Giảm phụ thuộc vào ô tô - Người Đức thấy hạnh phúc

Giảm phụ thuộc vào ô tô - Người Đức thấy hạnh phúcChâu Âu và Mỹ, Đức cũng như nhiều nước công nghiệp phát triển khác đang xuất hiện trào lưu mới: rời bỏ ô tô và sống yên bình ở ngoại ô.

Hầu hết các con đường tại quận Vauban, ngoại ô Freiburg, Đức, đều trưng biển cấm ô tô với những nhà hàng, cửa hiệu bố trí tiện lợi cho người đi bộ. Vauban, cộng đồng “ít ô tô” thí điểm hoạt động được gần ba năm nay đang đại diện cho một xu hướng mới ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Vauban, người dân vẫn được phép sở hữu ô tô nhưng phải đỗ xe ở hai gara lớn của quận với mức phí "trên trời" là 40.000 USD một năm. Ô tô cũng được phép chạy trên trục đường chính dẫn về Freiburg. Ước tính 70% số hộ dân không sở hữu ô tô và 57% trong số này bán xe để chuyển về Vauban sinh sống. Cô Heidrun Walter, một nhân viên truyền thông cho biết, “khi có xe ô tô, tôi luôn cảm thấy căng thẳng và giờ thì thật là hạnh phúc”.

Sở hữu ô tô là xu hướng chung của tầng lớp trung lưu từ Chicago (Mỹ) đến Thượng Hải (Trung Quốc). Các chuyên gia môi trường coi đây là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực giảm bớt khí thải nhà kính, nguyên nhân ấm lên toàn cầu. Tại châu Âu, lượng khí thải nhà kính từ xe ô tô chiếm tới 12% trong khi con số này ở khu vực đông đúc tại Mỹ có thể lên đến 50%. “Tất cả những phát triển của Mỹ sau Thế chiến II đều tập trung vào ô tô và điều này cần phải được thay đổi”, David Goldberg, đại diện tổ chức Giao thông cho nước Mỹ, nói.

Hiện các nước châu Âu như Anh, Đức, Italia có kế hoạch nhân rộng mô hình Vauban trên quy mô toàn quốc. Tại Mỹ, Cục Bảo vệ Môi trường đang phát triển mô hình cộng đồng “hạn chế xe cá nhân” và các nhà làm luật dự kiến tăng mạnh ngân sách cho phương tiện công cộng năm 2009. Mô hình Vauban có thể được áp dụng không chỉ cho các nước phát triển mà còn cả các nước đang phát triển nhằm giảm khí thải với khu vực ngoại ô được quy hoạch hợp lý và dễ tiếp cận phương tiện công cộng.

Đinh Giang (theo NYTimes).


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000