Những bí mật về năng suất làm việc của người Đức

Những bí mật về năng suất làm việc của người Đức

Bất kể bạn đến từ đâu, có lẽ có hai điều mà bạn chắc chắn biết về người Đức: một, họ sản xuất ra những chiếc xe hơi tuyệt vời, và hai là họ làm được vô số điều khác.

1 1 Nhung Bi Mat Ve Nang Suat Lam Viec Cua Nguoi Duc

Trong bài viết đăng tải trên ứng dụng đọc sách Blinkist, tác giả Sandra Wu đã có những chia sẻ rằng người Đức sở hữu một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới nhưng họ lại dành thời gian ở văn phòng làm việc ít hơn hầu hết các thành viên khác thuộc EU.

Trung bình, người Đức chỉ đi làm 35 giờ một tuần và đi nghỉ mát 5 tuần mỗi năm. Nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn làm được lượng công việc nhiều hơn 70% so với người Hy Lạp.

Bạn có thể sẽ kinh ngạc vì con số đó - ban đầu tôi cũng vậy. Nhưng sau đó tôi bắt đầu làm việc tại Blinkist. Để bạn không bỡ ngỡ, Blinkist là một ứng dụng biến các cuốn sách hay về người thực việc thực thành những điểm nhấn nhanh và dễ hiểu, lấp đầy khoảng cách mà nhiều người cảm nhận được giữa thứ họ muốn học và thứ mà họ thực sự có thể dành thời gian cho. Tất cả những lời giải thích này là để nói rằng sự hiệu quả đã thấm nhuần vào văn hóa của Blinkist.

Tôi là người Canada, nhưng đội ngũ của chúng tôi bao gồm các thành viên đến từ hơn 14 quốc gia khác nhau. Trong thời gian làm việc ở đây, chúng tôi đều dần hiểu được một khía cạnh quan trọng trong văn hóa công việc của công ty: làm thế nào để làm việc như một người Đức. Năm ngoái, tôi đã được chứng kiến những đồng nghiệp người Đức làm việc cực kỳ hiệu quả của mình xử lý công việc thế nào.

Dưới đây là một số bí mật của họ:

1. Chỉ đi làm khi bạn có thể làm việc năng suất

Nếu bạn đến chỗ làm với một cái mũi bị nghẹt, bạn sẽ bị mời về nhà trong vòng một tiếng sau. Những người không phải người Đức có xu hướng cảm thấy có lỗi nếu xin nghỉ ốm, nhưng người Đức lại nhìn nhận việc đó theo cách khác - nếu bạn đi làm khi bạn không nên, bạn sẽ mất nhiều thời gian để khỏi ốm hơn, và bạn cũng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của các đồng nghiệp.

Tương tự, nếu bạn không thể làm việc năng suất, bạn nên về nhà nghỉ ngơi hồi sức lại thay vì làm thêm giờ. Triết lý này đã được giải thích một cách hết sức thông minh trong 7 thói quen của những người làm việc cực kỳ hiệu quả. Hãy tưởng tượng bạn là một cái cưa: nếu bạn dành cả ngày để cưa mà không nghỉ, công việc của bạn sẽ trở nên cẩu thả. Bạn cần thường xuyên mài sắc lưỡi cưa bằng cách rời văn phòng đúng giờ, nghỉ ốm khi cần, và đi nghỉ mát.

2. Đừng bị mắc kẹt trong thất bại

Bạn có bao giờ từng mắc lỗi trong công việc khiến bạn chán nản suốt nhiều ngày chưa? Có thể bạn đã mất thời gian kiểm soát thiệt hại cũng như giải thích với cấp trên, dẫn đến việc bạn nghi ngờ khả năng của chính mình. Một triết lý mà tôi nhận thấy các đồng nghiệp người Đức của mình đang thực hiện là họ không phí thời gian cho những việc họ không kiểm soát được.

Giám đốc điều hành của chúng tôi, Holger Seim, rất nổi tiếng ở một điểm này: bạn sẽ không bao giờ nghe thấy ông ấy thốt ra những từ như "sai lầm" hay "thất bại"; thay vào đó, ông ấy gọi những điều đó là "sự học hỏi." Một cuốn sách hay nói về việc xây dựng thái độ năng suất trước khó khăn là "13 điều những người có tinh thần thép không làm" của Amy Morin.

3. Làm việc để sống thay vì sống để làm việc

Người Bắc Mỹ thường bị chế nhạo khi nhận những công việc lương cao nhưng họ không thích thú, chỉ để trả tiền mua ô tô đắt tiền và mua căn hộ chung cư. Người Đức thì ở một thái cực hoàn toàn khác và có xu hướng sống theo một lối sống tinh gọn hơn. Chưa tới 20% dân số Đức sở hữu bất động sản, so với 80% ở Tây Ban Nha. Triết lý của họ là, "Tại sao phải thỏa hiệp sự tự do của bạn cho một thứ bạn không thể trả hết tới khi bạn về hưu?"

Kết quả là, họ có ít hóa đơn phải thanh toán hơn, và có thể rời chỗ làm và sống cuộc đời của mình sau một ngày làm việc (được lên thời gian hợp lý). Điều này kéo theo đó khiến họ làm việc có năng suất hơn rất nhiều. Để tránh rơi vào cuộc đua chen quyết liệt để làm nô lệ cho một lối sống bạn không đủ khả năng chi trả, hãy đọc cuốn Nghĩ và Làm giàu của Napoleon Hill.

4. Quá trình là tất cả

Đó là sự thực: Người Đức có xu hướng quan tâm tới quá trình nhiều hơn. Điều này cũng rất đúng ở công ty Đức khởi nghiệp của chúng tôi: Asana và Excel là những người bạn tốt nhất. Trước khi chúng tôi bắt đầu một dự án mới ở Blinkist, chúng tôi lập thời gian biểu, hồ sơ, các thước đo và các kế hoạch phòng hờ. Với những người thực dụng, điều này có thể dường như vô nghĩa.

Tuy nhiên, bắt tay vào công việc với một quá trình vững mạnh có thể giúp bạn dễ thở hơn khi bạn cần báo cáo về tiến độ, phân tích dữ liệu, quay lui hay bổ sung thêm một thành viên nữa vào nhóm. Bằng cách bỏ thêm vài tiếng đồng hồ sắp xếp mọi thứ đúng hướng ngay từ đầu, bạn sẽ giúp bản thân tránh được vô số vấn đề đau đầu trong những tháng sắp tới.

Vietnam+


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000