Tâm sự về chuyện làm thêm của du học sinh Đức

Tâm sự về chuyện làm thêm của du học sinh Đức

Bài này mình viết cho 1 forum chuyên ngành cách đây hơn 3 năm rồi, hồi đó còn là sv nên cũng chịu khó tìm hiểu các việc làm thêm. Thông tin có thể hơi thiếu cập nhật và chưa đầy đủ vì chỉ tích cóp từ kinh nghiệm cá nhân, và đã lâu mình không phải đi làm thêm nữa nên các mức lương nêu ở dưới có lẽ đã thay đổi một chút.

1 1 Tam Su Ve Chuyen Lam Them Cua Du Hoc Sinh Duc

Nhưng mình vẫn hy vọng có thể giúp ích phần nào cho các bạn sv khi suy xét tìm việc làm thêm. Rất mong các bạn khác có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ vào bổ sung, chia sẻ, bàn luận.

Tôi sẽ liệt kê một số việc sinh viên thường hay làm dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những thu thập qua bạn bè, tất nhiên không thể đầy đủ 100% nhưng hy vọng có thể cho các bạn một cái nhìn bao quát về công việc của sinh viên (ở Đức). Tôi sẽ cố gắng sắp xếp thứ tự theo độ “hot” của việc

1. Những việc được coi là “dễ xin” nhất: giúp việc trong quán ăn của người Việt, làm việc trong các cửa hàng fastfood như McDonald, làm công nhân trong công xưởng… Những việc này có mức lương thấp nhất, ưu đãi ít nhất, nhưng lại dễ xin được nhất vì các hàng quán hay công xưởng thường xuyên cần người và thay đổi nhân công.

Sinh viên thường xin những việc này theo kiểu làm fulltime trong 2,3 tháng. Vì ở Đức có sự chênh lệch mức sống giữa miền Đông và miền Tây nên sinh viên ở phía Đông còn có thói quen đổ xuống các thành phố phía Tây vào kỳ nghỉ để tìm việc, thuê chung nhà giá rẻ, công việc thường là làm trong các xưởng sản xuất đồ ăn, đồ tiêu dùng, đặc biệt thích hợp vào mùa công nhân nghỉ phép và các hãng cần nhân công thay thế tạm thời. Khi quay lại học kỳ, số tiền kiếm được có thể đáp ứng được chi tiêu cơ bản của vài tháng sau.

Các việc tương tự như trên cũng có thể được làm theo chế độ parttime, mỗi tuần đi làm 2-3 buổi, tháng nào kiếm được tiền tiêu cho tháng đó. Nếu làm việc theo cách này thì sinh viên học Bio và các ngành thực nghiệm sẽ thiệt thòi hơn các ngành khác. Công việc thường đòi hỏi sinh viên phải để dành được 2-3 ngày cố định trong tuần để đi làm, đối với dân Bio thì mỗi khi có thí nghiệm sẽ chịu hẳn vì sẽ mất khoảng 1 tháng dí mũi vào lab từ sáng đến chiều -> mất việc.

1 2 Tam Su Ve Chuyen Lam Them Cua Du Hoc Sinh Duc

Nhược điểm: có thể nặng nhọc với người sức khỏe yếu, lương thấp, làm cả ngày sẽ thấy cực kỳ chán, đầu óc mụ mị, không có ưu đãi gì, môi trường làm việc khá khó chịu vì chủ yếu phải tiếp xúc với những tầng lớp kém học thức. Ưu điểm: tuy lương thấp nhưng thời gian làm việc nhiều -> tổng thu nhập nhiều. Công việc đơn giản, chủ yếu là làm chân tay, đầu óc không phải suy nghĩ gì, trách nhiệm ít. Giả sử trong công xưởng nhiều lúc 8 tiếng đồng hồ chỉ có mỗi việc đứng buộc nơ và chat chit với nhau

Việc làm loại này có thể đẩy lên mức cao ở những công ty lớn, cần lao động khéo tay như lắp ráp máy móc điện tử. Lương ở những công ty này có thể rất cao (> 10Euro/h) khiến cho công việc trở thành cực kỳ “hot” và khó xin, nếu làm 2-3 tháng có thể kiếm đủ tiền cho cả năm.

Tương tự như vậy, các việc làm theo thời vụ cũng rất đáng quan tâm. Ví dụ như làm ở các Messe hay dịp Oktoberfest. Việc tuy nặng nhưng lương cao và có thể giúp sv chi trả sinh hoạt trong thời gian kha khá.

2. Việc văn phòng: thường gặp nhất là giúp việc văn phòng trong trường. Việc này hợp với những sinh viên được bố mẹ chu cấp, chỉ cần kiếm thêm tiền, mỗi tuần chỉ cần làm 1-2 buổi.

Nhược điểm: thời gian làm việc ít –> thu nhập ít, công việc buồn tẻ, muốn xin việc cần có khả năng ngoại ngữ tốt, thành thạo các software nhất định Ưu điểm: nhàn, công việc “sạch sẽ”, môi trường academic dễ chịu, lương tương đối tốt (8-9Euro/h)

3. Một số việc parttime khác: thời gian làm giống như đã miêu tả ở phần 1, nhưng những việc như làm thu ngân trong siêu thị, bán hàng (bánh, đồ ăn, quần áo…) có thu nhập cao hơn 1 chút (8-9Euro/h), tất nhiên trách nhiệm cũng cao hơn và phải tập trung hơn vì liên quan đến tiền nong, ngoại ngữ phải tốt và phải có khả năng giao tiếp nếu làm bán hàng.

1 3 Tam Su Ve Chuyen Lam Them Cua Du Hoc Sinh Duc

4. Những công việc “quái đản”: Loại việc này thường có lương cao (>9Euro/h) nhưng đòi hỏi những tố chất đặc biệt, ví dụ như thần kinh tốt, không sợ bẩn…

Có người bạn của tôi làm việc… ngủ qua đêm với những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh sợ cô độc, có người trực đêm trong bệnh viện, dọn dẹp các nhà dưỡng lão… Nếu không gặp vấn đề gì về mặt tinh thần thì những việc kiểu này khá được ưa chuộng nhưng không dễ kiếm.

5. Việc “hot”: tất nhiên thu nhập phải cao (>10Euro/h), thời gian làm việc linh hoạt. Một số việc thuộc nhóm này: làm phục vụ bàn cho restaurant, bán hàng trên tàu hỏa (tiền boa thu được có thể rất nhiều)… Những việc này muốn xin được phải qua phỏng vấn, thử việc, và khi xin được một lần thì sau này sẽ dễ xin được những việc khác. Kiểu công việc này nếu không vì lý do chính đáng thì ít ai xin nghỉ mà sẽ cố gắng bám trụ.

Công việc này đòi hỏi phải có khả năng thích ứng tốt, có trách nhiệm, phải học kỹ năng làm việc, giữ được quan hệ tốt với đồng nghiệp và boss.

6. Công việc liên quan đến chuyên môn (~Werkstudent): Làm cho các công ty chuyên ngành, ví dụ dân Bio làm việc cho Roche, Qiagen; dân IT làm cho IBM, SAP; dân banking làm cho Deutsche Bank… Những việc này thông thường được trả lương cao (~10Euro/h) và cực kỳ có lợi cho tương lai nên sinh viên phải có thành tích thật tốt, trải qua phỏng vấn, thử việc giống như xin việc thật sự sau khi ra trường. Những việc này thường cho sinh viên ở các năm sau và thường rơi vào tay những người excellent. Một số hãng lớn như IBM, SAP có thể trả lương từ 900-1200Euro/tháng, các nhà băng thậm chí trả gần 2000 (nhưng các hãng liên quan đến Bio như Roche, Berna.. chỉ trả có 300)

Tôi nhớ cách đây vài năm, có 1 việc khá nhiều sinh viên VN đâm đầu vào làm là.. đánh hàng từ nhà sang bán trên EBAY

Việc này nếu chạy được vào guồng thì thu nhập sẽ rất khá. Tuy nhiên muốn thế thì phải làm việc giống như kinh doanh thực sự: tức là nghĩ được mặt hàng được ưa thích, tìm được nguồn hàng, có đường dây vận chuyển, mất thời gian đầu tư cho service, tích cóp sao ebay… Chủ yếu mọi người vẫn làm theo kiểu cò con, ai về VN thì gửi gắm 1 ít đồ đạc cầm sang để bán, cho nên lời lãi cũng chỉ đủ ăn kem và đi shopping thôi

Bài viết do thành viên chia sẻ (giấu tên)


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC