Đoạn trường du học

doantruongduhoc.jpgĐi du học để hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng cao là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng ngoài vẻ hấp dẫn của một chân trời mới, hành trình bơi ra biển cũng lắm sóng to gió lớn.



Cầm được visa sang Đức, Vinh vui mừng như thể đang sống trên mây, phải mất mấy ngày cô mới trở lại trạng thái bình thường. Sang đến Deutchland, Vinh tá túc ở nhà người bác họ, nhưng Vinh thường phải thức đến 2-3h sáng.

Bác gái trút mọi công việc lên đầu Vinh. Đôi lúc bác gái hối hận, xin lỗi Vinh về những lời lẽ quá đáng của mình nhưng mỗi khi bác nổi giận, mọi việc đâu lại vào đó.

Vinh đã khóc rất nhiều và nhiều lần cô gạt nước mắt và tự nhủ phải cố lên. Có lần đứng đợi tàu, Vinh nhìn đường ray và nghĩ nếu mình nhảy xuống có lẽ cũng xong một kiếp người.

Ròng rã suốt 7 tháng, mỗi ngày Vinh chỉ ngủ 5 tiếng, sụt 6 kg, đầu óc lúc nào cũng nghĩ: “Đậu hay là chết”. Đậu kỳ thi tiếng Đức để được trường ĐH đồng ý cho nhập học, để thoát khỏi chốn địa ngục tinh thần này.

Ở xứ lạnh nhưng tình cảm gia đình chẳng nồng ấm. Cũng giống như Vinh, nhiều SV có người quen hứa giúp đỡ bao bọc nhưng khi sang đến xứ người, tình nghĩa lại bạc như vôi.

Bài “Thơ gửi bố mẹ ở quê hương” của một du HS viết trên mạng www.avys.de nhanh chóng được các du HS Việt Nam ở Đức chuyền tay nhau, bởi đó dường như là nỗi đau không thốt nên lời của nhiều người: "Ngày xưa chị N. bảo qua đây/Mọi việc dễ dàng em có hay/Hai mươi mốt tuổi tim đầy máu/Có biết gì đâu lại thế này …”.

Cứ ngỡ đường tương lai rộng mở, song nó đã trở nên gập ghềnh khi du học mà không có khả năng tài chính vững chắc. 2 tháng đầu, Ánh người Hà Nội, được cô chú chăm sóc rất chu đáo.

Bỗng nhiên cô của Ánh muốn Ánh ngưng học, lấy chồng Đức để “được lợi nhiều mặt”. Ánh không đồng ý nhưng chú Ánh vẫn mượn danh Ánh đăng báo rao tìm chồng. Một người đàn ông Đức liên hệ làm Ánh sợ hãi.

Cô của Ánh liên tục gây áp lực: “Nếu không lấy chồng thì dọn vào trại tị nạn ở, cô chú không nuôi nữa”. Thân gái dặm trường nơi đất khách, Ánh đành tá túc ở nhà một ông già Đức mà cô quen được qua Internet rồi mọi chuyện ra sao thì ra. Cũng may cho Ánh, người đàn ông Đức tốt bụng cho ăn ở miễn phí và còn giúp Ánh đóng tiền học.

Trường hợp của Ánh khá may mắn nhưng còn biết bao du HS bị đẩy vào bước đường cùng không đứng dậy được? Vinh tâm sự: "Nếu không biết giữ lòng, giữ mình có lẽ em tuột dốc mất!".

“Nướng” 30.000 bảng Anh vào cuộc đỏ đen


Các trường ĐH uy tín của nước ngoài thật sự là môi trường tốt cho SV Việt Nam nhưng hoàn toàn không phải là lò bánh mì mà cứ cho các loại bột vào rồi cuối cùng thành phẩm sẽ như nhau.

Nhiều phụ huynh nhất quyết cho con sang nước ngoài học ngay từ phổ thông, mặc dù học lực của con mình thuộc loại trung bình, với hy vọng rằng trước sau gì con họ cũng vào được đại học.

Các trường của nước ngoài không chấp nhận tình trạng “ngồi nhầm lớp” nên chắc chắn những HS không đọc thông viết thạo sẽ bị “lưu ban” dài dài. Do vậy, ở Anh quốc, có nhiều học sinh đã mấy năm học lớp dự bị ĐH hay Pre-master (dành cho những sinh viên chưa đủ điểm tiếng Anh và một số môn học cơ bản) và cuối cùng chia tay trường vì không đủ trình độ học tiếp lên đại học.

Chuyện của Nga, học ở Anh quốc là một ví dụ. Trong khi người anh trai rất thành công trong học tập và đã về nước thì cô em lại vô cùng sành sỏi trong việc mua sắm, du lịch và cả đi quán bar.

Ra đường, Nga nói tiếng Anh “như gió” nhưng đó chỉ là những con số khi mua sắm, tên đường, tên vũ trường, còn khi bảo cô đọc thông tin trên báo thì “em chịu”, dù Nga đã học dự bị đại học 2 năm.

Cách đây không lâu, một chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở tiệc sinh nhật của Nga ở quán bar, sau khi thổi nến Nga đi ra ngoài và mãi không thấy quay lại. Các bạn Nga hoảng hốt đã nhờ cảnh sát đi tìm cô. Hóa ra cô nàng do không đọc được hướng dẫn nên đi nhầm vào phòng để đồ của công nhân vệ sinh và bị nhốt luôn trong ấy!

SV các trường học ở Anh không phải lên lớp học nhiều giờ như ở Việt Nam, nên các SV lười học sẽ cảm thấy mình càng ngày càng đuối và chán nản. Thư viện của trường mở cửa đến 12 giờ đêm với đầy đủ trang thiết bị lại bị chê là chán, vì thư viện dù đủ máy tính nối mạng nhưng lại không cho chat!

Phương, con của một tỷ phú nông thôn Việt Nam được gửi sang tận xứ Wales học nhằm tránh xa những cám dỗ. Nhưng Phương không học được gì mà còn xài hết tiền học phí khi liên tục đổi xe hơi.

Dù là con gái nhưng Phương tự hào là có thể đánh bài thâu đêm và chẳng ngại “nướng sạch” 30.000 bảng Anh vào chuyện đỏ đen trong vòng vài tuần. Bây giờ Phan hết nhẵn tiền, phải đi ở nhờ. Trường đã cấm cửa Phương, visa cũng hết hạn, cô trở thành người sống lưu vong.

Nhiều du HS Việt Nam đã biết tận dụng môi trường học tập tốt, phát triển năng khiếu để tìm kiếm tương lai cho mình. Nhưng cũng không ít bạn học thì ít nhưng du hí lại nhiều, trong khi cha mẹ ở quê nhà phải thắt lưng buộc bụng kiếm từng đồng lo cho con.

Thanh Lan


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC