Chàng trai Việt là 1 trong 10 SV xuất sắc nhất tại Đức: Đừng chọn nghề chỉ vì xu thế

Chàng trai Việt là 1 trong 10 SV xuất sắc nhất tại Đức: Đừng chọn nghề chỉ vì xu thế

Là một trong 10 sinh viên xuất sắc nhất tại Đức năm 2013, giành giải thưởng người Việt Nam tiêu biểu tại CHLB Đức của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Đức, chàng trai 8X Nguyễn Anh Ngọc cho rằng hãy chọn học và làm những gì bạn thực sự yêu thích, đừng chọn nghề chỉ vì xu thế.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1985 tại Hà Nội) còn là 1 trong 2 thủ khoa ngành Nha khoa năm 2013 tại Đại học Tổng hợp Hamburg, Đức.

Đây là kết quả không hề dễ dàng ngay với cả sinh viên gốc Đức, nhất là trong lĩnh vực y khoa với quá trình đào tạo cực kỳ khắc nghiệt.

1 1 Chang Trai Viet La 1 Trong 10 Sv Xuat Sac Nhat Tai Duc Dung Chon Nghe Chi Vi Xu The

Anh Nguyễn Anh Ngọc là một trong 10 sinh viên xuất sắc nhất của Đức năm 2013.

12 năm sống và làm việc tại Đức, mới đây, anh Nguyễn Anh Ngọc đã quyết định trở về nước. Hiện anh là giám đốc chuyên môn của một trung tâm nha khoa đạt tiêu chuẩn Đức tại Hà Nội. Là người “ra đi” và cũng là người “trở về”, anh Ngọc cho rằng mục đích cuối cùng của cuộc sống mỗi người là sống ở đâu mình thấy hạnh phúc.

Anh và rất nhiều du học sinh khác, sau khi học và làm việc một thời gian dài ở nước ngoài lại quyết định trở về nước. Anh có thể nói gì về sự trở về này?

Anh Nguyễn Anh Ngọc: Có lẽ có một điểm chung của tôi và nhiều bạn là sau khi làm việc một thời gian ở nước ngoài với điều kiện, chất lượng cao hơn thì đều có mong muốn những cách thức, tiêu chuẩn đó có thể về Việt Nam. Đó là một mong mỏi, nhu cầu hướng về quê hết sức bình thường của con người.

Mục đích cuối cùng của cuộc sống là ở đâu mình thấy hạnh phúc và với tôi, tôi tự trả lời được là cuộc sống ở Việt Nam làm mình hạnh phúc và cảm thấy có ý nghĩa. Cuộc đời là một chuyến đi nhưng chuyến đi nào cũng phải có một đích đến và tôi chọn đích đến là nơi mình sinh ra và lớn lên, chọn quay về để tiếp tục hành trình của cuộc đời.

Liệu anh có những lo lắng, ái ngại khi trở về nước làm việc? Theo anh, bên cạnh những khó khăn thì du học sinh trở về có những lợi thế như thế nào?

Có chứ, tôi cũng lo không biết cách làm việc của mình ở Đức có phù hợp với quê nhà hay không. Ban đầu, chưa nắm rõ những cách thức làm việc, giấy tờ thủ tục nên cũng có phần lúng túng, khó khăn… Đó có thể là những điều làm chúng ta dễ bực mình nhưng vẫn nằm trong khả năng có thể thể thích nghi được.

Với du học sinh, họ có lợi thế về mặt ngoại ngữ nên dễ dàng tiếp cận được thông tin, kiến thức và tiến bộ trên thế giới. Với một thế giới phẳng như bây giờ, đây là một lợi thế rất lớn.

Trong mỗi con người, ai cũng có khát khao làm được gì đó cho quê hương, cộng đồng thì với du học sinh đã có thời gian học và làm việc ở nước ngoài, khát khao này càng lớn. Điều này thôi thúc họ trở về mang theo khát khao đó…

Khi trở về, anh có có nhìn thấy đã rất nhiều người đi – trở về – rồi lại đi? Tôi thấy hình như có nghịch lý ở đây, về vì quê hương và biết rõ quê hương còn rất nhiều hạn chế về môi trường, điều kiện, chế độ đãi ngộ… nhưng nhiều người lại ra đi cũng vì lý do này?

Nhiều du học sinh sau khi quay trở lại Việt Nam thường có nhiều mong đợi, như là mong đợi được đối đãi tốt, được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp… Nhưng sau đó bị thất vọng do môi trường sống, môi trường làm việc khác biệt, nhiều người không vượt qua được điều đó nên họ chọn con đường tiếp tục ra đi. Với tôi, đây cũng là điều hết sức bình thường.

1 2 Chang Trai Viet La 1 Trong 10 Sv Xuat Sac Nhat Tai Duc Dung Chon Nghe Chi Vi Xu The

Anh Ngọc đi thiện nguyện trong nhiều tỉnh thành cả nước.

Nếu ở lại nước ngoài làm việc thì cuộc sống của tôi có phần an nhàn, hưởng thụ hơn, công việc ổn định, môi trường sống tốt với nhiều phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, nếu là cơ hội để start up một điều gì đó mới mẻ, thể hiện được khát khao của mình thì khó khăn hơn. Việt Nam – nơi tôi sinh ra là đất nước đang phát triển, nhiều khó khăn thách thức nhưng đi kèm đó cũng nhiều cơ hội hơn, “nhiều đất” hơn để phát triển cá nhân và cả sự nghiệp.

Như bản thân tôi, dù có là gì đi nữa nhưng không thể về Việt Nam đòi hỏi sẵn những tiêu chuẩn, điều kiện làm việc trong y khoa, chế độ như ở Đức mà hiểu rằng mình phải góp phần thực hiện điều đó. Tôi là một người rất mê phượt, đi rất nhiều tỉnh trong cả nước, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, qua đó càng hiểu rằng, đất nước mình còn nghèo.

Sự thay đổi đến ở người trẻ. Thay vì về nước tìm kiếm một môi trường như ở nước ngoài – điều rất khó – thì tôi, bạn sao không tự xây dựng cho mình và người khác một môi trường làm việc như mình mong muốn? Tại sao chúng ta không phải là người tiên phong thay đổi thay vì trông chờ vào những thứ có sẵn?

Công dân mạng trong nước vẫn hay nửa đùa nửa thật nói với nhau “người tài bị trù dập”, thật ra là nhắc đến hiện tượng “chảy máu chất xám”. Là người khẳng định mình được ở xứ bạn, giờ trở về và đang ở lại, anh nghĩ thế nào về điều này?

Về việc người tài bị trù dập, theo tôi đó là hiện tượng đơn lẻ, nơi nào cũng có thể có. Không thể vì thế mà mình ngừng nỗ lực, cố gắng, cống hiến… Nếu có sự hòa nhập tốt với môi trường, với đồng nghiệp thì chuyện đó sẽ ít xảy ra vì bây giờ ở đâu cũng cần người tài.

Bạn không thể đòi hỏi sự đãi ngộ đặc biệt hơn khi bạn chưa có đóng góp gì cho tổ chức, tôi tin là cứ có đóng góp nổi bật đi thì sẽ không có sự thua thiệt.

Đối với chảy máu chất xám, thật ra đây là vấn đề chung của các nước đang phát triển, không riêng gì Việt Nam. Nhìn nhận trên góc độ rộng hơn, theo tôi không hẳn là chất xám đang bị chảy máu, chỉ là sự lựa chọn đóng góp tài năng ở đâu phù hợp với cá tính, điều kiện của từng người. Có thể môi trường đó, hoàn cảnh đó hợp với người này nhưng với người kia thì không. Và mọi sự đóng góp thì ở đâu cũng có giá trị và đáng trân trọng.

Trên hành trình của mình, rất nhiều bạn trẻ đi tìm và đau đáu chạy theo với cụm từ “thành công”. Là một người đi trước, với anh thành công là như thế nào?

Trước khi qua Đức học về Y khoa, tôi thi đỗ vào ĐH Kiến trúc và theo học 6 tháng. Thậm chí, sau khi qua Đức, những năm đầu tiên chủ yếu là học lý thuyết nên tôi cũng mơ hồ, không biết rằng mình có thích ngành Y này hay không.

Nhưng sau buổi đầu tiên được chữa trị trực tiếp trên bệnh nhân, tôi đã về nhà bán hết toàn bộ bộ sưu tập máy ảnh trị giá 4.000 Euro của mình để mua thiết bị chữa trị y tế. Đó chính là lúc tôi biết rất rõ mình đã tìm thấy niềm đam mê lớn nhất của đời mình.

Mình có thể thực hiện đam mê của mình, với tôi, đó là thành công. Thành công với mỗi người không giống nhau nhưng theo tôi, hãy chọn học và làm những gì bạn thực sự yêu thích, đừng chọn nghề chỉ vì xu thế, vì bố mẹ.

Hãy chọn vì bạn có đam mê với lĩnh vực đó và không ngừng theo đuổi, trên hành trình theo đuổi đó có thể thất bại. Nhưng đó là chìa khóa thành công của mỗi người.

Trân trọng cảm ơn anh đã có những chia sẻ thú vị!

Hoài Nam (thực hiện)/Dantri


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC