Các trường ĐH của Đức cấp bằng ĐH theo nhóm ngành?

Các trường ĐH của Đức cấp bằng ĐH theo nhóm ngành?Muốn du học tại Đức tôi phải đạt được điều kiện gì? Các bằng ĐH được cấp tại các trường ĐH của Đức ra sao, vì tôi nghe nói mỗi nhóm ngành có tên gọi riêng?

Thông tin của Văn phòng đại diện DAAD Hà Nội:

Muốn du học tại Đức, các du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào hệ đào tạo ĐH chính quy tại một trường ĐH Việt Nam được công nhận và học xong một học kỳ (đạt tối thiểu 30 tín chỉ/học kỳ) có thể được chuyển vào dự bị ĐH trong cùng nhóm ngành hoặc sau khi học xong khoảng bốn học kỳ có thể được chuyển thẳng vào một trường ĐH trong cùng nhóm ngành.

Theo đó, ứng viên phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH và trúng tuyển trong kỳ thi đó (với điểm đỗ tối thiểu cho từng môn là 5, điểm đỗ tối thiểu tổng cộng là 15). Hệ đào tạo ĐH chính quy không phải hệ bổ túc, hệ cao đẳng, hệ chuyên tu, hệ học từ xa, hệ mở rộng, hệ tại chức...

Bằng cấp đầu tiên có thể đạt được tại các trường ĐH Tổng hợp, ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Đức là bằng Diplom, bằng Magister/Magistra Artium và bằng Staatsexamen (bằng tốt nghiệp quốc gia). Sau khi hoàn tất nghiên cứu sinh, học vị được phong là tiến sĩ (Dr.). Bên cạnh các bằng cấp vừa nêu, hai bằng cấp quốc tế cũng được đưa vào chương trình là bằng Bachelor (BA hay BSc) và bằng Master (MA hay MSc).

Tại các trường ĐH Khoa học ứng dụng, bằng tốt nghiệp là bằng "Diplom (FH)" hay các bằng cấp quốc tế Bachelor và Master.

- Diplom (Dipl.): Bằng cấp này là bằng tốt nghiệp các ngành Khoa học, các ngành Kỹ thuật, các ngành Kinh tế và phần lớn các ngành Xã hội. Sau khi hoàn tất các khóa học được quy định trong chương trình, bạn phải viết một bài luận án tốt nghiệp (Diplomarbeit) và sẽ trải qua vài kỳ kiểm tra viết cũng như vấn đáp.

- Magister/Magistra Artium (M.A.): Tốt nghiệp các ngành Nhân văn và một vài ngành Xã hội, bạn đạt được bằng cấp này. Khác với kỳ kiểm tra Diplom, kiểm tra Magister/Magistra Artium được thực hiện trong hai môn học chính hay một môn học chính và hai môn học phụ. Kiểu kiểm tra cụ thể có khác nhau giữa các trường ĐH, nhưng điểm chung là phải viết một bài luận văn tốt nghiệp và sẽ trải qua các kỳ vấn đáp.

- Staatsexamen: Các ngành Sư phạm, Luật, Y và Dược là các ngành bị kiểm soát bởi Chính phủ Liên bang hay các Chính phủ Tiểu bang. Tại Đức, tốt nghiệp các ngành vừa nêu và có bằng Staatsexamen mới được phép hành nghề. Để tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài học Luật, một số trường có chương trình Luật thi bằng Magister.

- Bachelor và Master: Ngày càng có nhiều trường ĐH có các chương trình đào tạo theo hệ thống quốc tế Bachelor/ Master.

- Nghiên cứu sinh/ Tiến sĩ: Có thể làm nghiên cứu sinh trong tất cả các ngành tại các trường ĐH Tổng hợp, ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Đức. Điều kiện then chốt là tốt nghiệp ĐH (Dipl., M.A., Staatsexamen hay MA, MSc) vào loại giỏi.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000