Du học... "đứt gánh giữa đường"

Du học... "đứt gánh giữa đường"“Tôi một mình dò dẫm tìm hiểu thông tin về trường, rồi ba lần bảy lượt sang tận nơi để đăng ký, đóng tiền, kiểm tra chỗ ăn chỗ ở cho con. Vậy mà mọi thứ bỗng trở thành công cốc khi con tôi quay về thản nhiên báo tin đã bị thôi học!”.

Bà L.T.T.H, một tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM), rơm rớm nước mắt khi kể như vậy về cậu con trai mới tháng trước còn là du học sinh tại Malaysia. Bao tiền bạc làm được lẫn niềm hi vọng bà chắt chiu dành hết cho đứa con trai cưng. Đáp lại tình thương của mẹ, M., tên cậu con trai sinh năm 1990, chăm chỉ học tập suốt những năm học phổ thông. Liên tục nhiều năm liền M. là học sinh giỏi. Mơ đến tương lai tươi sáng hơn cho con, bà H. tính chuyện cho con đi du học.

Khi M. vừa bắt đầu năm học lớp 11, bà H. đăng ký cho con đi học dự bị ĐH tại Trường ĐH Quốc tế Nilai (Malaysia), sau đó tiếp tục đăng ký cho con vào học ĐH tại chi nhánh một trường ĐH của Úc ở Malaysia.

Có tiền, chưa đủ!

Mọi việc bắt đầu thay đổi từ đây. Sống trong môi trường ĐH chỉ vài tháng, M. bắt đầu trượt dài. Rượu, thuốc lá, bạn gái... khiến M. cứ chán học dần dần. Trường không cho M. tiếp tục học. Chán nản M. quay về nước, tiếp tục chìm trong những trò tiêu khiển tốn kém. Bà H. khóc hết nước mắt vừa ra lệnh vừa van xin con đi học trở lại.

Tuy nhiên, vì chưa tốt nghiệp THPT tại VN, M. không thể dự thi ĐH, CĐ hay xét tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp. Học nghề thì M. lại không cam tâm. Bà H. lại một lần nữa dắt con trai đến Trung tâm giáo dục thường xuyên để xin học bổ túc làm lại từ đầu.

Trường hợp của T., con trai một nữ doanh nhân khá nổi tiếng tại TP.HCM, còn hoang phí hơn. Tốt nghiệp THPT loại khá tại VN, T. trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh của Trường S ở Singapore. Ngoài học phí, mỗi tháng T. được gia đình trợ cấp đều đặn không dưới 5.000 đôla Singapore. Những dịp có người thân sang thăm hay lễ lộc, T. đều được chu cấp thêm. Thế nhưng tình hình học tập của T. sút giảm thậm tệ. Hết năm 1 T. bắt đầu đuối và sau học kỳ I của năm 2, trường chính thức buộc T. ngưng học.

Quay về VN, gia đình đề nghị T. ôn luyện để thi ĐH trong nước, T. một mực từ chối cho rằng ĐH trong nước “không hợp với mình”. Không có việc gì làm, lang thang hết quán cà phê này đến quán bar khác. Rốt cuộc, gia đình phải đăng ký cho T. học kỹ thuật viên tin học và chờ cơ hội tiếp tục sang... Mỹ du học!

Q., con trai một đại gia đất Hải Phòng, cũng chẳng thua kém. Quyết tâm cho Q. sang Anh du học, nên khi Q. vừa tốt nghiệp THCS gia đình đã tìm cách chuyển Q. vào TP.HCM để theo học THPT tại một trường quốc tế, thuê giáo viên nước ngoài kèm cặp thêm để Q. nhanh chóng nâng cao trình độ tiếng Anh. Cuối năm lớp 11, Q. cũng được lên đường sang Anh học dự bị tại một trường ở TP Brighton, miền Nam nước Anh. Học chưa đầy một tháng, cậu du học sinh này đã mấy lần gọi điện về nhà than vãn đủ điều: nào là trường bố trí chỗ ở tận tầng 10 phải leo bộ hằng ngày, nào là ban đêm bị “nhốt” trong trường không được ra ngoài...

Nếu không cố gắng, sẽ bị đào thải

Trên thực tế, ngôi trường tại TP Brighton nơi Q. theo học và khu vực nội trú chỉ cao bốn tầng, có quy định giờ giấc chặt chẽ vào ban đêm nhằm quản lý học sinh. Các du học sinh ở đây cho biết Q. có bạn đang học tại London nên tìm đủ mọi cách “mè nheo” để được chuyển lên London. Nhưng rồi cũng không kéo dài được lâu. Chỉ mới hai học kỳ, Q. đã bỏ học và quay về VN.

Nhiều du học sinh nữ cũng “về không” một cách hoang phí. Điển hình như con gái của tổng giám đốc chi nhánh một tập đoàn đa quốc gia tại VN: sau gần hai năm du học tại Singapore, tiêu tốn hàng chục ngàn đôla Singapore, cô cũng bỏ dở về nước rồi lấy chồng. Hay trường hợp C.N, một du học sinh nữ trong bốn năm đã học đến... bốn trường ĐH từ New Zealand sang Úc rồi Singapore và đều là năm 1 vì không thể hoàn tất chương trình. Cuối cùng N. cũng quay về VN, lông bông chưa biết sẽ làm gì.

Bà Dương Thị Thương, giám đốc văn phòng Tập đoàn Giáo dục tại VN, cho biết thời gian gần đây ngày càng nhiều du học sinh bị cho thôi học giữa chừng. Bà Thương đánh giá: “Phần lớn du học sinh VN, đặc biệt là những du học sinh còn quá trẻ, không có được khả năng học tập độc lập như học sinh nước ngoài. Nếu gặp nhóm bạn bè không tốt, các bạn nhanh chóng bị lôi cuốn theo, bỏ bê học tập”.  Ông Nguyễn Hữu Phúc Tiến, giám đốc Công ty Việt Nam Hợp Điểm, nhận định: “Môi trường học tập ở các trường ĐH nước ngoài luôn có sự cạnh tranh rất cao, nếu không cố gắng bất cứ sinh viên nào cũng sẽ bị đào thải”.

Theo Tuổi trẻ.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC