Điện ảnh Đức

Điện ảnh trẻ Đức. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, điện ảnh cả Đông và Tây Đức đi sâu vào thảm hoạ quốc gia đó (Bọn sát nhân ở giữa chúng ta năm 1946 của Wolfgang Staudte, Hôn nhân trong bóng tối năm 1947 của Kurt Maetzig, Giữa hôm qua và ngày mai năm 1947 của Harald Braun). Nhưng chẳng bao lâu sau, điện ảnh hai miền đi theo hai ngả đường khác nhau phù hợp với sự phát triển chính trị trái ngược nhau.


Đi đôi với quá trình tái thiết thành công ở Tây Đức chủ yếu là những bộ phim tài liệu về quê hương đất nước quen thuộc, né tránh các cuộc tranh luận chính trị, nhưng thỉnh thoảng cũng bình luận chúng theo cách châm biếm (Chúng ta là những thần đồng năm 1958 của Kurt Hoffmann).

Phim Cộng hoà Liên bang chủ Đức bắt đầu nở rộ về nghệ thuật trong những năm 60 và 70. Trên nền tảng "Tuyên ngôn Oberhausen", trong đó, các nhà làm phim trẻ năm 1962 đã đòi hỏi một nghệ thuật điện ảnh mới không bị ràng buộc bởi các quy ước thông thường hay áp lực thương mại, vào giữa những năm 60, "Điện ảnh Đức" đã ra mắt, hàm chứa một sự chuyển đổi thế hệ và đem đến một xu hướng thẩm mỹ mới. Các khuynh hướng thử nghiệm, tham vọng về hình thức và nhiệt tình phê phán xã hội là đặc điểm của những bộ "phim tác giả" của Alexander Kluge (Chia tay với hôm qua, 1966), Jean-Marie Straub (Biên niên sử của Anna Magdalena Bach, 1968), Volker Schlörndorff, Werner Herzog, Rheinhard Hauff, Rudolf Thome, Hans Jürgen Syberberg, Theodor Kotulla, Peter Fleischmann, và Christian Ziewer.

Nhà làm phim sáng tạo nhất có hiệu suất cao nhất trong số này là Rainer Werner Fassbinder (mất năm 1982), người nhằm ống kính vào cá nhân bị dồn nén và những mâu thuẫn trong lịch sử Đức qua những hình thức thể hiện phong phú và những câu chuyện đa dạng và - dựa vào thể kịch bình dân - đã vươn đến những bộ phim lớn như Cuộc hôn nhân của Maria Braun (1978), Berlin Alexanderplatz (1980)và Lola (1981). Fassbinder đoạt Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Berlin 1982 với phim Nỗi nhớ của Veronika Voss.

Trong những năm 1980, các nhà làm phim đại diện trào lưu điện ảnh trẻ Đức ngày càng thành công trên trường quốc tế. Năm 1979, Volker Schöndorff đoạt giải Cành cọ vàng tại Cannes và năm 1980 đoạt một giải Oscar tại Hollywood cho bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Cái trống thiếc của Günther Grass. Năm 1984, Wim Wenders nhận giái Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes với phim Paris Texas và năm 1987 ông làm thế giới điện ảnh ngạc nhiên với bộ phim tuyệt vời Bầu trời Berlin. Giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 1982 tại Cannes thuộc về Werner Herzog với bộ phim gây ấn tượng Fitzcarraldo,bộ phim diễn tả bi kịch của thữ chủ nghĩa cá nhân điên rồ trong môi trường ngoại lai. Quan tâm phê phán những mối quan hệ trong nước, Margrethe von Trotta đã trở nên nổi tiếng với các chân dung phụ nữ đầy ấn tượng trong các phim như Thời kỳ nặng nề (1981), và Rosa Luxemburg (1986).

Mặc dù có những thành công kể trên, song sự hưng thịnh bắt nguồn từ điện ảnh trẻ Đức không bêng lâu. Khi phong trào 68 mang tính phê phán xã hội lụi tắt, nền điện ảnh mất đi hậu thuẫn về chính trị, và nói chung "phim tác giả" không thiết lập được một nền tảng chắc chắn về kinh tế đủ sức chống chọi với làn sóng tấn công của phim thương mại Mỹ đang mạnh trở lại.

Điện ảnh Cộng hoà Dân chủ Đức. Được sản xuất bởi Hãng phim độc quyền DEFA, điện ảnh - được nhà nước tài trợ và kiểm soát - của Cộng hoà Dân chủ Đức phục tùng cá mục tiều chính trị của đảng cầm quyền. Phim tuyên truyền ra mắt ở mọi thể loại. Mặt khác, các nghệ sĩ tìm cách thoát khỏi những ràng buộc trong sáng tạo. Dao động giữa thành công và thất bại của các phim DEFA đem đến sự phản ánh thời đại đầy mâu thuẫn, đồng thời nêu bật những hình ảnh chân thực của cuộc sống, tính khách quan nghệ thuật và cả chất lượng phim xuất sắc.

Những thăng trầm này trước hết với xưởng phim Babelsberg. Giai đoạn đầu của xưởng phim này do Wolfgang Staudte định đoạt về mặt nghệ thuật. Năm 1951, ông quay bộ phim Kẻ bề tôi - một tác phẩm trào phúng nổi tiếng dựa theo tiểu thuyết của Heinrich Mann, nhưng rồi do mâu thuẫn với "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" ông quay lưng lại với điện ảnh Cộng hoà Dân chủ Đức. Cuối những năm 1950, Đảng cộng sản không cho phép đưa ra chiếu một số bộ phim, ví dụ Những phim Berlin của Gerherd Klein và Wolfgang Kohlhaase. Năm 1965, hầu hết các tác phẩm điện ảnh trong năm chỉ trích những hiện trạng của "chủ nghĩa xã hội có thật" đều bị dừng. Năm sau đó, phim Dấu vết của đá của Frank Beyer - một bộ phim vật lộn dữ dội với hiện thực đương thời - đã bị dừng ngay sau khi trình chiếu.

Các phim "chống phát xít" của DEFA phê phán tội lỗi Đức cũng là một cách để tránh né bức tranh đương thời lẽ ra phải được lột tả. Một trong những phim đầy ấn tượng là Năm tôi mười chín tuổi (1967) của Konrad Wolf. Trong thập niên 70 đã có thể xuất hiện một số phim mang tính thử nghiệm, góc cạnh về hiện thực đương thời (Những chiếc chìa khoá của Egon Günther (1974), cùng với Truyền thuyết về Paul và Paula(1973) của Heiner Carow đã gặt hái thành công lớn). Hình ảnh một nước Cộng hoà Dân chủ Đức không có những ảo tưởng được thể hiện trong bộ phim Solo Sunny (1980) của Konrad Wolf - đạo diễn nổi tiếng nhất của DEFA, mất năm 1982. Tiếp đó là những phim phê bình với giá trị nghệ thuật cao khác (Những cuộc thám hiểm, năm 1982 của Roland Graf), nhưng không lâu sau xưởng phim hầu như bị buộc phải ngừng hoạt động do các biện pháp của Đảng. Ngược lại, mảng phim tài liệu lại xây dựng được một khuynh hướng vừa hiện thực, vừa giàu chất thơ (Nhân viên hoả xa, 1984 của Jürgen Bötteher; Cuộc sống ở Wittstock, 1984 của Volker Koepp, Tạm biệt mùa đông, năm 1988 của Helke Misselwitz).

Sau thống nhất nước Đức năm 1990, hãng phim nhà nước DEFA ngừng sản xuất. Tuy nhiên, xưởng phim giàu truyền thống (trước kia thuộc Ufa) ở Babelsberg gần Berlin đã có bước nhảy vọt tới tương lai: hiện nơi đây đã được mở rộng thành một trung tâm truyền thông rất hiện đại, điểm hội tụ của rất nhiều hãng và cơ sở sản xuất phim.

Những xu hướng hiện tại. Một mặt, thập niên 1990 được đánh dấu bởi những khó khăn trong việc hội nhập của điện ảnh Đông Đức - việc hội nhập này thành công chủ yếu với các nghệ sĩ và nhà sản xuất trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình. Mặt khác, tình hình chung của điện ảnh được khắc hoạ bởi những bộ phim Mỹ ngày càng thống trị thị trường, đẩy lùi không chỉ phim Đức mà cả phim châu Âu nói chung.

Chỉ một vài phim Đức trụ được trong các rạp chiếu - như các phim của Joseph Vilsmaier (Người anh em của giấc ngủ, năm 1995, Những nhạc sĩ hài,năm 1997) hay phim của Helmut Dietl-người với tác phẩm trào phúng xã hội sắc bén Schtonk đã soi mói sự phát hiện tưởng tượng những cuốn nhật ký của Hitler trên tạp chí Stern, và trong Rossini (1996) phơi bày sự phù phiếm trong chính làng điện ảnh.

Nhóm phim hài và trào phúng dần hình thành và dễ dàng thu hút khán giả trong nước đến với điện ảnh Đức (Chẳng ai yêu tôi, năm 1995 của Doris Dörrie, Người đàn ông xúc động, năm 1994 của Sönke Wortmann). Với sự hài hước mang tính chủ quan, những bộ phim này chưa vượt nổi biên giới quốc tế, tuy nhiên đã dẫy lên sự nhảy vọt trong nền điện ảnh Đức. Mặc dù một số ít tác phẩm có được sự chú ý quốc tế - ví dụ phim đầu tay của Romuald Karmaker Kẻ tạo ra cái chết, năm 1995, trong đó Götz George đóng vai một kẻ giết người hàng loạt, cho tới lúc này, điện ảnh Đức hiện tại vẫn chưa đạt được sự công nhận quốc tế như điện ảnh Đức trẻ ngày nào.

Thời kỳ 1998-2000 có những dấu hiệu đầy hứa hẹn. Chạy đi, Lola, một phim tâm lý hiện sinh của Tom Tykwer, đạt thành công quốc tế. Thành công bất ngờ nữa là bộ phim đầu tay Đại lộ mặt trời, trong đó đạo diễn sân khấu Đông Đức Leander Haussmann hồi tưởng lại tuổi trẻ của mình ở Cộng hoà Dân chủ Đức một cách khôi hài. Những người không thể động đến của Oskar Roehler - bộ phim phản ánh những tranh luận về ý thức hệ ở Đức - cũng được hoan nghênh. Và những "bậc thầy cũ" đã xuất hiện trở lại - như Volker Schlöndorff với phim Yên lặng sau phát súng, Wim Wenders với bộ phim tài liệu lôi cuốn Câu lạc bộ xã hội Buena Vista mô tả một nhóm nhạc công già từ Havânn, và Werner Herzog, người hồi tưởng đến nam diễn viên quan trọng nhất trong các phim của ông - Klaus Kinski - với phim Kẻ thù thân yêu nhất của tôi.

Sự mới mẻ trong làng điện ảnh Đức ngày nay còn được phản ánh qua việc các công ty Đức được cổ phần hoá, nhiều phim được hợp tác sản xuất quốc tế và những phim lớn được tài trợ. Đóng góp của Đức cho thị trường phim quốc tế được đảm bảo bởi những nhà sản xuất như Bernd Eichinger cũng như các đạo diễnWolfgang Peterson và Roland Emmerich - những người đã tạo lập được chỗ đứng ở Hollywood.

Các rạp chiếu phim, liên hoan phim và tài trợ điện ảnh. Năm 1999, khoảng 1.180 rạp chiếu phim ở Đức với xấp xỉ 4.650 phòng chiếu đã phục vụ hơn 1.490 triệu lượt người. Số khán giả xem phim ngày càng đông là nhờ điện ảnh Đức phát triển mạnh. Đầu tư vào rạp chiếu phim Đức ở mức cao chưa từng thấy : Việc xây dựng các rạp chiếu phim liên hợp với sự đầu tư của các tập đoàn truyền thông và các doanh nghiệp quốc tế kể từ đầu những năm 1990 đang làm thay đổi về cơ bản quang cảnh các rạp chiếu phim Đức. Tại nhiều thành phố, các trung tâm giải trí đa năng này - đặc biệt được giới trẻ đón nhận - đang thay thế các rạp chiếu bóng truyền thống.

Nhiều liên hoan phim được tổ chức tốt và có ảnh hưởng rộng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập chỗ đứng cho phim Đức trên thị trường nội địa cũng như tạo uy tín ở nước ngoài.

Diễn đàn quan trọng nhất cho phim ảnh là Liên hoan phim quốc tế ở Berlin (liên hoan "Berlinale"), ra đời năm 1951, một trong những liên hoan phim có ý nghĩa nhất châu Âu bên chạnh các liên hoan Cannes và Venice, và nhờ đó trở thành một trong những địa điểm giao lưu đáng kể của giới nghệ sĩ điện ảnh và sản xuất phim. Ngoài ra, các liên hoan phim ở Mannheim, Oberhausen và Leipzig cũng có vị thế quốc tế, và cả các liên hoan phim và liên hoan định hướng chuyên sâu ở Hof, München, Lübeck, Hamburg, cũng như các thành phố khác cũng vừa đặt các phim nội địa vào bối cảnh điện ảnh quốc tế, vừa đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật điện ảnh và sự ổn định kinh tế.

Tuy vậy, mặc dù có những thành công mà điện ảnh Đức đã lại đạt được, lịch chiếu phim tại các rạp vẫn bị những bộ phim được sản xuất và tiếp thị công phu của Mỹ thống trị - do Đức là thị trường quan trọng nhất của Hollywood ở châu Âu. Bên cạnh đó, các rạp chiếu phim phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía truyền hình và các phương tiện truyền thông khác - đặc biệt với các dịch vụ giải trí ngày càng đa dạng của truyền hình tư nhân cũng như truyền hình cáp và vệ tinh, truyền hình trả tiền và video. Mặt khác, ngày nay, nhiều phim truyện nhựa được hợp tác sản xuất với các đài truyền hình.

Thực trạng này đòi hỏi công nghiệp điện ảnh phải có sự cân bằng. Củng cố quyền của các nhà sản xuất phim độc lập là một điều kiện cần thiết để khuyến khích phim nội địa, nhiệm vụ mà chính quyền Liên bang đã đặt ra cho mình trong khuôn khổ một chính sách văn hoá và kinh tế hiện đại. Năm 1999, một "Liên minh cho điện ảnh " được thành lập nhằm cùng tất cả các cơ quan cải thiện tình hình pháp lý, cơ cấu và tài chính của điện ảnh Đức. Việc củng cố nền điện ảnh Đức và ảnh hưởng quốc tế của nó cũng đồng thời có nghĩa là mở rộng vị thế của điện ảnh Đức ở châu Âu, và vị thế của điện ảnh châu Âu nói chung. Đây chính là mục tiêu của Viện làn lâm điện ảnh Pháp-Đức, thành lập năm 2000.

Tiền từ công quỹ được dùng để bảo vệ tài sản văn hoá điện ảnh trước sự cạnh tranh quá mạnh mẽ và thúc đẩy điện ảnh phát triển. Khoảng 350 triệu mác là tổng số tiền tài trợ cho điện ảnh Đức năm 1999. Số tiền này bao gồm trợ cấp văn hoá và kinh tế của chính quyền các bang và Liên bang cũng như khoảng 100 triệu mác của Cơ quan hỗ trợ điện ảnh Đức (FFA)1. Được thành lập bởi Luật hỗ trợ điện ảnh của Liên bang, FFA có nguồn thu từ những khoản nộp của các rạp chiếu phim, các đài truyền hình và ngành công nghiệp video. Số tiền này không chỉ dùng để hỗ trợ sản xuất phim, mà còn hỗ trợ cả các rạp chiếu phim. Những khoản tài trợ riêng từ các bang hay Liên bang được phân phối trước hết cho các mục đích xây dựng kịch bản, sản xuất, phát hành và chiếu phim.

Tâm điểm của tài trợ nhà nước cho văn hoá điện ảnh là Giải thưởng phim Đức, được trao cho những bộ phim Đức xuất sắc nhất kể từ năm 1951. Giải thưởng nêu bật những thành tựu riêng lẻ và trao các khoản tiền thưởng lớn cho các phim đặc biệt xuất sắc (có thể lên tới 1 triệu mác cho một giải vàng), số tiền sẽ dùng để sản xuất các bộ phim mới. Trong những năm gần đây, lễ trao giải thưởng phim Đức đã phát triển thành một ngày hội huy hoàng góp phần phổ biến phim Đức.


Theo De-Magazin.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000