Lại chuyện du học Đức

Lại chuyện du học ĐứcĐại sứ Quán Đức (nằm ngay cạnh ngã tư đường Điện Biên Phủ và đường Trần Phú) vào một buổi sớm tháng 8: Một đám đông già có, trẻ có, đặc biệt có rất nhiều các cô cậu lứa tuổi học sinh, sinh viên ăn vận bảnh bao, tay đang ôm khư khư bộ hồ sơ xin Visa, mồ hôi nhễ nhại do chen lấn xô đẩy.

Vì số lượng người xin Visa vào Đức quá lớn, nên tất cả mọi người không thể vào phòng chờ cùng lúc được. Để vào được phòng chờ, mọi người phải đăng ký trước, tôi chen lên chen xuống mới vào được cửa đăng ký. Còn hơn một 1 tiếng mới đến giờ mở cửa, nhưng số người đăng ký đã kín cả hai tờ A4.


Một cụ ngoài 70 tuổi, từ Nghệ An ra xin visa thăm người thân, thều thào “Tôi đã ăn trực nằm chờ cả tuần nay mà vẫn chưa được vào làm thủ tục”, không biết các con cụ “bên kia” có biết đễn nỗi gian truân của các cụ “bên này” khi nhận được lời mời sang thăm con không?
Lại nói về chuyện du học Đức, theo con số thống kê, mỗi năm có tới con số “nghìn” người đệ đơn xin du visa du học Đức, thế mới biết dân ta đâu có nghèo!

Nước Đức không xa lạ gì với người dân Việt Nam, nhưng con số “nghìn” người muốn du học Đức mỗi năm thì quả là khó tưởng tượng. Khi nói chuyện du học, ta thường nghĩ ngay đến các nước như: Anh, Pháp, Hà Lan, Singapore hay Nga, Trung quốc, vì tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung đã được giảng dạy phổ biến các trường PTTH và Đại học. Vậy thì đâu là cái nam châm để có ma lực hấp dẫn nhiều người sang Đức du học đến thế?
Một số người cho rằng, di học Đức là do có người nhà ở đó, vì có trên 100 nghìn người Việt hiện đang sống và làm việc tại CHLB Đức, nhưng phải chăng đó là nguyên nhân duy nhất để hàng nghìn gia đình sẵn sàng bỏ cả đống tiền để làm thủ cho con mình du học và không biết chúng sẽ tiếp thu được những gì?

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Tư vấn Giáo dục Đào tạo Atlantic cho biết: Hiện nay có rất nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam mong muốn được học tập tại Đức, không phải vì họ có người nhà tại Đức. Ở đây, có hai điểm mấu chốt, một là: Học tại Đức được miễn 100% học phí các bậc học, hai là: giáo dục Đức rất mạnh và nổi tiếng về các ngành đang là “mốt” đối với giới trẻ, như: Công nghệ thông tin, Chế tạo máy và Tài chính ngân hàng, ngoài ra cũng phải kể đến: nước Đức rất ổn định về kinh tế - chính trị, mức sống của người dân rất cao…

Sự thật chặng đường đến Đức du học có phải chỉ là “chuyến bay 20 giờ”?
Quả là “cái gì cũng có giá của nó”: Để vào học dự bị Đại học của Đức, các sinh viên phải hoàn thành tối thiểu 1 học kỳ tại Việt Nam, còn vào Đại học là 4, ngoài ra các sinh viên cần có trình độ tiếng Đức khá (khoảng 400 tiết = 8 tháng). Để được nhận vào cao học, các học viên phải tốt nghiệp Đại học và cũng có 400 tiết tiếng Đức nếu học bằng tiếng Đức, hoặc 550 Toefl, nếu học bằng tiếng Anh. Học lực của bạn tại Việt Nam càng khá, thì cơ hội xin visa càng cao.
Sau khi sang Đức, các sinh viên sẽ học tiếp khoảng 1 năm tiếng hoặc dự bị và phải thi đạt Kỳ thi tiếng (DSH) hoặc Kỳ thi đánh giá chất lượng tương đương (FSP) trước khi được nhận vào học chính khóa.

Du học Đức phát triển cũng kéo theo một loạt các dịch vụ khác ra đời, trước tiên phải kể đến các Công ty Tư vấn Du học có tuyển sinh du học Đức, con số này cũng đến gần trăm, rõ ràng các công ty tư vấn có những đóng tích cực trong việc cung cấp thông tin, tư vấn, hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng và chi phí cũng phải chăng. Nhưng với số lượng lớn như vậy, các học sinh thường bị choáng ngợp, rối loạn thông tin và cũng có không ít có những “cô-ty-lưa”. Tốt nhất khi quyết định làm thủ hồ sơ và ký hợp đồng, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công ty, cần yêu cầu cán bộ tư vấn cung cấp thông tin về trường, đặc biệt là Website để có thể tham khảo trực tiếp trên mạng, địa chỉ của các học sinh đã qua công ty để viết thư hỏi thêm thông tin.

Hiện nay có rất nhiều trung tâm dạy tiếng Đức phục vụ du học và các công ty tư vấn cũng tổ chức việc dạy tiếng, bạn nên yêu cầu được học thử khoảng 3 buổi trước khi đăng ký học chính thức.

Chi phí phục vụ tuyển sinh và hoàn thiện hồ sơ của công ty cũng rất khác nhau, khoảng: 400 đến 800 Euro, những Công ty là đại diện tuyển sinh chính thức của trường thường không thu khoản phí này.


Thanh Tùng.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC