Du học: Đi tăng, liệu về có giảm?

Du học: Đi tăng, liệu về có giảm?Sau khi tốt nghiệp bên trời Tây, nhiều người do dự khi nghĩ đến việc đổi chất xám bằng một mức lương thấp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải tất cả bạn trẻ đều suy nghĩ như thế.

Nhiều con đường để ra đi

Theo thống kê, hằng năm nhà nước cấp khoảng 300 suất học bổng du học Anh, Đức, Hà Lan, Ấn Độ... bằng ngân sách với đủ các bậc học từ trung học cho đến ĐH và sau ĐH. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) còn thực hiện 14 chương trình phối hợp đào tạo tiến sĩ, 3 chương trình đào tạo ĐH theo đề án 322...

Chỉ tính riêng năm 2005, những đề án phối hợp đào tạo này đã tuyển thêm gần 300 ứng viên tham gia.

Đó là chưa kể đến học bổng liên kết giữa các bộ, ban ngành của Việt Nam với các nước, các chương trình trao đổi văn hóa Pháp, Mỹ... kết hợp với những chương trình du học tự túc được giới thiệu đa dạng như hiện nay đã nâng số du học sinh (DHS) lên cao.

Qua điều tra, khảo sát sơ bộ của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, phòng xuất nhập cảnh, lãnh sự quán... thì số lượng DHS Việt Nam tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây và tập trung chủ yếu ở các nước như Singapore, Úc, New Zealand...

Cũng từ kết quả này cho thấy, TPHCM và Hà Nội là 2 trung tâm có số lượng DHS tham gia học tập tại nước ngoài đông nhất.

Riêng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM, mỗi năm có khoảng 100 học sinh thi tuyển và nhận được học bổng du học, gần 50 học sinh tham gia các chương trình trao đổi văn hóa và hàng trăm học sinh du học bằng con đường tự túc mà nhà trường chưa thống kê hết...

Đến hành trình trở về

Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lo ngại: "Với những học sinh đi du học theo diện trao đổi văn hóa khi chưa hoàn thành bậc THPT, ở lứa tuổi đó các em chưa chuẩn bị cho mình sự ổn định về tâm lý tiếp nhận. Do đó, khi tham gia những chương trình này, chắc chắn các em sẽ hấp thụ nền văn hóa - chính trị khác nhau. Điều này có mặt không tốt của nó".

Tuy nhiên, theo một cán bộ tại Viện Chiến lược giáo dục thì bắt đầu từ năm 2000 trở lại đây, DHS tự ý thức rằng việc quay trở về luôn là sự lựa chọn ưu tiên.

Điều này chứng tỏ tinh thần và trách nhiệm xây dựng đất nước của DHS cũng như sự phát triển của môi trường làm việc trong nước đã thu hút được chất xám, dù là làm việc ở công ty trong nước hoặc công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược bài bản, đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách giáo dục, chú trọng đầu tư vào các ngành trọng điểm, phát triển du học tại chỗ, liên kết đào tạo với giáo dục các nước trên thế giới, nâng cấp các trường ĐH sao cho tương đương với mặt bằng trong khu vực.

Mặt khác, chúng ta cũng phải quản lý nghiêm túc các trung tâm tư vấn du học, có hoạt động định hướng cho phụ huynh học sinh nên học ngành nào khi đất nước còn thiếu và học ở trường nào thì có chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Nếu như chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nên chăng chúng ta thành lập cơ sở dữ liệu về những DHS, những chuyên gia có uy tín để khi đất nước cần tăng cường lĩnh vực nào, sẽ biết phải tìm họ ở đâu.


Theo Bích Thanh
Thanh Niên

 

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC