Hà Nội luôn để lại nhiều ấn tượng: “Trang đã biết những hình ảnh và địa danh nổi tiếng ở Hà Nội... Điều ấn tượng với Trang là hình ảnh của thành phố, con người nơi đây. Ngay tại nhà, Trang cũng có những cuốn sách về Việt Nam, về Hà Nội, những cuốn sách nấu các món ăn Việt Nam, truyện về Việt Nam...”.

Thu Trang luôn hy vọng, tiếng Việt sẽ luôn được duy trì và phát triển nhiều hơn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là đối với các bạn trẻ thế hệ 2, thế hệ 3, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Điều đó không chỉ góp phần gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, mà còn tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn trong cộng động người Việt ở nước ngoài.

 

Theo VOV.

© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC