Bí quyết thần tài = thời gian khổ luyện

Bí quyết thần tài = thời gian khổ luyệnLiệu có tồn tại cái gì đó như năng khiếu bẩm sinh? Thành công là năng khiếu cộng với sự chuẩn bị. Tuy nhiên, càng phân tích sâu sự nghiệp của những nhân tài, các chuyên gia tâm lý dường như càng thấy năng khiếu bẩm sinh đóng vai trò không đáng kể...

Những nghiên cứu do chuyên gia tâm lý, giáo sư Anders Ericsson cùng các cộng sự thực hiện vào đầu những năm 90, thế kỷ XX tại Học viện Âm nhạc Beclin (Đức) có thể là tư liệu đáng tin cậy cho cuộc tranh luận này. Với sự giúp đỡ của các giáo sư tại Học viện, người ta đã chia sinh viên lớp violon thành ba nhóm. Những ngôi sao – nguyên liệu tiềm năng cho những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới được xếp vào nhóm thứ nhất. Nhóm thứ hai tập hợp những sinh viên được xếp loại khá; còn lại số đông gần như không có tương lai trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và đối tượng ngay từ đầu đã xác định mục tiêu phấn đấu trở thành giáo viên dạy nhạc trong các trường phổ thông được xếp vào nhóm cuối cùng. Khi ấy tất cả đều nhận được câu hỏi như nhau: Bắt đầu học đàn violon từ năm mấy tuổi và số giờ tập đàn mỗi ngày (mỗi tuần).

Bí quyết thần tài = thời gian khổ luyện_0

Giáo sư Anders Ericsson

Câu trả lời nhận được: Sinh viên cả ba nhóm đều bắt đầu học đàn trong cùng độ tuổi (trên dưới 5 tuổi); trong vài năm đầu tất cả đều có số giờ tập luyện như nhau – hai, ba giờ/tuần. Những khác biệt trong học tập bắt đầu xuất hiện vào năm 8 tuổi. Những đối tượng sau này được xếp loại xuất sắc nhất lớp có thời gian tập luyện nhiều hơn so với số đông còn lại: 6 giờ/tuần vào thời điểm 8-9 tuổi, 8 giờ/tuần lúc 10 – 12 tuổi, 16 giờ/tuần vào thời điểm 13 – 14 tuổi... tăng dần đến năm 20 tuổi – có nghĩa họ chơi đàn có mục đích và quyết tâm thu gom nhiều kinh nghiệm nhất, với thời gian luyện tập lên tới trên 30 giờ/tuần. Đến khi bước vào tuổi 21, những đối tượng được xếp loại nghệ sĩ đẳng cấp cao đã luyện tập tổng cộng khoảng 10 ngàn giờ. Những sinh viên xếp loại khá đã luyện tập khoảng 8 ngàn giờ, còn nhóm đối tượng tương lai làm giáo viên dạy nhạc chỉ dành trên 4 ngàn giờ cho việc tập đàn. Khi ấy Giáo sư Ericsson và các cộng sự đã làm phép so sánh những nghệ sĩ dương cầm nghiệp dư và chuyên nghiệp, kết quả quan sát cũng tương tự.

Có chi tiết thú vị: Các nhà nghiên cứu không phát hiện được bất cứ “nghệ sĩ bẩm sinh” nào - đối tượng không cần nỗ lực học đàn nhiều, thời gian tập luyện ít hơn bạn học. Họ cũng không phát hiện ra hiện tượng “học gạo”, tức đối tượng bao giờ cũng thiếu hụt phẩm chất nào đó, cho dù tập luyện nhiều hơn người khác.

Kết quả nghiên cứu đã rút ra kết luận: Một khi đã đủ trình độ thi đỗ vào một trong những học viện âm nhạc tốt nhất, tương lai của học viên chỉ khác nhau duy nhất ở sự cần cù chăm chỉ. Không có gì nhiều hơn. Và một khi đã vươn tới đỉnh cao, họ không chỉ lao động vất vả hơn. Mà còn phải lao động nhiều giờ hơn.

“Từ những nghiên cứu trên đã hình thành bức tranh: Để đạt được trình độ cập nhật tương đương đẳng cấp thế giới trong bất kỳ lĩnh vực nào, cần phải hoàn thành 10 ngàn giờ tập luyện” – chuyên gia thần kinh học, Giáo sư Daniel Vevitin đã viết. “Trong nhiều công trình nghiên cứu với sự tham gia của các nhà soạn nhạc, các cầu thủ bóng rổ, các nhà văn, những ngôi sao trượt băng nghệ thuật, các nghệ sĩ đàn dương cầm, các danh thủ cờ vua, những phần tử tội phạm nổi tiếng và nhiều người khác, con số 10 ngàn giờ tập luyện liên tục xuất hiện. 10 ngàn giờ tức chế độ ba giờ luyện tập mỗi ngày hoặc 20 giờ mỗi tuần duy trì suốt 10 năm. Tất nhiên điều này không lý giải, tại soa một số người coi trọng vai trò của luyện tập cao hơn người khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai phát hiện được trường hợp nào đạt đẳng cấp thế giới trong thời gian ngắn hơn. Dường như não bộ chúng ta nhất thiết phải cần thời gian dài như vậy, để làm chủ  tất cả những kỹ năng cần thiết và đạt được kiến thức cập nhật thực sự trong lĩnh vực đó”.

Đơn thuốc đa năng cho thiên tài

Quy luật đã mô tả cũng thích hợp để lý giải hiện tượng những “thần đồng tý hon”. Thí dụ điển hình là Mozart, nhân vật nghe nói bắt đầu sáng tác từ năm 6 tuổi. Tuy nhiên, như chuyên gia tâm lý, giáo sư Michael Howe viết trong cuốn sách “Thiên tài đã thanh minh” của mình: “Theo góc nhìn những chuẩn mực được sử dụng để đánh giá những nhà soạn nhạc nghiêm túc, những tác phẩm trong thời gian đầu của Mozat không thể xếp vào loại xuất sắc. Dường như tất cả những bản nhạc đầu tay đều do bố của Mozat ghi lại và do ông sửa chữa. Nhiều tác phẩm thuộc thời niên thiếu của Mozart như bản hoà tấu dương cầm đầu tiên, phần lớn phần phối khí là sản phẩm của những nhà soạn nhạc khác. Trong các bản hoà tấu được coi là tác phẩm chắc chắn của Mozart, tác phẩm sớm nhất hiện nay được xếp vào loại kiệt tác (concert số 9, K271) xuất hiện vào thời điểm điểm, khi thiên tài đã 21 tuổi. Khi ấy Mozart đã có “tài sản” 10 năm thực tế lao động trong lĩnh vực này”. Nhà phê bình âm nhạc Harold Schonberg còn đi xa hơn. Ông khẳng định, trong thực tế năng khiếu của Mozart “phát triển khá muộn”, bởi những tác phẩm xuất sắc nhất của ông chỉ xuất hiện sau tuổi 20.

Các danh thủ cờ vua cũng cần trên dưới 10 năm để vươn tới đẳng cấp đại kiện tướng thế giới (chỉ riêng Bobby Fischer thần thoại là trường hợp cá biệt - chỉ cần 9 năm). 10 năm là gì? Đó là thời gian tương đương 10 ngàn giờ tập luyện. 10 ngàn giờ là con số tầm cỡ ma thuật.

Đó cũng là số lượng thời gian khổng lồ. Không thể hoàn thành số giờ lao động như thế trước thời điểm bước vào tuổi trưởng thành không có sự giúp đỡ của người ngoài. Chúng ta cần sự khuyến khích và ủng hộ của gia đình. Cũng không thể là người nghèo, bởi nếu phải tự nuôi thân, chúng ta sẽ không có thời gian trong ngày để tập luyện.

Phải chăng quy luật 10 ngàn giờ đã là đơn thuốc chung cho khát vọng thành đạt? Liệu còn có bí quyết thành công nào khác? Xin mời tham khảo hai thí dụ điển hình. The Beatles, một trong những ban nhạc rốc nổi tiếng nhất và Bill Gates, ông chủ một thời của Microsoft lẫy lừng, một trong những công dân giàu nhất thế giới.

Khổ luyện bên sân khấu thoát vũ

Chúng ta biết rằng, Lennon và McCartney bắt đầu ca hát với nhau từ năm 1957. Có chi tiết thú vị ngẫu nhiên: Từ thời điểm thành lập The Beatles và đến thời điểm tác phẩm trình diễn mang tính nghệ thuật cao nhất là thời gian đúng 10 năm. Nếu tìm hiểu sâu hơn quá trình chuẩn bị, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra quy luật số giờ luyện tập y hệt với nghệ sĩ violon phấn đấu đẳng cấp thế giới. Năm 1960, khi họ phấn đấu giành sự thừa nhận của công chúng như một trong nhiều ban nhạc rốc do giới trẻ lập ra, The Beatles đã nhận được giấy mời sang Hamburg (Đức) công diễn.

“Trong những năm 60 Humburg chưa có câu lạc bộ nhạc rốc nào, chỉ có những câu lạc bộ thoát y vũ” – Philip Norman, tác giả cuốn sách “Shout” viết về lịch sử The Beatles kể lại. “Nhằm mục đích thu hút đông đảo nhất khách hàng có thể, Bruno, chủ mạng lưới các Câu lạc bộ thoát y vũ Hamburg, nhân vật xuất thân từ “bầu” giải trí tại các công viên thành phố đã nảy ra ý tưởng mời các ban nhạc khác nhau đến câu lạc bộ biểu diễn. Theo hợp đồng, ban nhạc phải trình diễn liên tục nhiều giờ. Tại khu phố Mỹ, trò giải trí loại này được đặt tên là “thoát y vũ không nghỉ”.

Bí quyết thần tài = thời gian khổ luyện_1

“Nhiều ban nhạc đã đến Hamburg từ thành phố Liverpool, Vương quốc Anh” – Norman nói tiếp. “Tất cả đều diễn ra ngẫu nhiên. Bruno đã đến London để tìm kiếm ban nhạc mới. T ình cờ tại nhà hàng Soho ông chủ Câu lạc bộ Thoát y vũ Đức đã gặp một doanh nhân đến từ Liverpool cũng vừa đặt chân đến London tìm kiếm cơ hội làm ăn và hứa hẹn sẽ gửi vài ban nhạc trẻ đến Hamburg. Bằng cách đó, những hợp đồng đầu tiên được thoả thuận. Rút cuộc the Beatles đã liên hệ không chỉ với Bruno, mà cả với những ông chủ câu lạc bộ khác. từ đó họ thường xuyên trở lại Hamburg, bởi ở đó bao giờ cũng thừa thãi rượu và sex”.

Nhưng chuyện gì đặc biệt đã diễn ra ở Hamburg? Không phải họ  biểu diễn để làm giàu (tiền công không nhiều). Cũng không phải vì điều kiện âm thanh tuyệt vời (phòng ốc bình thường). Cũng không phải vì khán giả biết thưởng thức tài nghệ của họ. Chỉ có vấn đề duy nhất: Thời gian biểu diễn trên sân khấu. Trong bài trả lời phỏng vấn sau khi ban nhạc đã tan rã, John Lennon kể về các cuộc biểu diễn tại câu lạc bộ thoát y vũ ở Hamburg có tên là “Indra”: “Chúng tôi đã gặt hái ngày càng nhiều kinh nghiệm và ngày càng tự tin hơn. Lmà sao có thể khác, một khi chúng tôi cùng nhau biểu diễn thâu đêm? Thật tốt, khi chúng tôi có điều kiện hành nghề ở nước ngoài. Chúng tôi buộc phải ngày càng cố gắng, đặt cả trái tim và linh hồn và những gì chúng tôi làm, để hy vọng họ sẽ ký hợp đồng tiếp theo. Ở Liverpool chúng tôi chỉ có thể thực hiện những chương trình biểu diễn ngắn, tối đa 60 phút, vậy nên chỉ có thể trình bày những sáng tác duy nhất, và thường không mới. Tại Hamburg chương trình kéo dài 8 tiếng, vậy nên chúng tôi bắt buộc phải tìm phương pháp trình diễn mới”. Peter Best, nghệ sĩ trống của ban nhạc trong những năm đó kể: “Chúng tôi có 7 buổi trình diễn mỗi tuần. Thoạt đầu chúng tôi chơi liên tục đến 12 giờ 30, khi người ta đóng cửa câu lạc bộ, nhưng sau đó chúng tôi biểu diễn ngày càng hay hơn, vậy nên đám đông phần lớn nán lại đến hai giờ sáng”.

Giữa năm 1960 và 1962, Beatles đã 5 lần đến Hamburg. Trong chuyến công diễn đầu tiên họ đã thực hiện 105 buổi diễn, mỗi buổi kéo dài tối thiểu 5 giờ. Trong chuyến thứ hai họ thực hiện 92 chương trình. Chuyến thứ ba – 48 chương trình với tổng số thời gian 172 giờ trên sân khấu. Trong hai chuyến cuối cùng (tháng 11-12/1962) họ biểu diễn tổng cộng 90 giờ. Gộp lại trong thời gian 18 tháng, The Beatles đã có 270 buổi biểu diễn. Trước sự bùng nổ tiếng tăm lần đầu năm 1964 họ đã thực hiện khoảng 1.200 chương trình biểu diễn. Đa số các ban nhạc trong cả sự nghiệp của mình cũng không có cơ may thực hiện số lượng chương trình lớn như vậy. Chính lò luyện Hamburg đã tạo nên Beatles thần thoại.

“khi lần đầu đặt chân đến Hamburg, họ còn xoay sở vụng về trên sàn diễn, nhưng họ đã trở thành những nghệ sĩ thực thụ - khi trở về Anh” – Norman nhận xét. – “Họ không chỉ tự rèn luyện được sức dẻo dai. Họ buộc phải thể hiện thành thạo số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, không chỉ có rock and roll, mà cả một chút nhạc jaz”.

Tuổi trẻ máy tính

“Hàng năm ở trường chúng tôi Câu lạc bộ Mẹ học sinh vẫn tổ chức hội chợ bán đồ cũ và bao giờ cũng xuất hiện câu hỏi, tiền thu được dùng để làm gì” – con người giàu nhất hành tinh Bill Gates bây giờ nhớ lại – “Một chút chi cho chương trình hoạt động hè, nhờ thế trẻ từ các khu phố nghèo có thể đến học  ở trường chúng tôi. Một phần dành bồi dưỡng cho giáo viên. Tôi còn nhớ, khi ấy nhà trường đã chi 3 ngàn USD để mua thuê bao thiết bị đầu cuối của máy tính. Họ lắp đặt chúng tại phòng kho của nhà trường, nơi sau đó, chúng tôi nắm toàn quyền kiểm soát. Điều đó từng là sự kiện thật phi thường”.

Đúng là “sự kiện phi thường”, bởi thời đó là năm 1968. Nên nhớ, đến những năm 60, đa số các trường đại học ở Mỹ vẫn chưa được trang bị phòng máy tính. Càng phi thường hơn, khi trường trung học Lakeside đã làm chuyện đó. Hệ thống máy tính mô phỏng trên giấy trưng bày ở hầu hết các trường phổ thông, song chưa có trường nào dạy môn lập trình. Trường Lakeseide  đã lắp đặt ASR 33 Teletype, tức thiết bị đầu cuối kết nối trực tiếp với máy tính chủ tại Trung tâm ở Seattle.

Bí quyết thần tài = thời gian khổ luyện_2

                           Bill Gates

Từ thời gian đó thực tế Gates suốt ngày sống tại phòng máy tính. Cùng một số bạn ham học hỏi, cậu bắt đầu khám phá bí quyết sử dụng thiết bị kỳ lạ này.

Gần như cùng với thời gian, nhóm các nhà lập trình thuộc Đại học Washington ở Seattle đã lập ra hãng có tên là Computer Centre Corporation (thường gọi tắt là C-Cubed, tức C3) chuyên bán đường tiếp cận máy tính chủ cho các doanh nghiệp địa phương. Ngẫu nhiên, bà Monique Rona, một trong những sáng lập viên của C3 có con trai là học sinh của trường Lakeside, học trên Gates một lớp. Bà đã nghĩ ra, sáng kiến liên kết hoạt động giữa  câu lạc bộ máy tính của học sinh và C3 theo phương thức Câu lạc bộ tham gia thử nghiệm các phần mềm mới viết của C3 vào ngày nghỉ cuối tuần, đổi lại học sinh có thể sử dụng máy tính của C3. Nhiều học sinh đã nhiệt liệt tận dụng cơ hội này. Sau giờ học, Gates nhảy lên xe buýt, đi đến văn phòng hãng C3 và hý hoáy lập trình đến đêm muộn.

Thời gian sau vì C3 phá sản, Gates cùng một số bạn buộc phải thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp khác, hãng Information Sciences Inc. (ISI) t heo nguyên tắc trao đổi: ISI chấp nhận cho sử dụng máy vào thời gian rỗi, đổi lại học sinh phải viết phần mềm để ISI có thể sử dụng tự động chi trả lương theo danh sách có sẵn. Suốt bảy tháng trong năm 1971, Gates và các bạn đã cặm cụi làm việc 1.575 giờ bên máy tính chủ của ISI, tức trung bình tám giờ một ngày suốt bảy ngày trong tuần.

Trốn nhà vào lúc nửa đêm

“Máy tính đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi” – Gates kể về những năm đầu trung học của mình. “Tôi chấm dứt quan tâm đến thể thao. Tối nào tôi cũng mò đến phòng máy tính. Tôi viết phần mềm vào cả những ngày nghỉ cuối tuần. Hiếm có tuần nào chúng tôi không dành tối thiểu 20 – 30 giờ cho bàn phím và con chuột máy tính. Có lần, tôi và Paul Allen tự mình gây rắc rối, bởi chúng tôi đã ăn bớt một số ký hiệu mật khẩu dẫn đến trục trặc cả hệ thống. Người ta thẳng tay đuổi chúng tôi. Suốt cả mùa hè năm ấy, tôi không thể sử dụng máy tính. Khi ấy tôi mới 15 hoặc 16 tuổi. Sau đó tôi được biết, paul đã tìm được máy tính rỗi tại Đại học Washington. Máy tính đặt tại khoa y và vật lý. Chúng tôi hoạt động gần như suốt ngày, trừ thời gian từ 3 giờ đến 6 giờ sáng. Đó là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi” – Gates cười hóm hỉnh. – “Tôi khoá trái phòng mình, lén ra khỏi nhà ban đêm, vào thời điểm lẽ ra hải lên giường ngủ. Từ nhà mình đến Trung tâm điện toán tôi dạo bộ hoặc nhảy xe buýt. Cho đến bây giờ, lúc nào tôi cũng ủng hộ đại học Washington, bởi chính trường đã cho phép tôi đánh cắp nhiều thời gian làm việc bằng máy tính như vậy”. Nhiều năm về sau, bà mẹ của Gates vẫn khẳng định: “Lúc nào tôi cũng bóp trán tự hỏi, tại sao sáng sớm con trái đóng kín cửa, không thể đánh thức”.

Bẵng đi một thời gian, Bud Pembroke, một trong những thành viên sáng lập ISI, đối tác làm ăn của hãng công nghệ TRW ký hợp đồng cung cấp phần mềm cho nhà máy điện khổng lồ ở Bonneville.

TRW đã vất vả tìm kiếm chuyên gia lập trình đã có kinh nghiệm viết chương trình cho nhà máy điện. Bất chấp sự ngỡ ngàng của đối tác, Bonneville đã biết chính xác tìm đến ai: Những chàng trai học sinh trường trung học Lakeside, đối tượng đã làm việc hàng ngàn giờ bên máy tính chủ của ISI. Khi ấy Gates đã là học sinh lớp cuối. Bằng lý do thực hiện một dự án khoa học độc lập, Gates đã thuyết phục Hiệu trưởng cho phép đi Bonneville. Gates ở đó suốt cả mùa xuân để viết phần mềm dưới sự giám sát của chuyên gia lập trình nổi tiếng John Norton. Gates nói rằng, bản thân đã học được ở thầy Norton lượng kiến thức bằng tổng lượng kiến thức học được của tất cả người khác gộp lại.

Quãng thời gian 5 năm đó - từ lớp 8 đến hết trung học - đối với Bill Gates đã trở thành thời gian khổ luyện không khác gì những năm tháng công diễn cực nhọc  ở Humburg đối với các thành viên ban nhạc The Beatles thần thoại.

Và chính nỗ lực kiên trì khổ luyện trong nhiều năm đã đóng vai trò quyết định thành công của The Beatles, Bill Gates và những cá nhân cùng dạng.

Theo Tri thức trẻ.

 

 

 

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000