Sinh viên chấm điểm thầy

Sinh viên chấm điểm thầyBắt đầu một học kỳ mới, việc đầu tiên của sinh viên ở Đức là chọn môn và chọn… thầy. Nếu ở Vn lịch học đã có nhà trường sắp xếp, thì ở bên đây sinh viên phải tự thu xếp thời gian, lên chương trình học cho mình một cách phù hợp nhất.

Hai tuần trước đầu học kỳ, trên forum của khoa tôi bài viết đã đăng lên tấp nập. Có bạn bật mí thông tin: môn luật kinh tế kỳ này sẽ do một tiến sỉ, hiện đang là đại biểu quốc hội Châu âu, thỉnh giảng.

Muốn tham gia thì phải đăng ký sớm. Nhanh chân thì còn, chậm chân thì hết. Ngoài ra bài còn thêm đường link trang web gồm lý lịch trích ngang và các đề tài mà vị tiến sỉ này quan tâm.

Một anh bạn năm thứ tư trường tôi lý luận: môn học yêu thích là một chuyện, ngoài ra còn phải giáo sư giỏi, đặc biệt chuyên về ngành đó nữa. Có khi đó cũng là cơ hội đào sâu thêm các đề tài của mình sau này.

Nhiều sinh viên không kịp đăng ký, họ thà chọn ngành khác thay thế để chờ học kỳ sau, chọn lại người thầy mà mình ưng ý, chứ nhất quyết không chịu học “tạm”. Vì vậy ở trường đại học bên này, giờ của các vị giáo sư giỏi, nổi tiếng luôn đông nghẹt sinh viên. Có khi các bạn còn phải ngồi ra cả bậc thềm nghe giảng.

Thường thì tên tuổi của người thầy là tiêu chí để sinh viên chọn có nên học môn đó hay không. Anh bạn tôi suốt bốn học kỳ liên tiếp chỉ theo học một thầy duy nhất. Điểm cao, cùng với việc chung hướng nghiên cứu với vị giáo sư này đã giúp anh ta dễ dàng xin làm tiếp luận án tiến sỉ tại trường.

Với các bạn ít thiên về hướng chuyên sâu nghiên cứu, thì việc chọn thầy chẳng qua là một cách tạo hứng thú trong việc học.

Có thể vị giáo sư đó chưa phải nổi tiếng nhất, nhưng lại có cách giảng bài khôi hài, thích tổ chức học nhóm, hay thậm chí không quá khó khăn trong việc thi cử, chú ý nhiều hơn đến quá trình học trong lớp…

Những thông tin này có thể dễ dàng tìm thấy trên trang web của khoa, hoặc những diễn đàn chính thức hay không chính thức của sinh viên.

Việc sinh viên “chọn thầy” ở đây còn thể hiện rất rõ ở bản đánh giá chất lượng tiết học được phát vào cuối học kỳ. Trong bảng đó có gần phân nữa nhận xét về người giảng viên đứng lớp. Thí dụ như: thầy giáo có nhiệt tình trong việc truyền đạt kiến thức hay không ?, tài liệu và sách hướng dẫn thầy đưa ra cho sinh viên có đầy đủ ?, các câu hỏi của sinh viên được trả lời trong lớp như thế nào..?

Và với thang điểm từ “rất tốt”, “tốt”, “trung bình”, “kém” sinh viên có thể cho điểm thầy theo cách đánh giá của mình. Cùng với số sinh viên tham gia học mỗi học kỳ, chất lượng của giảng viên giỏi hay dở được thể hiện rất rõ ràng. Những giảng viên chưa giỏi -hoặc phải nâng cao chất lượng, hoặc sẽ bị đào thải trong những học kỳ sau.

Chúng tôi vẫn nhớ như in lời của giáo sư môn xả hội học vào học kỳ năm ngoái. Ông là một tên tuổi nổi tiếng trong ngành và chuẩn bị về hưu trong năm nay. Vị giáo sư này kết thúc tiết học cuối cùng bằng câu cảm ơn tất cả các bạn có mặt trong giảng đường hôm đó. Ông bảo: chính sinh viên mới là một trong những yếu tố quan trọng làm nên tên tuổi của người thầy.


Theo TPO.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000