Gia sư trên đất Tây

Duy Cường (thứ ba từ trái sang) trong một buổi picnic với bạn bè. Gia sư trên đất Tây Trong số 1001 nghề làm thêm nơi đất khách, private tutor (dạy kèm) là một trong những nghề "ngốn" nhiều chất xám của du học sinh VN nhất. Đi dạy thêm mới thấm sự cực khổ của thầy cô đứng lớp. Theo quy định thì những du học sinh ở Mỹ không được phép đi làm thêm bên ngoài, nhưng hàng trăm khoản phải chi như tiền nhà, tiền sách bút, tiền mua sắm, du lịch... nơi xứ người đắt đỏ nên K.P., một du học sinh Việt Nam tại đây và nhiều bạn khác lao vào làm thêm.

Có khá nhiều công việc tại trường học: ngồi phòng lab máy tính, làm thủ thư, làm công việc văn phòng, quản lý dụng cụ thí nghiệm... Nhưng có vẻ tutor (dạy kèm) là phù hợp với SVVN hơn cả.

Đa phần du học sinh đều có kiến thức về Toán, Lý, Hóa vững vàng do được học nhiều ở cấp 3. Lý thuyết của "dân" mình cũng vào loại tương đối, có thể dạy kèm cho middle school (HS từ 9 đến 13 tuổi) và high school (HS trung học).

Thậm chí, nhiều người giỏi đang học sau đại học còn làm teaching assistant (trợ, phụ giảng ở bậc ĐH).

Để đảm bảo an toàn, anh chàng K.P. đã quyết định làm thêm tại Cao đẳng cộng đồng Los Angeles, nơi mình đang theo học ngành Hóa. Ban đầu, K.P. dạy kèm Toán với mức lương 10 USD/h. Nhưng thật trớ trêu, người chịu trách nhiệm của phòng tập trung các tutor này là người Mỹ nên toàn ưu tiên người Mỹ, mặc dù trình độ của họ khối người còn phải cắp bài đến xin K.P. chỉ giúp.

Tức mình, chàng bèn xin cô Trưởng khoa Hóa làm tutor Hóa 2 giờ/tuần cũng với mức lương 10 USD/h. Công việc rất nhàn, nhưng khi có học sinh tới hỏi thì mệt vô cùng, vì trình độ của "tụi nó" nhiều “tên” kém tới mức làm "ông thầy trẻ" phải ngán ngẩm.

Có trò "chưa học bò đã lo học chạy", cứ đòi có cách gì đó để hiểu tất cả, nhớ hết tất cả mà lại không chịu học bài.

Ở Mỹ, học sinh cấp 3 được toàn quyền lựa chọn môn học. Vì vậy, có học sinh sau cấp 3 có thể đã học hết toàn bộ chương trình Toán, Lý, Hóa của 2 năm đại cương ĐH, vào thẳng năm thứ 3.

Nhưng cũng có những học sinh sau cấp 3 chỉ mới biết sơ sơ về đại số, phải vào các trường Cao đẳng Cộng đồng học chương trình đại cương, sau đó mới chuyển tiếp lên ĐH.

Với những "tay" này, "thầy” K.P. khá vất vả. Tuy nhiên, cũng có những tay học cực siêu, đến những người giỏi nhất nhì Việt Nam chưa chắc đã "chọi" lại.

Theo giới thiệu của ông thầy Trưởng khoa Lý tốt bụng, K.P. nhận làm tutor cho một cô học trò nhỏ lớp 11 (xinh xinh kể trên) với giá 13 USD/giờ, mỗi tuần dạy 10 giờ. Nhiều hôm đi dạy về mệt quá, nằm vật ra giường, thấm thía nỗi khổ của những người thầy trên bục giảng lẫn... ngoài bục giảng.

Dù vậy, có những niềm vui "ngọt ngào không tả nổi" như lúc nghỉ giữa giờ, biết thầy mệt, cô học trò xinh đẹp đã lôi violon ra kéo cho thầy... lim dim thưởng thức.

Kết thúc mỗi buổi dạy, phụ huynh lại lái xe chở về. Tới lúc công đoàn xe bus ở Los Angeles đình công thì phụ huynh đưa đón luôn một thể. Hôm nào dạy muộn quá lại được chiêu đãi cơm tối no căng cả bụng, nhìn chung cũng khá thân tình.

Nhưng ngẫm lại, K.P. thấy mình đã bị lợi dụng khá nhiều như có hôm dạy thêm một cô học trò nữa là 2 mà không được trả thêm lương. Nhiều khi, phụ huynh nhờ vả làm việc này việc kia trên máy tính, khi trả tiền đôi lúc đưa thiếu cũng không dám đòi vì sợ mất việc.

Nhưng đau nhất vẫn là bị quỵt tiền, tổng cộng là 560 USD. Gọi điện đòi lên đòi xuống mà khi check (kiểm tra) tài khoản vẫn chưa thấy thêm xu nào. Thôi đành coi như bỏ tiền ra để "mua" một bài học "xương máu": đi làm private tutor thì chỉ nhận cash (tiền mặt) thôi!

Sau vụ bị "quỵt" tiền, K.P. không đi dạy kèm mà chuyển sang "nghề" mentor (tương tự tutor nhưng dạy cho một lớp đông người) tuy với mức lương thấp hơn: 8,15 USD/giờ.

Công việc dạy kèm ở Mỹ không giống như ở Việt Nam. Các gia sư không dạy trước chương trình trong sách giáo khoa mà chỉ có nhiệm vụ giải thích cho học sinh những điều mà họ chưa hiểu khi học trên lớp hoặc giúp họ giải những bài homework (bài tập về nhà) còn vướng mắc.

Việc học bên này thiên về ứng dụng, thực hành, sáng tạo hơn là lý thuyết. Đó là lý do tại sao trong các kỳ thi quốc tế, học sinh Mỹ rất ít đoạt giải nhất, nhưng vẫn có chuyện một học sinh sáng chế ra một sản phẩm nào đó hữu dụng.

Nguyễn Kiều Trâm, cô sinh viên đang theo học chuyên ngành Marketing ở Đại học Arizona cũng đang dạy trong một trung tâm của một trường Cao đẳng Cộng đồng, nơi chủ yếu những người lớn tuổi đi học lại.

Vì học lại nên có những kiến thức họ đã quên sạch, khiến "cô giáo" phải giảng giải cặn kẽ. Nhiều học sinh kêu ca rằng, các giáo sư giảng dạy khiến họ không hiểu gì cả, cô giáo Trâm lại phải giảng lại từ đầu, có khi 5, 6 tiếng liền khô hết cả họng!

Ngoài lý thuyết ra, Trâm còn giúp học sinh làm các thí nghiệm trong phòng lab, tìm cách kích thích sự sáng tạo của từng học sinh. Nhiều học sinh chỉ muốn "Miss Trâm" dạy mà không phải các tutor khác, có khi còn đòi đến tận nơi cô Trâm ở để học, gọi cô bằng cái tên thân thương Tramita ("little Trâm" theo tiếng Tây Ban Nha), hay little teacher...

Khó mà hình dung nổi những sinh viên du học suốt ngày nhai mì gói nói chuyện... đầu trọc ở Nga lại có thể thành lập một trung tâm gia sư gây tiếng vang giữa lòng thủ đô xứ bạn.

Duy Cường, chàng trai quê gốc Hà Nội, đang là SV năm 4 khoa Liên kết mạng tổng đài, ĐH Bưu điện Moscow là người đưa ra ý tưởng thành lập trung tâm gia sư mang tên Niềm tin vào tháng 4/2003. Trung tâm đặt văn phòng ngay tại KTX của trường trên đường Aviamotornia, với mục đích ban đầu (cười ngượng nghịu) là... kiếm tiền.

Ban đầu trung tâm chỉ có 3 người, về sau lên tới con số 30. Thành viên đa số là những sinh viên Việt Nam ưu tú (được Nhà nước cử đi học) như Hương từng là thủ khoa ĐH Ngoại thương TP HCM, Nguyên, Á khoa ĐH Sư phạm TP HCM, Trang, học chuyên Nga 7 năm ở VN và đang học ĐH Kinh tế Plekhanop. Vì thế, trình độ của họ rất “an tâm”.

Người thì dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt mới sang, người dạy tiếng Việt cho SV Nga, người dạy kèm cho con em người Việt sinh sống tại Nga..., đủ cả.

Lúc đó, ở Mátxcơva cũng có rất nhiều trung tâm gia sư như trung tâm của Trường MGU, của Trường Hàng không... Vốn "sinh sau đẻ muộn", Cường và cả bọn phải dùng đủ "chiêu" như cứ 2 tuần một lần lại quảng cáo trên báo chí, rải tờ rơi, hỏi thăm nhu cầu khác... một dần tạo thành cơn sóng mới về việc học gia sư do người Việt dạy.

Ngay trong ngày đầu tiên đi phát tờ rơi, cả bọn mừng húm vì ký được tới 10 hợp đồng! Nhưng "chiêu" thu hút nhất lúc bấy giờ để cạnh tranh với những trung tâm gia sư bạn là... tung ra "thị trường gia sư" những giáo viên đã được "đóng dấu chất lượng" thông qua kỳ "kiểm định" kiến thức trước khi cho đi dạy.

Giám đốc Cường còn thường xuyên liên lạc với khách hàng để hỏi thăm xem giáo viên dạy có tốt không, cần có thêm nhu cầu gì...

Số tiền cả bọn kiếm được từ "nghề" gia sư xứ người cũng kha khá, nhưng cái được lớn nhất là kinh nghiệm dạy học, kinh ngiệm quản lý, ngoại giao và cả... cạnh tranh lành mạnh nữa.

Ngoài ra, còn có thể kể đến Lê Tuấn Anh, nghiên cứu sinh năm 2, ĐH Tổng hợp Hữu nghị Mátxcơva đang hướng dẫn thực tập ở phòng thí nghiệm, hướng dẫn làm các bài tập lớn, hướng dẫn tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ, dạy seminar Hóa hữu cơ cho chuyên ngành Dược và Nông nghiệp.

Nguyễn P.T., cử nhân chuyên ngành máy tính đang dạy trường Trung học Workman Jr tại tỉnh Arlington, bang Texas (Mỹ)...

Tất cả đều rất năng động và giỏi giang. Những năm tháng "làm thầy" trên đất bạn với trăm ngàn nỗi buồn vui, gom được cả một kho tàng kinh nghiệm, vốn sống, chắt lọc điều hay lẽ phải xứ người, chắc chắn sẽ giúp một số trong họ trở thành những người thầy tuyệt vời cho những HS - SV thế hệ mới khi trở về nước.


Theo Thanh Niên

© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC