Những kiểu người không nên  đi du học

Những kiểu người không nên đi du học

Du học là lựa chọn nên việc đi hay không phụ thuộc phần nhiều vào quyết định của bạn. Bỏ qua các vấn đề liên quan tới tài chính, liệu bạn có thực sự phù hợp với việc du học không?

1 Nhung Kieu Nguoi Khong Nen  Di Du Hoc

Với mình, ba kiểu người dưới đây không nên du học

1. Không chịu thay đổi

Bạn có phải một người dễ thay đổi và thích nghi để phù hợp với cuộc sống mới không? Nếu không, chắc chắn việc du học không dành cho bạn.

Du học là tới một quốc gia mới. Dù gần hay xa, môi trường, con người và cuộc sống ở đó cũng rất khác so với Việt Nam. Du học có thể 6 tháng, một năm hoặc lâu hơn và liệu bạn từng tưởng tượng mình sẽ ra sao và sẵn sàng đối mặt với cuộc sống đó như thế nào chưa? Không chỉ là cuộc sống mà môi trường học tập cũng như phương pháp giảng dạy tại mỗi quốc gia sẽ có những điểm khác nhau nhất định. Liệu bạn có đủ tự tin để lên đường và trải nghiệm những sự thay đổi đó không?

Mình tự nhận có khả năng thích nghi tương đối tốt với sự thay đổi. Thế nhưng, khi sang Đức du học theo chương trình học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu, mình mất gần hai tháng để tạm quen với cuộc sống và môi trường mới.

Học chương trình dạy bằng tiếng Anh và không thể giao tiếp bằng tiếng Đức, mình choáng váng khi lần đầu vào siêu thị bởi xung quanh chỉ toàn tiếng Đức. May mắn, khả năng thích nghi giúp mình nhanh chóng "nảy số" để dùng các phần mềm hỗ trợ dịch ảnh và tạm thời "chống cháy" trong thời gian "chân ướt chân ráo". Đó chỉ là ví dụ nhỏ trong vô vàn sự thay đổi khác mà một "du học sinh đích thực" buộc phải đối mặt.

2 Nhung Kieu Nguoi Khong Nen  Di Du Hoc

Phan Quốc Dũng trong một lần đi siêu thị trong thời gian du học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phan Quốc Dũng, người từng học thạc sĩ tại Đức và Đan Mạch theo học bổng Erasmus Mundus, chỉ ra những kiểu người không thích hợp du học.

2. Không chịu được áp lực

Bạn có dễ dàng gục ngã trước áp lực không? Nếu có, hãy cân nhắc lựa chọn du học bởi đó là con đường rất nhiều áp lực. Rất nhiều du học sinh phải vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống. Dù giành được học bổng hay được bố mẹ hỗ trợ tài chính, bạn vẫn sẽ phải trải qua những gánh nặng nhất định về tâm lý, ít nhất là việc không thể về nước với một kết quả tệ hại khi đã may mắn được học tập, trải nghiệm ở một quốc gia khác.

Bạn sẽ phải nỗ lực để ổn định cuộc sống, học tập, vượt qua những kỳ thi, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Đừng quên, bạn sẽ phải vượt qua tất cả một mình. Gia đình hay bạn bè lúc đó không thể ở gần và cũng không thể cho bạn lời khuyên hay động viên mỗi sớm tối do lệch múi giờ. Mình cũng chắc chắn nhiều bạn sẽ có lúc rơi vào tình trạng không dám gọi về nhà để nghe bố mẹ động viên khi ốm đau bởi sợ bố mẹ lo. Mình cũng từng ở trong trường hợp đó.

Nếu không chịu được áp lực, con đường du học rất dễ bị dở dang và có thể bạn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng hơn như tự ti, trầm cảm, thậm chí không muốn tồn tại nữa. Chắc hẳn, thi thoảng bạn vẫn thấy báo đài có tin tức về những trường hợp như vậy.

Covid-19 và những yếu tố khác khiến mình trải qua hai năm du học thạc sĩ sóng gió. Mình thậm chí bị bể đề tài nghiên cứu luận văn tại Lào. Dù đã mất nhiều công liên hệ, mình không thể tới Lào vào phút chót do nước này đóng cửa biên giới. Thời điểm đó, mình chịu nhiều áp lực. Nếu không thể xoay chuyển, có lẽ giờ này mình chưa nhận được bằng thạc sĩ chuyên ngành "Rừng nhiệt đới" và "Rừng và sinh kế" từ hai trường ở Đức và Đan Mạch.

3. Sống phụ thuộc, không tự thân vận động

Bỏ qua áp lực học tập, bạn vẫn phải ăn uống, duy trì một nếp sống và sinh hoạt ổn định. Có thể ở nhà bạn được bố mẹ cưng chiều, sáng có người gọi dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng, chở bạn đi học; chiều có người dọn dẹp phòng ốc, gom quần áo đi giặt sạch thơm tho; tối sẽ có người đốc thúc bạn học hành.

Còn khi du học, bạn phải tự mình làm tất tần tật mọi thứ, từ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ cho tới dọn dẹp phòng ốc, chưa kể phải tự mình lên lịch trình học tập và sinh hoạt nữa. Nghe thì dễ nhưng thực tế chưa chắc bạn thích nghi được với việc "có làm thì mới có ăn" này.

Có thể bạn chưa biết, ở các nước, không dễ dàng gì để bạn có thể thuê người "làm hộ" mình mọi việc trong cuộc sống. Tất cả hoạt động liên quan tới dịch vụ đều vô cùng đắt đỏ. Ví dụ việc dọn đồ và chuyển nhà, ở Việt Nam bạn có thể liên hệ các đơn vị vận chuyển một cách dễ dàng, hay ít nhất cũng có cả chục anh chị em bằng hữu qua giúp. Nhưng một khi đã du học, câu chuyện này lại khác rất nhiều. Mình từng phải tự mình sơn sửa và dọn dẹp phòng ở chỉ vì biết giá thuê nhân viên quá tốn kém.

Đó cũng là lý do, khi xác định du học hay muộn hơn là khi biết kết quả trúng tuyển trường nào đó ở nước ngoài, nhiều gia đình cho con đi học nấu ăn, hay bắt đầu hướng dẫn con lau dọn nhà cửa, giặt quần áo - những việc tuy rất nhỏ nhưng nhiều bạn chưa phải làm bao giờ.

Du học khó khăn, vất vả và cũng có nhiều vấn đề. Nhưng nếu quyết tâm thay đổi bản thân, thích ứng một cách linh hoạt, chắc chắn bạn sẽ trở về với một phiên bản tốt nhất của mình. Anh chị em du học sinh vẫn hay đùa nhau: "Hồi đó khó khăn thế còn vượt qua được, thì bây giờ còn sợ gì nữa". Nghe có vẻ vô lý, nhưng hãy tự trải nghiệm và đắm mình trong những thay đổi, áp lực và cả nhiệm vụ phải hoàn thiện bản thân từng ngày, từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, dọn dẹp, bạn sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Cuối cùng, mình muốn nhấn mạnh một lần nữa du học không phải màu hồng. Nó chỉ dành cho những người có đam mê và hoài bão đủ lớn, có sự chuẩn bị kỹ càng mọi thử để sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và khó khăn.

Du học không đơn giản là đi để có cái mác sang chảnh khoe với mọi người, nó thực sự là hành trình của sự thay đổi và trưởng thành.

Nguồn: VNexpress.net


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000