Tâm sự của một Việt kiều: Tôi được gì và mất gì khi ở lại Đức?

Tâm sự của một Việt kiều: Tôi được gì và mất gì khi ở lại Đức?

Gắn bó với nước Đức gần hết những năm tháng tuổi 20, nên tôi có rất nhiều tình cảm, kỷ niệm, và nhiều điều phải cảm ơn nơi này. Nhưng thực sự tôi chưa bao giờ thấy đây là xã hội của mình.

1 1 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Toi Duoc Gi Va Mat Gi Khi O Lai Duc

Tôi đã từng phân vân về vấn đề trở về hay không trở về, và tôi cũng đã có một bài viết về nó. Xin chia sẻ với các bạn.

Tôi sang Đức từ năm 2010. Một năm đầu học tiếng, sau đó là 4 năm theo học đại học và đi làm từ hai năm nay. Hợp đồng lao động của tôi là vô thời hạn. Theo luật thì ba năm nữa là đủ điều kiện để lấy giấy tờ cư trú vô thời hạn hoặc là đổi Pass Đức.

 

1 2 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Toi Duoc Gi Va Mat Gi Khi O Lai Duc

 

Nghĩa là, bây giờ tôi đang có một công việc và một cuộc sống tử tế ở bên Đức, và việc về hay ở với tôi bây giờ hoàn toàn là quyết định cá nhân, chứ không phụ thuộc vào cái gì cả. Phải giải thích tỉ mỉ như thế, bởi nếu ai đó nghĩ rằng, phải về do chính quyền Đức không cho ở lại, thì bài viết này của tôi sẽ mất hết ý nghĩa khách quan.

Những cái được khi ở lại Đức?

Trước hết phải nói đến một môi trường cực kỳ sạch. Ở đâu cũng thấy rừng. Rừng ngay sát thành phố, rừng trải dài bao bọc những con đường cao tốc. Thế nên không khí lúc nào cũng trong lành. Điều này thì đúng là ở Việt Nam bây giờ có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được. Thích nhất là những khi chạy bộ trong rừng, hít thở không khí trong lành, thấy nó mới sảng khoái làm sao. Chẳng bù cho về Việt Nam, gần nhà chả có chỗ nào mà chạy. Muốn chạy thì phải mất 15.000 xe ôm lên tận Bờ Hồ lấy tí không khí trong lành, mà vừa chạy vừa phải để ý không có xe nó tông cho một cái thì hết cả thể dục thể thao :).

Ưu điểm tiếp theo là một hệ thống giao thông tuyệt vời. Ý thức lái xe của dân Đức cũng rất tốt. Thế nên đã lên xe là cứ đường anh anh chạy, đường tôi tôi chạy, chứ chả phải nhìn trước ngó sau, vượt được là vượt, đè được là đè, như chúng ta. Mỗi lần đi (nhờ) xe, tôi đều có một mong muốn, giá mà đường xá ở Việt Nam cũng được như thế này nhỉ. Hệ thống giao thông cộng cộng cũng rất tốt. Thế nên nếu như Hamburg mà đá với München, thì cũng chỉ cần 6 giờ là tới nơi rồi. Nghĩ đến những đoàn tàu thống nhất đằng đẵng 32 tiếng từ Hà Nội vào TP HCM mà thấy chạnh lòng.

1 3 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Toi Duoc Gi Va Mat Gi Khi O Lai Duc

 

Điểm tiếp theo là một môi trường làm việc tốt. Đã vào đến công việc là người Đức công tâm, tất cả vì cái chung. Mình không biết cái gì, họ chỉ đến nơi đến chốn. Cái tính cách đấy tôi cực kì khâm phục. Đúng là tính cách của một dân tộc lớn. Đơn giản họ ý thức được rằng, có qua có lại, sẽ học hỏi được những cái tốt của nhau, và cùng nhau tiến bộ. Chứ chả như chúng ta (ngay từ thời đi học) đã biết cách giấu giếm, sợ người khác giỏi hơn mình. Để rồi tự kìm hãm lẫn nhau phát triển :(.

Đấy là một xã hội văn minh và yên bình. Họ đã phát triển hơn chúng ta quá nhiều, chả biết bao giờ mới đuổi kip được. Để mà kể hết những mặt tốt đẹp ra thì có mà mất cả ngày. Một quốc gia hùng mạnh, tiếng nói có trọng lượng nhất trong liên minh châu Âu, và cũng có sức nặng trên trường quốc tế. Cầm cái Pass Đức đi đến đâu cũng dễ dàng, và ít nhiều cũng được nể trọng.

Thế nhưng, tôi đã quyết định, tôi sẽ về Việt Nam. Không phải là ngày một ngày hai, nhưng chắc chắn sẽ về (trước khi lên đầu 3). Bởi vì sao?

Theo tôi, cái yếu tố quyết định nhất, là bởi vì sự khác biệt về văn hoá, lối sống, cách nghĩ, cách ứng xử. Chính vì lẽ đó nên tôi không thể, và cũng không muốn ép buộc bản thân mình phải cố gắng hoà nhập với xã hội người ta làm gì cả. Bởi mình biết dù có cố gắng đến đâu, thì cũng chỉ hoà nhập được ở một mức độ nào đó thôi. Thỉnh thoảng ra đường, bắt gặp những ánh mắt thiếu thiện cảm, thậm chí có phần khinh miệt của người Đức với dân châu Á mình, là cảm thấy hết có hứng ở lại nơi này rồi. Hay như ở công ty, tôi đã gặp một số đồng nghiệp già người Việt, sang bên này cũng đã mấy chục năm, nhưng họ cũng chả thể hoà nhập hoàn toàn được.

Bản thân tôi, đi làm cũng hai năm rồi, mà cũng không thân thiết với đồng nghiệp người Đức nào. Bởi vì họ suy nghĩ khác mình quá. Có thể trong công việc, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng ví dụ như ở Việt Nam, mọi người sau giờ làm, hoặc là cuối tháng, là có thể rủ nhau đi uống bia hoặc đi ăn thịt chó được. Còn ở đây thì…hãy đợi đấy. Người Đức, họ chia rẽ rất rành mạch giữa việc riêng và việc tư. Đồng nghiệp chỉ là đồng nghiệp, gói gọn trong công việc, còn bạn bè và cuộc sống cá nhân lại là một phạm trù hoàn toàn khác.

 

1 4 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Toi Duoc Gi Va Mat Gi Khi O Lai Duc

 

Nói thêm về những người Việt Nam. Ở đây lâu, không thể hoà nhập hoàn toàn với cuộc sống bên này đã đành. Còn về Việt Nam thì họ cũng không thể, không dám, bởi họ đã có gia đình, đã quen với cuộc sống ở đây rồi. Nghĩ về Việt Nam là họ thấy sợ. Sợ ốm đau bệnh tật mà hệ thống y tế còn hạn chế, sợ an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông… nói chung là sợ đủ thứ. tôi thì rất dị ứng với cái bệnh “sợ đủ thứ” và bệnh “chê bai” này. Đành rằng thực tế nó phần nào là như vậy. Nhưng mà, đã không đóng góp được gì thì thôi, chứ còn quay lưng lại với nơi chôn rau cắt rốn của mình thì chả ra sao cả. Sao người ta không nghĩ là mình đã sinh ra và lớn lên ở đâu nhỉ? Và cũng từ cái bệnh đấy, có thể thấy rằng, càng ở lâu, sợi dây liên lạc với quê hương càng mong manh dần. Đáng chú ý ở chỗ, cái quá trình đấy nó diễn ra rất âm thầm. Âm thầm đến mức người ta cũng không thể ý thức được là mình đã thay đổi. Cho đến lúc, thấy Việt Nam đã là một cái gì đó quá xa vời. Còn nước Đức cũng chả phải là cái gì thân thuộc, là máu thịt của mình. Điều đó có phải là bi đát không?

Điều thứ ba là tôi rất lo cho những đứa con của mình sau này (đây là nói chuyện tương lai, chứ tôi chưa có baby nhé :). Chúng nó nếu sinh ở ở Đức, thì sẽ được chăm sóc rất tốt, được chính phụ trợ cấp về kinh tế, có điều kiện học hành tử tế… Thế nhưng có một điều quan trọng nhất, chúng sẽ không còn là người Việt Nam, mà đại khái kiểu như khoai tây ngâm nước gạo. Bởi theo quan điểm của tôi, dù mình có cố gắng dạy dỗ, truyền thụ cho nó suy nghĩ, lối sống, tâm tư tình cảm của người Việt, nhiều đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ là một phần. Ở trường và ra ngoài xã hội, tất nhiên là nó cũng sẽ hấp thụ văn hoá và lối suy nghĩ của người Đức. Để rồi, bố mẹ lại thấy, con mình mà như con người ta, muốn nó có những suy nghĩ, tâm tư tình cảm giống mình mà không được. Rồi mỗi khi có dịp về nước, ông bà thì mong ngóng cháu, muốn được vỗ về chiều chuộng cháu, mà nó lại cứ dửng dưng, chả biết ai vào với ai.

Biết được như thế, nên tôi sẽ không bao giờ để cho mình phải rơi vào hoàn cảnh đấy cả. Thà rằng có thể ở Việt Nam có một số mặt không bằng bên đấy, nhưng ít ra sau này con tôi sẽ là một người Việt giống tôi.

Thêm nữa là cuộc sống ở đây quá bình lặng, bình lặng đến mức buồn tẻ. Nhất là những ngày chủ nhật, đường phố vắng lặng còn hơn cả sáng mùng 1 ở Việt Nam. Mà tôi thì quen với cảm giác đông đúc nhộn nhịp xô bồ ở Việt Nam rồi, nên không thể chịu nổi sự bình lặng đấy.

Mỗi người một suy nghĩ, một lựa chọn khác nhau. Bài viết này tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người. Ở lại cũng có mặt tốt mặt xấu. Về cũng vậy. Gắn bó với nước Đức gần hết những năm tháng tuổi 20, nên tôi cũng có rất nhiều tình cảm, kỷ niệm, và nhiều điều phải cảm ơn nơi này. Nhưng thực sự tôi chưa bao giờ thấy đây là xã hội của mình. Thế nên thôi cứ làm theo lời ông bà ta vậy “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Và, biết về Việt Nam là sẽ có nhiều khó khăn, sẽ phải mất nhiều thời gian để hoà nhập lại. Nhưng, đã quyết là không hối tiếc.

 

Phạm Nhật Thành

 

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC