“Bi kịch” cận kề của Đức khi Covid-19 tăng cao số ca lây nhiễm trong 3 tháng

“Bi kịch” cận kề của Đức khi Covid-19 tăng cao số ca lây nhiễm trong 3 tháng

Các quan chức y tế Đức ngày 15/4 cảnh báo các bệnh viện tại nước này sắp đối mặt với tình trạng bi kịch nếu nước Đức không sớm phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn số ca nhiễm Covid-19 đang bùng phát và có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát.

Thông báo về tình hình dịch Covid-19 tại Đức trong buổi họp báo chiều ngày 15/4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại Đức đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi lãnh đạo 16 bang tại Đức nhanh chóng phong tỏa nghiêm ngặt các bang, chứ không đợi đến khi Nghị viện Liên bang Đức thông qua đạo luật cho phép chính phủ Đức áp đặt biện pháp phong tỏa bắt buộc trên toàn bộ lãnh thổ Đức.

1 1 Bi Kich Can Ke Cua Duc Khi Covid 19 Tang Cao So Ca Lay Nhiem Trong 3 Thang

Tình hình căng thẳng tại các bệnh viện Đức. Ảnh: DW.

Theo con số do cơ quan y tế Đức công bố, trong ngày 15/4, nước Đức ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là con số nhiễm mới trong ngày cao nhất tại Đức từ ngày 8/1/2021 và dự kiến, số ca nhiễm mới sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.

Số ca nhiễm bùng phát càng khiến tình hình tại các bệnh viện thêm căng thẳng. Hiện tại, Đức đang có khoảng 5.000 bệnh nhân Covid-19 phải điều trị cấp cứu tại bệnh viện và dự kiến con số này sẽ lên đến gần 6.000 vào cuối tháng này.

Điều đáng lo ngại nhất, theo Giáo sư Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan Liên bang phụ trách dịch bệnh của Đức, là số người nhiễm bệnh và nhập viện tại Đức đang ngày càng trẻ hơn, đa số là trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Ngoài ra, 90% số ca nhiễm hiện nay tại Đức là do biến thể virus B117 đến từ Anh gây ra, khiến nguy cơ lây lan càng trở nên đáng lo hơn.

Ông Lothar Wieler đánh giá, nếu không sớm hành động, các bệnh viện tại Đức sẽ sớm phải đối mặt với bi kịch:

“Tình hình tại các bệnh viện Đức đang trở nên bi kịch và còn tồi tệ hơn cả làn sóng dịch thứ hai. Điều rõ ràng bây giờ là phải ngay lập tức hành động, ở mọi cấp độ, đặc biệt là việc ra quyết định phải được thực hiện ngay lập tức. Mọi người cần phải hạn chế tiếp xúc, bẻ gãy chuỗi lây nhiễm và qua đó cứu sống sinh mạng và sức khỏe của mọi người”.

Nhận định tình hình dịch Covid-19 tại Đức sẽ còn nghiêm trọng trong thời gian dài, Bộ  trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng kêu gọi người dân Đức không nên lập kế hoạch du lịch hè quá sớm và nên ưu tiên các địa điểm du lịch trong nước hoặc tại châu Âu.

Đối với chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo hiện đã có khoảng 20% dân số Đức được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 nhưng với tiến độ tiêm chủng hiện nay, sớm nhất cũng phải đến quý III năm nay, nước Đức mới có thể hy vọng có được miễn dịch cộng đồng.

Nhằm khuyến khích người dân Đức đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19, chính phủ Đức chiều 15/4 ra thông báo cho biết nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chính thức tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca trong ngày hôm nay, 16/4./.

Quang Dũng/VOV-Paris


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000