Nhân tài hay lá mùa thu?

 Thiếu những thước đo quy chuẩn để đánh giá nhân tài lẫn mảnh đất sản sinh ra họ, cho nên, hết “đỉnh cao trí tuệ Việt Nam”, lại đến “sao khuê đất Việt”, công chúng rối trí chẳng rõ ai cao hơn ai, và cao đến đâu so với các nước.

Người càng tài càng hiếm. Vì thế nhà bác học Lev Landau, Nobel vật lý của Liên Xô, cho rằng phải dùng thang logarit mới xếp hạng được nhân tài. Thí dụ, trên thang logarit một nhà khoa học ở nấc thứ 1 (= log10) tài và hiếm hoi gấp chục lần nấc thứ 2 ( = log100), gấp trăm lần nấc thứ 3 ( = log1000)…

Trong vật lý học, Landau xếp thủ lĩnh thuyết lượng tử Niels Bohr vào nấc thứ 1, tiếp đó là Heisenberg, Dirac, Fermi… nấc thứ 2, còn Einstein đứng trên Bohr, ở nấc 0,5. Có ai đó hỏi ông tự xếp mình vào nấc nào, người đứng đầu trường phái vật lý lý thuyết rất nổi tiếng của Liên Xô khiêm tốn nhận thứ 2,5.

Thể thao có cách xếp hạng nhân tài dựa trên đẳng cấp sân chơi. Thấp nhất là cấp làng xã, cao nhất là các giải đấu quốc tế, nơi đây đẳng cấp cũng khác nhau.

Cua-rơ hàng đầu không thể vắng bóng trong đội hình nối đuôi nhau hàng năm ở Tour de France. Chạy 100m, thành tích thế giới là 9,77 giây, Việt Nam 10,03 giây. Trong cái khe một phần tư giây chật hẹp đó là hàng trăm lực sĩ chen vai thích cánh tranh tài trên các trường đua quốc gia và quốc tế. Thành tích của họ suýt soát nhau, nên sân chơi phải trang bị đồng hồ chính xác dưới 1% giây.

Khoa học công nghệ (KHCN) không ngừng cải thiện thước đo ngày càng tinh vi cho mọi hoạt động của con người, nhưng vẫn chưa có thước đo rành mạch cho chính bản thân mình. Nghịch lý này khiến nơi đây nhiều khi lại khá tù mù. Tiến sĩ, giáo sư, mỗi nơi một khác, không thể dùng làm thước đo quy chuẩn về nhân tài khoa học.

Trên thế giới ngày nay, khi chọn người có tri thức vào một vị trí nào đó ở trường đại học hay cơ sở nghiên cứu, kinh doanh, bao nhiêu danh hiệu giáo sư, tiến sĩ… sẽ không thuyết phục được ai nếu ứng viên không trưng ra được danh sách công trình đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng hoặc bằng sáng chế được quốc tế công nhận. Đó là những sáng tạo KHCN được nhìn nhận bởi một hệ thống biên tập và phản biện nghiêm túc gồm những chuyên gia sừng sỏ nhất trên thế giới.

Vì vậy công trình KHCN quốc tế vừa là lẽ sống vừa là sức ép đè nặng lên giới trí thức ở khắp nơi trên thế giới. Sân chơi này không chỉ dành riêng cho những ngành khoa học cơ bản, như một số người thường lấy cớ để khước từ nó.

Cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học quốc tế ISI, Mỹ, tập hợp đầy đủ thông tin về hàng nghìn tạp chí khoa học quốc tế thuộc 21 ngành và gần 200 chuyên ngành KHCN khác nhau, từ cơ bản đến ứng dụng, từ công nghệ truyền thống đến công nghệ cao, từ khoa học tự nhiên đến xã hội nhân văn và các khảo cứu nghệ thuật. Chưa phải là tất cả, nhưng nếu muốn biết từng quốc gia đang ở đâu trên bản đồ thế giới, muốn lượng định năng lực của từng nhà khoa học so với đồng nghiệp khắp năm châu, thì phải tìm đến cái mặt bằng chung này.

Song, xuất hiện trên tạp chí quốc tế chưa hề khẳng định anh là người làm khoa học có hiệu quả. Theo nhà sinh học Mỹ Ray Wu, một nhà sinh học được xem là có hiệu quả nếu trong 10 năm anh ta công bố không ít hơn 8 công trình trên các tạp chí có chỉ số trích dẫn lớn hơn 2, trong đó ít nhất 1 công trình trên tạp chí có chỉ số trích dẫn lớn hơn 5. Theo tiêu chuẩn này, hiện nay ở Trung Quốc mới có 500 nhà sinh học có hiệu quả. Có thể họ chưa được xem là nhân tài của Trung Quốc, nhưng đạt đến mức này đã bắt đầu hiếm, nhất là ở các nước lạc hậu.

Hiếm hoi hơn nữa là những người thực sự có công khai phá trong khoa học. Theo ISI, trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 5.000 người thuộc loại này, họ là những người được trích dẫn nhiều nhất trên các tạp chí quốc tế, phần lớn tập trung ở các nước tiên tiến.

Chẳng hạn, riêng các trường đại học Thụỵ Điển đã có 45 người. Trong khi đó, Trung Quốc với 1,2 tỉ dân chỉ có 5 người. Mấy con rồng châu Á như Hongkong, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, mỗi nơi không quá 4 - 8 người. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… không thấy ai.

Nhưng 5.000 người này vẫn chưa phải là đỉnh tháp nhân tài. Trên nữa, là hàng trăm người được đề xuất làm ứng viên cho các giải thưởng khoa học rất danh giá như Nobel và Field, từ đó cuối cùng chỉ chọn ra chừng 10 người được nhận giải hàng năm.

Những nhân tố nào chi phối sự khác biệt quá lớn giữa các nước về nhân tài trong KHCN? Chắc hẳn không phải là sự giàu sang. Ta có thể nằm mơ thấy một túi dầu khổng lồ trên thềm lục địa để dải đất này bỗng chốc trở nên phồn vinh như phương Tây, nhưng trong giấc mơ không hề thấp thoáng bóng dáng nhân tài.

Tháp nhân tài chỉ có thể vươn lên cao trên một nền móng và kết cấu kiên cố làm bằng chất liệu trí tuệ và sách lược con người khôn ngoan.

Đó là hệ thống giáo dục tiên tiến nhằm đào tạo ra những con người trung thực, biết dấn thân và sáng tạo. Một môi trường học thuật lành mạnh sao cho từ phong trào luôn nảy nở tinh hoa và tinh hoa được sử dụng làm đầu tàu kéo phong trào tiến lên, sao cho niềm đam mê học thuật được tôn thờ thay vì đồng tiền.

Đó còn là truyền thống, nhân tố mà nhiều nước lạc hậu không có, và đôi khi bị đánh giá thấp nên rất dễ lạc lối trong việc hoạch định những bước đi cho một nền KHCN non trẻ. Thiên nhiên có ưu đãi bao nhiêu mà không chăm lo xây dựng cái nền móng và kết cấu vững chắc đó thì nhân tài chỉ là giấc mơ giữa ban ngày.

Theo sách Khoa học công nghệ Việt Nam 2003 ở nước ta có 50.000 người làm R&D, hàng năm công bố 7.000 công trình trên các tạp chí nội địa. Nhưng theo ISI, chưa đầy 700 người Việt Nam là tác giả của 450 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế. Trung bình cứ 1 triệu người Việt Nam mỗi năm công bố 5,6 công trình, ít hơn Thái Lan 5,7 lần, Trung Quốc 6,6 lần, Malaysia 9,3 lần, Hàn Quốc 83 lần và Singapore 226 lần.

Đối chiếu với mức chênh lệch về thu nhập bình quân giữa các nước, ta sẽ phải giật mình. Tụt hậu về kinh tế đã đành, tụt hậu về KHCN còn đáng sợ hơn nhiều.

Trong số gần 700 người Việt Nam có mặt trên các tạp chí quốc tế, có lẽ không quá 20 nhà khoa học hoạt động có hiệu quả theo cách đánh giá như Ray Wu. Cao hơn nữa, chưa ai lọt vào tốp 5.000 người khai phá trong khoa học.

Có thể nói, tháp nhân tài KHCN của ta có đáy mà thiếu đỉnh. Đáy rộng mà không chắc. Bởi ta có 50.000 người làm R&D, gấp 4,7 lần Thái Lan và 5,6 lần Malaysia, nhưng chưa rõ hình hài của một nền khoa học. Chưa có trường nào trong số 110 trường đại học của ta cận kề với tốp đầu trong khu vực. Ta lại bằng lòng theo cách “chơi” của mình, chưa sẵn sàng chấp nhận các quy chuẩn quốc tế để phấn đấu vươn lên. Hậu quả là nếu có thợ thì vẫn thiếu thầy, thiếu chuyên gia trầm trọng.

Chúng ta đang đối mặt gay gắt với tình trạng này khi chuyển sang một nền sản xuất cao hơn để sống còn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt trước mắt. Cuộc sống đang đòi hỏi một cuộc cải cách thật sự trong giáo dục và KHCN.

Theo Tiến sĩ Phạm Duy Hiển (Tạp chí Khám Phá)


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC