Đức: Lo lắng sụt giảm sinh viên quốc tế

Đức: Lo lắng sụt giảm sinh viên quốc tế

Các trường đại học Đức bày tỏ quan ngại liên quan đến nhóm sinh viên quốc tế, về vấn đề tài chính và tâm lý mà các em đang phải đối mặt trong đại dịch Covid-19. Trong đó, số lượng sinh viên năm nhất sụt giảm.

Khoảng 100 trường đại học đã lên tiếng về những lo ngại và thách thức liên quan đến vấn đề quốc tế hóa và khủng hoảng Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến mới đây do Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) tổ chức.

Trong cuộc họp trực tuyến do Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) tổ chức gần đây, khoảng 100 trường đại học đã bày tỏ lo ngại và thách thức về quốc tế hóa và khủng hoảng do Covid-19 mang lại.

Joybrato Mukherjee, Chủ tịch DAAD, cho biết: “Một số trường đại học thành viên của chúng tôi đang lo lắng về việc tuyển dụng và giữ chân sinh viên quốc tế. Số lượng sinh viên năm nhất sụt giảm cũng rất đáng lo ngại. Nó ảnh hưởng tới tình hình tài chính của các trường và sức khỏe tinh thần của nhiều sinh viên quốc tế”.

1 1 Duc Lo Lang Sut Giam Sinh Vien Quoc Te

 

Ông Mukherjee chỉ ra nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn ở lại Đức phải chịu cảnh “bó gối”, không được giao tiếp với mọi người. Khi sức khỏe tinh thần gặp vấn đề, các em tìm đến dịch vụ tư vấn trong các trường đại học. Ông Mukherjee khẳng định sinh viên quốc tế là ứng cử viên lý tưởng cho các vị trí học thuật trong hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu tại Đức. Họ đóng góp rất nhiều cho ngành công nghiệp của quốc gia này.

“Các trường đại học và xã hội không thể để mất nhóm sinh viên quốc tế, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Các chính trị gia, các nhà giáo dục cần quan tâm hơn nữa tới sinh viên quốc tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19”, ông Mukherjee nói thêm.

Ngoài các gói hỗ trợ của trường đại học, chính quyền các bang được đề nghị tăng cường dịch vụ tâm lý xã hội cho sinh viên quốc tế, kết nối sinh viên quốc tế tại các trường trong thời gian các em ở lại học trực tuyến tại Đức.

Theo DAAD ước tính, 100.000 trong khoảng 320.000 sinh viên quốc tế đang bị kẹt trong tình trạng tài chính eo hẹp. Các em nhận làm thêm bán thời gian trong ngành dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, do Covid-19, những ngành này đều cắt giảm đáng kể số lượng việc làm dẫn đến nhiều sinh viên bị mất việc.

Trước đó, Bộ Giáo dục Đức đã hợp tác với Hiệp hội quốc gia về các vấn đề của sinh viên Đức cho ra mắt gói thanh toán bắc cầu dành cho sinh viên quốc tế. Gói cứu trợ sẽ tiếp tục được trao cho các em sinh viên đến tháng 9/2021. Động thái này được DAAD hoan nghênh, ủng hộ nhưng các trường đại học hy vọng số lượng sinh viên được hỗ trợ sẽ tăng trong thời gian tới.

Báo cáo của DAAD cho thấy, tổng số sinh viên quốc tế đến Đức đã tăng vào năm 2020, nhưng số lượng sinh viên năm nhất giảm 20% trong học kỳ mùa thu năm 2020. Tính cả năm, số lượng sinh viên năm nhất giảm từ 10 - 15%.

Brexit và việc Anh rời khỏi chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh châu Âu, Eramus+ cũng được cho là sẽ có tác động xấu đến lựa chọn của thí sinh nước ngoài. Các trường đại học Đức quan ngại tình hình sụt giảm sinh viên quốc tế sẽ tiếp diễn trong các năm tiếp theo.

Mukherjee cho biết: “Những ảnh hưởng mà Brexit đang gây ra và việc chấm dứt hợp tác với Anh lên quốc tế hóa đại học là rất lớn. Vấn đề này có thể kéo dài trong nhiều năm tới nếu chúng ta không thể tìm cách tháo gỡ kịp thời”.

Trước những khó khăn trên, Trung tâm chuyên môn về Hợp tác quốc tế tại DAAD đã đưa ra một số biện pháp cho các trường đại học trong thời gian tới. Trong đó bao gồm tư vấn, mở thêm lớp học trực tuyến, cập nhật các thông tin mới nhất của trường, bang và chính phủ cho sinh viên quốc tế.

Nguồn GD&TĐ


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000