Mặt tối của du học: Vỡ mộng vì những lời hứa “hão”

Mặt tối của du học: Vỡ mộng vì những lời hứa “hão”

Sang xứ người, không tiếp tục được học theo lời hứa của công ty môi giới, cũng chẳng thể về vì đã tiêu tốn tài sản của gia đình, nhiều sinh viên rơi vào thế khốn đốn…

6036 Content Du Hoc Vo Mong Vi Nhung Loi Hua Hao

Đi dễ, về khó…

Gia đình đã phải cầm hết giấy tờ nhà và các tài sản khác để Linh, cô con gái đầu lòng sang Pháp du học. Theo lời hứa của một công ty tư vấn, chi phí trọn gói cho một khóa học tiếng là 10.000 USD. Công ty cũng hứa, sau khi vốn tiếng Pháp khá lên, sẽ tìm cho em một công việc làm thêm đủ chi trả mọi chi phí học hành, ăn ở.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại một triển lãm du học Nhưng khi sang đến Pháp, công ty kia cũng biến mất cùng với lời hứa ngày nào đã tan thành mây khói. Vậy là Linh phải tự xoay sở tất cả mọi việc.

Sau khoảng 1 năm, Linh không thể tiếp tục học hành vì khả năng tài chính không cho phép. Trở về Việt Nam cũng không thể vì đã trót tiêu tốn tất cả tài sản của gia đình. Vậy là đành ở lại Pháp với danh nghĩa học, nhưng thực chất là ở lại làm thuê cho các cửa hàng những công việc như rửa chén đĩa, đưa báo.

Du học: trả hoa hồng môi giới cao để “dụ” học sinh Các trường nổi tiếng thì “hữu xạ tự nhiên hương”;

còn những trường thuộc “chiếu dưới” thì chiêu tuyển sinh mà họ tập trung nhiều nhất là đầu tư vào các trung tâm môi giới thông qua việc trả hoa hồng cao lên để các trung tâm này tăng cường quảng cáo chiêu dụ sinh viên.

Tuấn là một SV ưu tú của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện đang du học ở Đức. Sau 2 năm không vượt qua được kì thi DAAD, gia đình cậu cũng không đủ khả năng cho em tiếp tục theo học một khóa học tiếng khác.

Tuấn đành ngậm ngùi trở về Việt Nam trong khi kết quả bảo lưu thi ĐH đã hết, em đành chờ thi lại ĐH vào năm sau.

Muốn theo học ở một trường ĐH nước ngoài, học sinh đều phải trải qua các kì thi năng lực tiếng, thường là đạt điểm ở mức nào đó của các chứng chỉ: HSK (Trung Quốc) ), TOEFL hoặc IELTS (Mỹ, Canada, Anh, Úc), DELF (Pháp), DAAD (Đức), 1kyu, 2kyu (Nhật)..

Nhiều SV khi sang đến nước bạn vẫn lầm tưởng về việc sẽ được vào học ĐH ngay hay được học chuyển tiếp.

Trong thực tế, hầu hết các nước vẫn chưa chấp nhận bằng cấp của Việt Nam. Muốn vào ĐH, phải trải qua thời gian học dự bị. Chi phí cho việc học tiếng và học dự bị thông thường đắt hơn chi phí học ĐH rất nhiều. Nhiều người vì không tìm hiểu kĩ nên đã xảy ra những sai lầm đáng tiếc.

Sinh viên T. T. V đã du học tại Singapore 1 năm trở về Việt Nam mà không có bằng cấp gì ngoài một tờ giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình Anh văn tại một trường ngoại ngữ ở Singapore.

Trước khi đi Singapore, V đã được công ty du học tư vấn là muốn đi Anh với chi phí rẻ mà không cần chứng minh tài chính, không cần phỏng vấn trình độ ngoại ngữ, thì đăng ký đi theo diện du học chuyển tiếp, tức là qua Singapore học ngoại ngữ 1 năm, sau đó qua Anh học ĐH.

Nhưng khi đến Singapore, V. được đưa đến một trường dạy ngoại ngữ “tầm tầm”.

Học Anh văn 1 năm, cậu chẳng nghe nhà trường nói gì về chuyện chuyển tiếp sang trường ĐH khác ở Anh, nên đành phải trở về Việt Nam với những tốn kém ban đầu tổng cộng trên 5.000 USD.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều lưu học sinh sau bao nỗ lực đặt chân vào được giảng đường ĐH nhưng lại nhanh chóng bước ra. Bởi lẽ nhiều người nghe giảng như vịt nghe sấm, không hiểu được bài giảng, sinh ra chán nản, nên bỏ bê học tập, lao vào chơi bởi hư hỏng, hoặc làm một công việc khác mà họ cho là có ý nghĩa thiết thực hơn: kiếm thật nhiều tiền.

Có phải là thiên đường?

Nhiều người cho rằng cứ ra nước ngoài và trở về với một tấm bằng “ngoại” là làm gì cũng được. Nhưng thực tế không hoàn toàn êm đẹp và dễ dàng như vậy. Ở các nước trên thế giới, hệ thống các trường ĐH rất đa dạng, phong phú.

Có trường công, trường tư, trường của hiệp hội, CLB, các tổ chức kinh tế, giáo dục…và có cả trường của các doanh nhân thành đạt…Ngành nghề đào tạo thì vô cùng đa dạng, có những ngành thậm chí chưa được biết đến ở Việt Nam.

Trung là một SV Việt Nam ở Nga tâm sự:

tôi chẳng có mong muốn gì hơn là được yên ổn để học hành. Ở đây tôi không dám ra đường sau 7h tối vì nỗi bất an vì bọn đầu trọc, chúng tôi đi ra đường phải mang theo dao, bình xịt hơi cay, côn…

Hùng du học sinh ở Canada thì nói:

“Sau nhiều tháng dành dụm mua được 1 chiếc laptop trị giá 2500 USD, chưa dùng được 1 lần nào, một ngày bọn Arập đến và lấy đi tất cả: máy tính, điện thoại và tất cả những vật dụng có giá trị khác.

Hà là du học sinh ở Mỹ, thổn thức khi nhận được tháng lương đầu tiên:

“người ta không coi chúng tôi ra gì, chúng tôi đến đây để học chứ không phải để làm thuê. Công việc hiện nay chỉ là khổ nhục kế, lấy ngắn nuôi dài. Những đồng tiền kiếm được ở quê nhà dù có vị mặn của mồ hôi và nước mắt nhưng không chua chát và đắng ngắt như những đồng đô la nhận được nơi xứ người…”

Những câu chuyện người thật việc thật về SV du học có lẽ sẽ vẽ nên một bức tranh khác về thiên đường du học vẫn tồn tại trong suy nghĩ nhiều người với những gì tốt đẹp nhất.

 

Lê Giang - Theo: VietNamNet


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000