Du học sinh làm thêm xứ người

Du học sinh làm thêm xứ ngườiBan đầu, ai cũng tưởng nhổ bắp cải ngon ăn lắm. Nhưng khi bắt tay vào việc mới biết không đơn giản chút nào. Sức trai khỏe mạnh là thế mà cũng phải mất gần chục phút mới nhổ được một chiếc bắp cải. Mười đầu ngón tay ửng đỏ, nhưng lúc đó không ai cảm nhận được cái đau vì đã bị tê cóng bởi tuyết lạnh và giá rét. Có bạn gái không chịu được bật khóc nức nở.
Khác với ngày thường, hôm nay Minh Tuấn, du học sinh VN tại Hà Lan thức dậy khá sớm. Quần áo nai nịt gọn gàng, quấn thêm chiếc khăn len, xỏ chân vào đôi ủng giá 2,5 euro, trông cậu lúc này giống như một nông dân thực thụ.

Mặc dù sang Amsterdam đã được gần hai năm rưỡi nhưng vì nhiều lý do riêng, Tuấn chưa một lần được về thăm nhà. Vào các kỳ nghỉ trong năm, khi bạn bè rủ nhau về VN thì cậu và một số sinh viên khác ở lại tranh thủ làm thêm để kiếm sinh hoạt phí. "Hai năm rưỡi đi du học tôi đã ngốn của gia đình hàng chục nghìn đô la. Mỗi lần đến kỳ nộp học phí, tôi thường chần chừ rất lâu mới dám gọi điện về cho bố mẹ. Vì sau cú điện thoại đó, tôi biết mọi người trong gia đình tôi sẽ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để gửi tiền sang. Với khả năng hiện giờ, tôi chỉ có thể tiết kiệm chi tiêu và tích cực làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình", Tuấn tâm sự với Gia Đình Xã Hội.

Hà Lan cũng như hầu hết các quốc gia châu Âu khác đều không cho phép du học sinh nước ngoài đi làm thêm tại các công ty, doanh nghiệp. Chính vì vậy, Tuấn và các bạn của cậu không còn cách nào khác phải đi làm chui tại những nông trang cách thành phố họ ở vài trăm cây số.

Công việc được phân định theo từng mùa, phổ biến nhất là thu hoạch lê, táo, khoai tây, bắp cải, hoa... với thù lao 10 euro/giờ. Công việc nặng nhọc, không chỉ có đám con gái vừa làm vừa quệt nước mắt, đám con trai cũng cắn chặt môi để nuốt nước mắt vào trong. Khóc không phải vì ngại khó mà vì đột nhiên thấy tủi thân, nhớ gia đình và bố mẹ khủng khiếp.

Khác với Minh Tuấn, Anh Thư, hiện du học tại Munich (Đức) không phải bận tâm nhiều đến tiền bạc. Gia đình thừa sức nuôi ăn học nhưng phải tự lập là ý nghĩ đầu tiên của Thư khi vừa đặt chân lên thành phố cổ này. Chuyện gì cũng phải tự lo, cô bạn cảm thấy mình chững chạc lên nhiều. Sáng đi học, chiều làm part-time, công việc gối công việc đã làm Anh Thư vơi bớt nỗi nhớ nhà và nhớ mẹ.

Một ca làm việc 4 giờ/ngày, Anh Thư được nhận khoảng 20 euro (chưa kể làm việc cả ngày vào hai ngày cuối tuần), một món tiền có thể là nhỏ so với thu nhập của nhiều người trong 3 tháng nhưng lại quá đủ với Thư, vì chỉ cần làm việc cật lực trong 3 tháng là Thư có thừa tiền vé máy bay khứ hồi về VN mà không cần xin viện trợ của gia đình.

Ở nhiều thành phố thuộc CHLB Đức, du học sinh VN gặp nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm thêm. Vân Anh, một người bạn của Anh Thư tự nhận mình là người có khả năng động và chịu khó nhưng vẫn không sao kiếm được công việc ưng ý. Có một lần, bạn bè rủ về nông thôn để... vặt lông gà cho một dây chuyền sản xuất gà đông lạnh... Tiền công cũng khá cao, khoảng 7 euro/giờ làm cho ai cũng hừng hực khí thế. Nhưng khi đối diện với một đám gà giãy đành đạch vì bị nhúng nước sôi thì chẳng ai nỡ vặt lông chúng vì trông... thương quá.

Trang trại lại không sắp xếp chỗ ăn ngủ nên nam cũng như nữ đều phải chui vào túi ngủ nằm lăn lóc trên nền cỏ khô. Sau lần đầu bất thành, Vân Anh tiếp tục "thử sức" với việc vắt sữa bò, thu hoạch hoa, làm ở tiệm giặt... nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm được công việc như mong muốn. Vân Anh cho biết sẽ còn tiếp tục kiếm việc để dành tiền đi du lịch bởi bạn không chỉ muốn mang về VN tấm bằng tốt nghiệp mà còn muốn thu nhặt cho mình kho kiến thức phong phú của nền văn hóa châu Âu.

Có nhiều lý do để những giọt mồ hôi VN rơi trên đất khách. Nhưng một điều chắc chắn rằng những giọt mồ hôi ấy nhỏ xuống không hề vô nghĩa bởi đó chính là thước đo ý chí cầu tiến và bản lĩnh trẻ. Không chỉ có vậy, đôi khi chúng còn chở nỗi nhớ quê hương và khát vọng trở về của những người con xa xứ.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC