Tâm sự của du học sinh Việt: Xa nhà, nỗi sợ lớn nhất là mất người thân, cảm giác ấy kinh hoàng lắm

Tâm sự của du học sinh Việt: Xa nhà, nỗi sợ lớn nhất là mất người thân, cảm giác ấy kinh hoàng lắm

“Tôi lấy cớ phải đi tìm đồ trong kho để chạy vào trốn, vì ngay khi nhận được tin nhắn của bố tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi gọi điện qua Facetime cho bố mà nói không ra hơi, phát âm chẳng thể rõ chữ vì những tiếng nấc cứ thốt lên không ngừng.”

1 1 Tam Su Cua Du Hoc Sinh Viet Xa Nha Noi So Lon Nhat La Mat Nguoi Than Cam Giac Ay Kinh Hoang Lam

 

Nửa đêm. Tin nhắn từ Việt Nam, vỏn vẹn chỉ có 7 từ: “Ông ngoại mất rồi. Vừa mất xong.”

Tháng tư năm 2017, tôi đang trong học kỳ thứ hai của năm cuối đại học. Song song với việc học ở trường, tôi xuống thành phố New York hai ngày mỗi tuần để thực tập tại MTV. Hôm ấy không giống với mọi ngày.

Tôi đang ngồi làm việc ở công ty thì nhận được tin nhắn của bố, được gửi lúc nửa đêm giờ Việt Nam, vỏn vẹn chỉ có 7 từ: “Ông ngoại mất rồi. Vừa mất xong.”

Ngay tại khoảnh khắc tôi buông đôi tay gầy guộc của bà ngoại, tạm biệt bố mẹ, một mình bước ra cửa hải quan ở sân bay Nội Bài của 5 năm trước, tôi đã tự ý thức được rằng việc du học đồng nghĩa với khả năng mình phải trải qua cảm giác mất đi người thân ở nơi xứ người.

Ông bà tuổi già sức yếu, gần đất xa trời, còn mình đi du học cũng không phải ngày một, ngày hai mà sẽ xa nhà ít nhất 4 năm, chuyện gì cũng có thể xảy đến. Mỗi ngày thức dậy ở Mỹ, tôi đều cầu mong ở nhà ông bà vẫn khoẻ mạnh, vẫn ăn được, ngủ được, cầu mong mình không phải đối mặt với nỗi sợ thấp thỏm giống như một quả bom hẹn giờ không báo trước. Ba năm rưỡi đầu tiên trôi qua trong yên bình, nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến.

Con người chạy đua với con người thì được, nhưng con người không thể chạy đua với thời gian.

Tôi có chìa khoá vào phòng kho của công ty, một chiếc phòng ọp ẹp chất chứa nhiều món đồ linh tinh từ thùng carton cho tới cúp giải thưởng mà mọi người không có chỗ để trưng bày trong văn phòng của họ.

Tôi lấy cớ phải đi tìm đồ trong kho để chạy vào trốn, vì ngay khi nhận được tin nhắn của bố tôi đã không cầm được nước mắt.

Tôi gọi điện qua Facetime cho bố mà nói không ra hơi, phát âm chẳng thể rõ chữ vì những tiếng nấc cứ thốt lên không ngừng. Vốn là một người sống thiên về tình cảm nên vui hay buồn tôi chẳng bao giờ biết giấu, biết kiềm chế.

Tôi vừa khóc vừa hỏi bố được vài câu gãy chữ, ở nhà mọi người ra sao rồi bố. Bố bảo cả nhà vẫn đang lo hậu sự, rồi nói rằng bố không muốn nói chuyện nữa vì nghe tôi khóc làm bố cũng khóc theo.

Ở nơi xứ người, xung quanh toàn kẻ xa lạ, tình cảm gia đình tại cái đất này cũng chẳng sâu đậm như ở nhà, cái cô đơn ấy còn gầm rú, còn đáng sợ hơn rất nhiều lần.

Trong ánh sáng mờ toả ra chiếc đèn cũ, giữa những thùng carton chất chồng thành núi và đống đồ đạc lổn nhổn khắp nơi, tôi ngồi thụp xuống sàn sau khi bố gác máy.

Tôi nghĩ ai khi khóc cũng như vậy, lồng ngực run lên bần bật với những tiếng nấc, hơi thở cũng phá nhịp và nặng nề theo.

Tôi nhìn xung quanh thấy mình cô đơn tới cùng cực mà chỉ có thể vòng tay qua hai vai để tự ôm lấy chính mình, để làm chỗ dựa cho mình.

1 2 Tam Su Cua Du Hoc Sinh Viet Xa Nha Noi So Lon Nhat La Mat Nguoi Than Cam Giac Ay Kinh Hoang Lam

Ở nơi xứ người, xung quanh toàn kẻ xa lạ, tình cảm gia đình tại cái đất này cũng chẳng sâu đậm như ở nhà, cái cô đơn ấy còn gầm rú, còn đáng sợ hơn rất nhiều lần. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhắm mắt lại và không còn cảm thấy mình là một chàng trai 21 tuổi ở giữa thành phố New York nữa.

Tôi thấy nắng vàng của mùa hè Hà Nội len qua từng kẽ lá của hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi, con đường thẳng tắp dẫn tới nhà ông bà ngoại ở Thanh Xuân Trung. Tôi thấy mình là một đứa trẻ 4, 5 tuổi, được ngồi trong lòng bà trên chiếc xe Dream cũ mà ông vẫn hay lái, hứng nắng trên mái tóc đầu đinh. Hồi ấy tôi không có ý niệm gì về từ ngữ, khiến ông cười như được mùa vì tôi một lần gọi nhầm Đại học Tự nhiên ở cạnh con ngõ nhà ông là Đại học Tự do.

Tới chục năm sau ông vẫn nắc nẻ khi nhắc đi nhắc lại câu chuyện ấy.

Rồi tôi lại thấy mình vào một buổi cuối ngày trong lớp mẫu giáo lớn của trường mầm non A. Hôm ấy bố mẹ bận việc nên ông đi đón tôi. Ông ngó vào cửa lớp, gọi tôi bằng tên thân mật ở nhà chứ không gọi là Siêu. Ở trường không ai biết tên ở nhà của tôi, nên tôi xấu hổ lắm, ông gọi mấy lần vẫn ngồi im thin thít ở một góc lớp không nhìn ra cửa vì không muốn bạn bè biết, chúng nó chắc chắn sẽ cười trêu cho mà xem.

Cô giáo tưởng ông vào nhầm lớp nên dẫn ông ra hành lang, bảo ông thử tìm ở lớp khác xem sao.

Mãi một lúc sau, tôi mới chạy đến nói thầm vào tai cô, bảo đấy là ông ngoại của con ạ, thì cô mới hớt hải chạy quanh trường để đi tìm ông. Tôi vừa thấy giận ông vì giờ đã có thêm một người biết được cái tên xấu hổ ấy, vừa thấy có lỗi vì để ông tưởng mình lẫn, phải đi tìm khắp trường. Ông đưa tôi về cũng trên chiếc xe Dream cũ, chiếc xe gắn bó với cả tuổi thơ tôi. Từ mầm non A về nhà tôi thì phải đi qua ngã tư Nguyễn Thái Học – bệnh viện Xanh Pôn.

Hôm ấy ông vượt đèn đỏ, bị chú công an giữ lại, tôi nhoài người lên mở to mắt nài nỉ, bảo ông cháu chỉ chở cháu đi học về thôi mà chú. Chú công an bảo tại cháu dễ thương nên bỏ qua cho ông đấy. Câu chuyện này ông cũng kể mãi tới tận chục năm sau.

1 3 Tam Su Cua Du Hoc Sinh Viet Xa Nha Noi So Lon Nhat La Mat Nguoi Than Cam Giac Ay Kinh Hoang Lam

Mùa hè trước khi tôi lên đường đi du học vào năm 2013, ông ngoại tôi lần đầu tiên có một chiếc điện thoại di động. Nhờ chức năng ghi hình mà bây giờ ông có thể lưu giữ kỷ niệm bằng một phương tiện khác, dễ dàng hơn, rõ nét hơn, không cần phải kể lại những câu chuyện chục năm chỉ dựa vào trí nhớ.

Ông dùng chiếc điện thoại nhỏ để quay lại bữa ăn tối cuối cùng của tôi ở nhà, bà ngoại làm hai món tôi thích nhất là nem rán và đậu phụ nhồi thịt.

Ông quay lại khoảnh khắc tôi tạm biệt căn bếp cũ bám dầu mỡ mà bà vẫn nấu ăn mỗi ngày cho tôi. Ông quay lại lúc tôi ì ạch xách hai chiếc vali mỗi chiếc 23 cân ra khỏi nhà, lên xe, ra sân bay trong cái không khí nóng ẩm của tháng 8 thủ đô để chuẩn bị cho một hành trình mới.

Mỗi mùa hè về nhà, ông ngoại đều mở lại chiếc video ký sự ấy cho tôi xem.

Cái điện thoại nhỏ vẫn trông như vậy, nội dung video thì cũng chỉ có thế, có cái khác là khung cảnh. Nếu hồi trước ông và tôi xem video trong căn bếp quen thuộc ở nhà, nơi ông ngày nào cũng pha trà và xem tivi, thì những mùa hè sau đó là trong bệnh viện với chiếc áo bệnh nhân ở cách xa trung tâm Hà Nội.

Mùa hè trước ông vẫn còn đứng, còn đi lại, còn có sức để đi bộ tập thể dục, thì mùa hè sau ông phải nằm, có khi phải thở máy.

Nhưng dù thế nào thì khi gặp tôi mỗi mùa hè, ông vẫn phải mở điện thoại để xem lại những khoảnh khắc cuối cùng tôi ở nhà năm ấy, rồi lại kể về những câu chuyện ngày xửa ngày xưa khi ông còn vững tay lái chở tôi đi học, đi chơi.

Ông bảo 9 tháng cháu đi du học ông nhớ lắm, chỉ muốn có cháu bên cạnh. Kỷ niệm thì chẳng bao giờ thay đổi, nhưng giọng kể của ông qua mỗi năm lại đặc hơn những tiếng ho, tiếng đờm.

Tuổi thơ đẹp thì vẫn mãi đẹp. Ký ức đẹp thì chẳng bao giờ phai nhoà.

Tuy nhiên, điều tôi buồn nhất là không được ở nhà lúc ấy, không được bên ông những ngày tháng cuối cùng, nắm đôi tay gầy guộc của ông trước khi ông đi, cùng ông ôn lại những kỷ niệm cũ. Ông ngoại tôi có thể ốm, nhưng ký ức với cháu, với gia đình thì minh mẫn lắm.

Tôi tin tới những giây phút cuối cùng trên giường bệnh, ông chắc chắn vẫn còn nhớ những ngày hè đèo tôi dưới bóng cây cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi, nhớ lần ông đón tôi ở trường mầm non A mà gọi tên của tôi ở nhà, nhớ những lúc ông doạ tôi dưới gầm giường có “con cóc là cậu ông Trời,” nó sẽ nhảy lên nếu tôi không ngủ ngoan.

Bố bảo tôi ông ra đi bất ngờ lắm, vì mới hai hôm trước vẫn còn bình thường. Bạn có ghét khi phải nhận tin quan trọng thông qua một tin nhắn hay không?

Tôi ghét lắm.

Tôi ghét cái việc một ngày đi làm tưởng chừng như rất bình thường, tự nhiên biết được ông vừa mất chỉ qua 7 từ trong tin nhắn của bố. Nó không phải một cái gì đó dần dần, không phải một điều được báo trước, mà bất ngờ, đột ngột, cảm giác như mọi thứ đổ sụp trong một nháy mắt. Tất nhiên, tôi không thể trách bố, vì tôi ở một phương trời xa thì còn cách nào khác đâu để bố báo tin. Chỉ là tôi ức, ức lắm, vì không làm được gì, không nói được một lời tạm biệt tử tế với ông.

Cảm giác cô đơn và trơ trọi giống như việc đêm hôm trước bạn mới ở bên cạnh những người thân nhất, sáng hôm sau mở mắt dậy lại thấy bên mình chẳng có ai.

Tất cả mọi người đều ở bên kia bán cầu, ít nhất họ còn được ở cạnh linh cữu của ông và có thể đi cùng ông tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi, một mình, ở trong căn phòng kho cũ kỹ và bừa bộn, chỉ biết tự an ủi với bản thân mình trước khi phải quay lại với công việc sau khi giam mình trong đây hơn nửa giờ đồng hồ, rằng đây là một khởi đầu mới cho ông.

Người ta bảo du học có nhiều thứ đáng sợ lắm:

sợ học không đủ giỏi để so bì với sinh viên bản xứ, sợ không kiếm được việc sau khi tốt nghiệp, sợ bị côn đồ trấn lột ở thành phố lớn, sợ ốm, sợ không kết bạn được, sợ mất gốc văn hoá, sợ rào cản ngôn ngữ, sợ không sống quen được với khí hậu lạnh, vân vân và vân vân.

Tất cả những điều ấy là đáng sợ thật, nhưng sau 5 năm cô đơn và vất vả nơi xứ người, tôi nghiệm lại được một điều xương máu:

Đi du học, sợ nhất vẫn là mất người thân. Sự cô đơn ấy là cô đơn nhất.

Kênh 14

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000