Rạng danh đất Việt

Rạng danh đất Việt“Bất cứ một du học sinh nào khi đã ra nước ngoài, điều ít nhất mà họ có được là một góc nhìn rộng hơn, cọ xát được cùng thế giới, thấy nhiều thứ có thể làm được. Từ đó, dẹp bớt tự ti, nảy sinh những giấc mơ cạnh tranh và những khát vọng tham gia các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Đó là những giấc mơ giúp đẩy biên giới VN ra xa hơn tầm nhìn địa lý của Tổ quốc mình”.

Chúng tôi ghi lại lời của một du học sinh vừa trở về từ Pháp để bắt đầu cho bài kết này...

Thời điểm của trở về

Có một thông tin đáng chú ý trong giới khoa học: vị giáo sư toán học người Việt từng tạo thành sự kiện “hiện tượng Ngô Bảo Châu” muốn trở về VN để mở một ngôi trường đào tạo về toán học. Đó là vị giáo sư từng gây nên một kỳ vọng lớn “đẳng cấp Nobel” cho các nhà khoa học VN sau khi nhận một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới của ngành toán học: giải thưởng Clay của Mỹ. 33 tuổi, hành trình của Ngô Bảo Châu sẽ còn rất dài, nhưng anh đã xác định lối về cho mình.

Từ Ba Lan, sau 15 năm nghiên cứu về địa chất học, kỹ sư Vũ Văn Bằng cũng đã về VN để làm một việc mà ai cũng ngạc nhiên: đi tìm nguồn nước cho đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc đất nước. Một thông tin khác: ở Nhật, tiến sĩ vật lý Phan Kế Long (giải thưởng hợp tác quốc tế Bỉ) đang ngày đêm nghiên cứu sâu về ngành tuyến trùng ở Nhật với ý định sẽ giúp phát triển ngành cây trồng của VN lên một thứ bậc mới...

Đó là vài ví dụ cho thấy những cuộc tranh luận không khoan nhượng (và không có lối ra) của chủ đề “Về hay ở” trong du học sinh đã chuyển sang một hướng mới: ra đi và trở về, không hẳn đã là trở về và ở hẳn tại VN, nhưng trong tâm thức của họ, trong những chuyến bay dài hơn một cuộc hội thảo, là khát vọng làm một vai trò đại sứ không hàm cho tiến trình hội nhập giữa VN và thế giới.

Nói như tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Tuấn (Úc): “Trong thập niên 1950, Đài Loan và Hàn Quốc đã gửi hàng chục ngàn sinh viên sang các nước phương Tây học và sau đó họ quay về nước, trở thành động lực quan trọng phát triển nền khoa học công nghệ cũng như hội nhập kinh tế thế giới. Sở dĩ du học sinh đóng vai trò này bởi họ là một “luồng gió mới” hay một “mạch máu mới” (new blood) cho quốc gia.

Du học sinh là những người có điều kiện và cơ hội để so sánh cách làm việc giữa các quốc gia, họ trở thành những đầu tàu quan trọng trong việc cải cách hành chính, đổi mới tư duy trong làm việc, nghiên cứu và học hành...”. Không chỉ là những bài học cũ của Hàn Quốc và Đài Loan, làn sóng du học sinh trở về của Trung Quốc từng gây nên những hiệu ứng xã hội tích cực cho quốc gia đông dân nhất này trong những năm gần đây.
Rạng danh đất Việt
Câu chuyện của xã hội VN hiện tại cũng có những yếu tố “mở” rõ ràng của nó: cơ chế có thể còn hẹp cánh cửa, con người và cách thức điều hành, hạ tầng cơ sở... có thể còn là những yếu tố gây trở ngại nhưng chính trong những yếu tố này, cái mới xuất hiện ngày một nhiều hơn, tích cực hơn và sự cởi mở có thể dung chứa những khát vọng đẹp nhất, trong lành nhất có cơ may trở thành hiện thực.

Câu chuyện của giáo sư tiến Sĩ Võ Tòng Xuân ở Đại học An Giang là một ví dụ có ý nghĩa nhất trong bối cảnh này. Một bạn đọc gọi điện và trách chúng tôi đã không “biết thêm” một câu chuyện khác của Minh và Quỳnh (Hai vợ chồng và tài sản từ nước Mỹ): một công ty phần mềm quốc tế mời Minh về làm tại TP.HCM với mức lương rất cao, gồm cả xe cộ, nhà cửa… nhưng anh từ chối để đeo đuổi các dự án của mình.

Thêm một lần nữa, các kỹ sư phần mềm từ Mỹ sang gặp trực tiếp Minh mà vẫn không thành công. Trả lời câu hỏi về việc này, Minh đơn giản: “Nếu vợ tôi đi chiếc Astrea second-hand mà vẫn cười vui như đi xe tay ga là được”. Và ở Đại học An Giang, họ có một ngôi trường tạo cơ hội cho họ làm việc, sẵn sàng đứng “làm người bảo lãnh” cho công dân Song Quê, đứa con sinh trên đất Mỹ và mang quốc tịch Mỹ của họ: “Trường phải đứng ra bảo lãnh cho một người nước ngoài mà người đó không hề làm việc cho nhà trường” - Minh nói thế.

Giấc mơ cạnh tranh

Một tối nọ, đến New York lần đầu tiên, Hoàng Anh Tuân muốn tự mình trải nghiệm một đêm của thành phố này bằng trò đi lang thang. Tới khuya, thấy đói ghé vào một tiệm thức ăn “mắc-đô-nồ” mua một suất và định ngồi tới sáng thì bị gọi giật để đuổi ra bằng một câu nói thẳng thừng: “Trò này xưa rồi chú em, tưởng có thể mua một cái bánh mà ở miễn phí hả?”.

Đó là lần đầu tiên trong đời, anh chàng du học sinh người Việt này thấy mình trở nên “tội nghiệp”. Những cảm giác choáng ngợp, ngỡ ngàng rồi nhanh chóng qua đi và sau đó là những cuộc tìm hiểu quan sát xem tại sao họ làm được mà ta chưa làm được. Tuân trở về từ Úc và Mỹ với những bằng cấp kinh doanh và một ý tưởng ứng dụng mô hình bán lẻ 24-seven cho thị trường 80 triệu dân của VN.

Anh mơ một ngày nào đó mô hình này sẽ có thể cạnh tranh cùng những tập đoàn lớn trên thế giới về bán lẻ. “Từ những mặc cảm tự ti của một quốc gia kém phát triển cho tới lúc tự tin “Họ làm được mình làm được” là một quãng thời gian trải nghiệm không quá xa. Sau đó là những chiêm nghiệm “Họ đã làm cái gì” cho tới lúc nảy sinh ý định cạnh tranh mãnh liệt vượt qua biên giới quốc gia của mình” - Quốc Anh, một du học sinh MBA ở Mỹ, khái quát quá trình phát triển tư tưởng của mình và bạn bè như vậy.

Còn Trần Thị Thu Hương (khoa kinh tế Đại học Quốc gia Singapore) lại ghi trong sổ tay của mình: “Singapore mất 20 năm để chuyển hóa từ một quốc gia thứ ba thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới. Trong nhiều giấc mơ của tôi, có giấc mơ phát triển VN dựa trên những bài học vô giá của quốc gia này...”.

Trong một câu chuyện mới đây nhất với giám đốc phát triển kinh doanh của F-soft TP.HCM (FPT software khu vực TP.HCM), Nguyễn Thanh Lâm cho hay công ty anh vừa giành được một hợp đồng gia công phần mềm cho một hãng dầu khí lớn của Malaysia và phát hiện tại thị trường Đông Nam Á, tay nghề VN không thua kém quốc gia nào.

Lâm là một du học sinh ngành công nghệ thông tin ở Đức. Thời du học, anh và bạn bè từng ôm ấp dự định thành lập một công ty gia công phần mềm tên VinaSoft, lấy cây tre quê nhà làm biểu tượng ước mơ. Câu chuyện không thành của ngày xưa, sau 10 năm Thanh Lâm cảm thấy mình đang đi dần đến đích.

Những điều còn lại của cuộc trở về “chưa hoàn tất”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn nói đơn giản: “Du học sinh chẳng khác gì một người đi học bình thường trong nước. Có chăng chỉ là được tiếp cận với một nền giáo dục tiên tiến hơn”. Trong một lần tâm sự, Phùng Tiến Công nói về chuyện của mình và bè bạn: “Mỗi du học sinh khi quyết định trở về, nhiều khi ngoài mọi nỗi cân phân còn có một điều ám ảnh khác: trong con mắt chòm xóm, họ là những kẻ “đi Tây về” và họ muốn được nhìn thấy những kết quả thật cụ thể, những đột phá ngoạn mục trong công việc hay một ý tưởng thật thăng hoa. Điều đó thật sự không đơn giản”.

“Ừ, mọi chuyện đâu giản đơn như thế. Yêu nước, đó là điều kiện cần. Nhưng điều kiện đủ để chúng tôi trở về là một thời cơ. Có những anh chị đã phải chờ đợi bao nhiêu năm trời nơi đất khách quê người vì nếu trở về họ chẳng biết làm gì với mớ kiến thức quá mới mẻ của mình hoặc phải ngụp lặn trong một môi trường làm việc thiếu đủ thứ.

Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau: giờ G đã điểm, và chỉ cần chịu khó nhìn ngắm những người quanh mình, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rất nhiều du học sinh đang ấp ủ những giấc mơ rất to. Nhưng những giấc mơ đó cần có thời gian để thành hiện thực, cần có một chiến lược dài hơi hơn và không loại trừ khả năng thất bại hoàn toàn.

Chúng tôi trở về, và chúng tôi sẽ tạo ra một sự khác biệt với tất cả những gì chúng tôi học được không chỉ từ trường lớp, sách vở, mà bằng chính những trải nghiệm thật sự của chính bản thân mình. Hãy thử bước lùi ra xa, leo lên một ngọn núi, bạn sẽ nhìn thấy lũy tre của mình còn nhỏ lắm. Nhưng nhìn ra như thế tức là mình đã biết rõ nhiệm vụ phải làm cho lũy tre ấy rộng hơn ra...” - Ngọc Tài, một cựu du học sinh Đức, chia sẻ bằng tất cả sự đam mê và hào hứng của mình.

oOo

Gần 40.000 du học sinh hiện đang trên đường du học, rất nhiều trong số họ đã trở về. Những cuộc ra đi hay trở về không còn hạn hẹp phân định bằng biên giới lãnh thổ quốc gia, mà rộng hơn ấy là mang được gì về cho đất nước mình, không kể bạn ở bất cứ điểm dừng nào trên thế giới này. Miễn là ở bất cứ nơi nào, người ta cũng bộc lộ mình là một “thương hiệu VN”.

Theo TTO.

© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC