Chương trình du học rất "dễ nuốt"?

Chương trình du học rất "dễ nuốt"?  Có một số teen nhầm tưởng rằng khi ra nước ngoài học thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn và học chương trình "nhẹ cân" hơn rất nhiều so với chương trình học trong nước. Nhưng thực tế không phải như bề ngoài của nó...

Có nhiều teen cho rằng, những ai đi du học thật may mắn, bởi họ vừa có bằng cấp tốt, lại vừa “ít phải học”. Thế nhưng, thực tế chứng minh một điều hoàn toàn ngược lại. Để có được một bằng cấp “chuẩn”, các teen ấy còn phải học tăng tốc gấp 2, gấp 3 lần bình thường nữa đấy.

Học còn nhiều hơn bình thường

Hoàng Tùng, 17 tuổi, du học sinh Mỹ cho biết: “Ngày còn ở nhà, mình cứ nhất nhất năn nỉ bố mẹ cho đi du học sớm. Mình tưởng là ra nước ngoài học dễ hơn và bằng lại có giá trị hơn. Thế là học xong lớp 10, mình được người thân trong gia đình bảo lãnh sang Mỹ học tiếp. Nhưng khi thực sự đi du học rồi, mình mới thấy mọi chuyện thật khó khăn và không như mình nghĩ lúc đầu."

Khi teen đi học nước ngoài, teen sẽ thấy rằng tuy học những điều “tưởng chừng đơn giản”, nhưng lại phải học rất lâu. Khối lượng kiến thức không lớn, nhưng bài tập áp dụng thì phải làm nhiều đến “không tưởng”. "Ngày nào về nhà, mình cũng ngập đầu với “essay và assignment”. Nhiều đêm, mình chỉ ngủ có vài tiếng, để thức làm cho đủ bài tập." - Tùng tâm sự.

Nhìn chung, những kiến thức thu nhặt được là do quá trình tự học của bản thân là chủ yếu. Ngoài ra, việc tự tìm sách, tự đọc, rồi tự rút ra những điều quan trọng là rất cần thiết. Không chỉ cần học để hiểu, teen du học còn phải học cách diễn đạt và học cách thể hiện sự hiểu biết của mình.

Không học là không thể đậu

Nhiều teen nhầm tưởng rằng đi du học chỉ cần đóng tiền học là có thể học lên. Suy nghĩ ấy hoàn toàn không chính xác chút nào. Khi các teen đi du học, các teen có thể không mấy gặp khó khăn trong quá trình nhập học vào trường, nhưng để vượt qua được những kì thi và có kết quả cao thì cần trải qua một quá trình gian nan.

Cách học của các teen du học không chỉ dựa vào điểm số của kì thi cuối khóa, mà nó còn phụ thuộc vào quá trình học của teen. Nếu không chịu khó đọc thêm sách vở và làm bài tập thường xuyên ở nhà, thì ngay cả “đậu vớt” cũng khó.

Không những thế, các bạn du học sinh còn gặp phải một vấn đề lớn trong việc bất đồng ngôn ngữ. Đôi khi, những bài giảng trên lớp, các teen dù có cố gắng nghe, nhưng cũng có đôi lúc không hiểu hết được. Thế là một số teen còn phải mua thêm máy ghi âm, để về nghe đi nghe lại bài giảng, cho hiểu bài rõ hơn. Hẳn, các teen ở Việt Nam mình rất hiếm trường hợp nào phải mang máy ghi âm đi học, và tất nhiên, cũng chẳng khó khăn mấy gì khi đọc sách. Teen cũng không cần vừa làm bài, vừa để bên cạnh cuốn từ điển dày cộm rồi ngồi “tra tra, tìm tìm”.

Không đi học là không được thi

Chuyên cần đi học là một điều rất quan trọng với các teen. Chuyên cần sẽ giúp teen nắm bắt kiến thức một cách tốt hơn. Ngoài ra, đi học đều cũng là cách các teen tự rèn luyện thói quen cho bản thân, ngay trong môi trường học đường. Vì thế, các trường đều rất khắt khe và muốn học sinh của mình luôn đi học đều đặn. Không ít teen lầm tưởng rằng, chỉ có ở Việt Nam, thì đi học mới phải “điểm danh” và khó khăn trong nhiệm vụ chuyên cần đến thế. Trên thực tế, ở rất nhiều nước, còn khắt khe trong chuyện chuyên cần chẳng kém gì ở Việt Nam.

Tấn Giang, 19 tuổi, du học sinh Singapore cho biết: “Mình đang học chương trình anh văn, chuẩn bị cho khóa Cao đẳng ở Sing. Những tưởng là khi “thoát khỏi” lớp 12, thì không còn phải “sáng căng mắt” dậy đi học cho đúng giờ nữa. Nhưng giờ mình mới biết không phải, mình học không những phải luôn đúng giờ, mà bệnh , muốn xin nghỉ cũng phải có giấy của bác sĩ. Nếu tự ý nghỉ học thì mình sẽ không được thi vào cuối khóa học. Tình hình cũng căng thẳng chẳng kém gì lúc mình học phổ thông”.

Không chỉ học từ sách vở

Cuộc sống du học cũng chẳng mấy dễ dàng với các teen nhà mình. Ở nhà, cái gì cũng có ba mẹ đằng sau dìu dắt, nâng đỡ, nên cuộc sống vốn không có nhiều điều để băn khoăn, lo lắng.

Nhưng khi xa nhà, teen du học không những phải lo chuyện học hành, mà phải lo từ nhà ở, bữa cơm, gói mì, bộ quần áo đi học. Đồng thời, khi xa nhà, cuộc sống của các teen sẽ phát sinh bao nhiêu khoản và bao nhiêu chuyện phải “tự thân vận động”. Thế nên, nếu không học cách thích nghi và học cách sống độc lập, teen du học sẽ khó lòng “trụ vững” đến ngày về.

Mai Liên, 17 tuổi cho biết: “Ai cũng tưởng đi du học là sung sướng lắm. Nó chỉ đúng tương đối với những người “dư thừa và quá đầy đủ” thôi. Còn đối với mình, đi du học là phải tập sống độc lập và mạnh mẽ hơn. Từ ngày đi học, mình phải học bao nhiêu thứ từ cuộc sống. Mình phải tự chăm sóc bản thân và lo lắng cho tương lai. Gia đình mình cũng hỗ trợ, nhưng do bản thân là chủ yếu”.

Đi du học, không phải ai cũng đầy đủ và sung sướng. Một số teen còn phải vừa học, vừa đi làm thêm để trang trải kinh phí cho cuộc sống vốn đã rất khó khăn. Vì vậy, dù muốn dù không, teen du học luôn phải học hỏi những kinh nghiệm của người đi trước. Học cách sống và cách hòa nhập với xã hội mới, bạn bè mới và môi trường sống mới.

Học cách tự ý thức, tự giác với bản thân

Đi du học, không còn sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ về giờ giấc của ba mẹ, không phải nghe nhiều sự "than phiền". Thế nhưng, đi du học cũng có nghĩa là teen phải học cách tự ý thức về việc sắp xếp giờ giấc với bản thân. Phải tự chỉnh chu học hành mà không đợi ai hò reo, kêu gọi. Đi du học cũng là học cách tự giác kiềm chế với bản tính ham vui của bản thân. Không để những ham muốn hay cám dỗ cuốn đi, mà quên mất nhiệm vụ chính của mình là học.

Ngoài ra, một số teen du học không chỉ học cách tự sống và tự lo cho bản thân. Còn có những teen luôn tự giác, đưa ra cho mình những mục tiêu cần đạt, đặt lên vai mình trách nhiệm học thật giỏi để không phụ lòng thầy cô và cha mẹ, đặt lên vai mình những suy nghĩ mơ ước về tương lai. Và để đạt được, các teen ấy luôn học cách tự rèn luyện bản thân, để chống chọi lại những ham muốn ồ ạt mà tuổi mới lớn tò mò và dễ dàng bị cám dỗ.

Thu Trang.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC