Du học "non"

Du học  # non # 11 tuổi, chị Hương đã cho con sang Nhật học ở một trường quốc tế dành cho học sinh tiểu học. Nhưng gần một năm trời, cậu vẫn không thể thích nghi và gần như không có bạn.



Hôm nào cậu cũng phải xách cơm hộp đến trường vì không quen đồ ăn Nhật. Cậu bé càng ít nói, thậm chí gầy hẳn đi...

Gia đình chị Hương, anh Duy có truyền thống Tây học từ thời ông thân sinh. Cha mẹ hai bên đều là những trí thức có tiếng ở TP HCM. Gia đình chị vẫn giữ nền nếp sinh hoạt một gia đình VN truyền thống nhưng mọi người đều chấp nhận một cách rất cởi mở lối suy nghĩ, cách giáo dục tiếp thu từ văn hóa phương Tây.

Lớn lên trong môi trường đó, chị Hương và anh Duy có nhiều thuận lợi trong việc học hành, nghiên cứu và cả hai đều đi học nước ngoài từ khi du học còn là một khái niệm khá xa vời đối với đại bộ phận thanh niên thời những năm 80. Bây giờ chị đã là một tiến sĩ hóa học, về VN làm việc và chăm sóc gia đình, còn anh là tiến sĩ Toán, vẫn miệt mài ở Nhật với những nghiên cứu mới.

Anh chị sinh đôi, được hai đứa con một gái, một trai. Tuy chỉ ra đời cách nhau 10 phút nhưng hai đứa lại ít có điểm chung. Cô chị luôn được người lớn trong nhà nhắc nhở về bổn phận làm chị nên càng lớn càng tỏ ra chu đáo, nhường nhịn và chững chạc. Cậu em thì thường được gọi là "con mèo ướt" vì tính tình yếu đuối hơn hẳn, mặc dù cả hai đứa đều được dạy phải sống tự lập từ nhỏ.

Năm 11 tuổi, với vốn tiếng Anh và tiếng Pháp khá nhuần nhuyễn được cha mẹ và ông bà dạy cho từ hồi bập bẹ, hai chị em lên đường du học. Cô chị sang Mỹ ở cùng gia đình một người bạn thân người bản xứ, cậu em sang Nhật với bố. Cô bé vào trường tiểu học, học cùng toàn bạn Mỹ nhưng nhanh chóng thích nghi, thậm chí ngay trong kỳ học đầu tiên đã xếp trong top học giỏi nhất lớp. Mọi hoạt động ngoại khóa như dã ngoại, văn nghệ, thể dục thể thao cô bé đều tham gia không ngần ngại và rất giỏi.

Đến kỳ nghỉ hè, gia đình người Mỹ mà cô bé đang chung sống chỉ việc đặt giúp vé máy bay và đưa cô ra sân bay rồi từ đó, cô bé lên đường sang Nhật thăm bố và em trai. Đến nơi quá cảnh, cô bé nhờ các cô tiếp viên tìm buồng điện thoại, gọi điện sang Nhật cho bố, báo rằng mình đang ở đâu, hẹn mấy giờ đón. Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt, cô bé không hề lúng túng, sợ sệt ở những nơi xa lạ, thậm chí còn biết nhờ người mua quà về cho mọi người.

Hè vừa rồi cô bé về VN nghỉ hè, được mẹ cho đi nghỉ mát cùng các bạn mẹ. Buổi sáng đầu tiên ở khu nghỉ mát, các cô, các bác nháo nhào vào toilet mượn khăn mặt, kem đánh răng của nhau vì lúc đi chuẩn bị không đủ. Trong khi đó, cô bé giở ba lô của mình ra, một túi nhỏ đồ dùng vệ sinh cá nhân có đủ từ khăn tắm đến kem chống nắng, không thiếu một thứ gì. Chị Hương bảo: "Con bé sống ở nước ngoài cũng học tập được nhiều điều, nhất là tính tự lập rất cao. Hồi mới sang, con bé kể có nhiều món ăn "ninh hầm và lõng bõng nước sốt trộn bơ, sữa..." không ăn quen nhưng đã ngồi vào bàn ăn là không kêu ca, phàn nàn, cố gắng tập ăn theo kiểu Mỹ".

Trái ngược lại với cô chị, cậu em mặc dù cũng thông minh, biết ngoại ngữ nhưng lúc nào cũng nhút nhát, khép kín trước người lạ. Sang Nhật sống cùng bố, sáng sáng được bố đưa đến trường quốc tế dành cho học sinh tiểu học, chiều đón về nhưng gần một năm trời mà cậu không hòa nhập được. Cậu gần như không có bạn, không ăn được đồ ăn Nhật, hôm nào cũng phải xách cơm hộp đến trường. Cuối cùng, anh Duy, chị Hương phải đưa cậu về VN, để cậu lớn đã rồi mới tính chuyện cho đi học ở nước ngoài.

Sau những chuyện này, chị Hương rút ra kinh nghiệm: "Tôi nghĩ với một số trẻ có điều kiện và có khả năng thì việc đi du học từ khi còn ít tuổi cũng là một hướng đi tốt. Tuy nhiên, như hai đứa con của tôi đấy, cùng một môi trường nuôi dạy, một trình độ học vấn như nhau nhưng xét về mặt tâm lý thì chỉ có con bé là sẵn sàng cho việc xa nhà và hòa nhập vào một môi trường sống mới".

Hiện ở VN có khá nhiều Trung tâm, công ty tư vấn du học giới thiệu những trường tư thục nước ngoài từ cấp 1, cấp 2. Có không ít gia đình giàu có sẵn sàng đầu tư cho con ngay từ bậc học này, nhưng sau khi nghe lời khuyên của tư vấn viên đã thay đổi ý định.

Anh Hưng, một kiến trúc sư đang làm tư vấn cho một tập đoàn hóa mỹ phẩm liên doanh nước ngoài tại Hà Nội, tự nhận là mình "rất máu" cho thằng bé con 15 tuổi đi học ở Anh, nơi anh từng học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Người nhà ở Anh cũng sẵn sàng đón cháu bé qua học. Nhưng khó một nỗi, thằng bé con anh là cháu đích tôn của cả họ, đẻ ra đã được nội, ngoại cưng chiều như trứng mỏng, tính tình cũng vì thế mà hay dựa dẫm, phách lối nhưng đi ra ngoài thì nhát như thỏ đế, chưa kể đến việc mặc quần áo, đánh răng rửa mặt vẫn phải nhờ mẹ, nhờ bà. Nghe chuyên viên tư vấn xong, anh Hưng đành tạm hoãn giấc mơ cho con du học vì biết con mình chưa đủ lớn về nhiều mặt.

Theo Kiều Oanh, chuyên viên tư vấn du học công ty Atlantic, đặc điểm của trẻ em VN là sống gần gũi với gia đình và sinh hoạt độc lập rất muộn. Bởi vậy, nếu phải sống tách khỏi gia đình quá sớm, các em có khả năng bị sốc. Hiện nay, xu hướng cho con em đi du học từ khi 14-15 tuổi tăng mạnh và hấp dẫn nhiều người có tiền nhưng các bậc phụ huynh nên nhìn một cách thực tế vào tính cách, tâm lý của các em trước khi quyết định cho đi du học hay không.

Như trường hợp hai đứa con của anh Duy, chị Hương vừa đề cập ở trên, khi nghe bố mẹ nói đến chuyện đi nước ngoài học tập, chỉ có cô chị là hào hứng còn cậu em "mèo ướt" thì tỏ ra rất lo lắng. Dù biết con trai chưa muốn đi học xa, anh chị Hương nghĩ đơn giản là cứ cho sang Nhật rồi cậu bé sẽ thích nghi dần dần. Nhưng rồi biện pháp mang tính "áp đặt" đó của anh chị đã không có hiệu quả. Viết thư về cho mẹ, cậu bé than thở: "... Con không có bạn chơi, cũng không biết ăn những thứ các bạn ấy ăn được. Con không thích ở đây... Mẹ cho con về với mẹ đi!".

Sau khi trao đổi với giáo viên phụ trách lớp học của con trai, anh Duy mới biết do nhút nhát nên cậu bé rụt rè không dám bày tỏ những mong muốn với cô giáo hoặc người có trách nhiệm mà lặng lẽ tự giải quyết, không được thì chịu đựng. Một thời gian như vậy, cậu bé càng ít nói, thậm chí sút cân, phải đưa về VN cho mẹ... lấy lại tinh thần.

Theo Kim Chi, chuyên viên tư vấn Công ty du học Quốc Anh, một trong những biện pháp chuẩn bị tốt nhất cho các em trước khi đi du học hiện nay là cho các em tham gia những tour du học hè. Chi phí cho mỗi tour từ 1.300 đến 2.700 USD tùy theo thời gian (2-6 tuần) hoặc nơi đến (hai địa điểm hút khách nhất hiện nay là Singapore và Mỹ). Các em sẽ được đi theo đoàn khoảng 30-40 em, tham quan, học tiếng Anh, giao lưu trại hè với học sinh các nước khác, dưới sự quản lý của những người phụ trách có kinh nghiệm. Học sinh sẽ được sắp xếp ở chung trong ký túc xá hoặc ở nhà dân (home stay). Quãng thời gian ngắn này là bước đệm cho các em làm quen với môi trường sống mới, nơi rất có thể các em sẽ quay trở lại học tập lâu dài.

Sau những tour như vâỵ, hầu hết các em học sinh đều tỏ ra tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Các em tự học được một số kỹ năng quan trọng để có thể sống độc lập như trẻ em phương Tây, điều mà ở VN thường phải ở lứa tuổi lớn hơn nhiều các em mới có. Các em sẽ làm quen với những món ăn lạ, những nét văn hóa và tập quán mới... tất cả sẽ rất bổ ích để giúp các em tránh được những cú sốc tâm lý khi đi du học thật sự.

Thực ra, trẻ em đi du học từ khi còn nhỏ tuổi có nhiều thuận lợi hơn những anh chị của chúng rất nhiều vì không phải chịu sức ép của việc tự kiếm tiền trang trải chi phí cho cuộc sống, áp lực về việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như ảnh hưởng của nhiều tệ nạn nơi đất khách... Trẻ em khi đã được chuẩn bị tốt về tinh thần, du học sẽ thích nghi với cuộc sống mới rất nhanh chóng, có điều kiện phát huy hết khả năng và hoàn thiện nhân cách.

Theo HNM.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC