Những việc nên chuẩn bị cho việc lên đường du học Đức

Cuộc sống bên nước ngoài không phải là thiên đường, du học có thể mang lại rất nhiều điều mới mẻ, nhưng không có nghĩa là bạn cứ sang đó và sẽ có được tất cả, mà nó đòi hỏi một sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn. 

Nếu bạn đã có quyết định cuối cùng về việc đi du học Đức, những điều dưới đây sẽ gợi ý giúp ích một phần cho bạn.

airport 2373727 640

Trước khi đi

  • Tìm hiểu kỹ tất cả thông tin về nơi bạn định tới, thông qua báo báo chí, internet, bạn bè, các diễn đàn, trung tâm tư vấn ...
  • Học cách nấu một số món ăn cơ bản, cách đi chợ, chọn đồ, những việc thiết yếu cho cuộc sống tự lập một mình bên nước ngoài.
  • Tìm hiểu về mức sống, chi phí của nước bạn chuẩn bị đến, điều này rất quan trọng, nó giúp bạn ước lượng được số tiền cần thiết để tồn tại.
  • Tìm cách liên hệ với cộng đồng người Việt tại nơi bạn sắp tới, điều này sẽ giúp bạn sớm thích nghi và tránh những sai lầm không đáng có ban đầu.

Những việc chuẩn bị trước khi bạn đi

  • Tìm hiểu và đặt vé sớm, nếu nơi bạn đến không có ai đón và bạn mới đi lần đầu nên tìm hiểu trước từ sân bay về chỗ ở thế nào...
  • Kiểm tra thật kỹ các giấy tờ cần mang (Hộ chiếu, vé máy bay, các giấy tờ cần nộp cho trường).
  • Luôn photo các giấy tờ quan trọng, cất ở một vài nơi khác nhau, một số giấy tờ quan trọng để thành một bộ để ở nhà, phòng trường hợp cần gia đình bạn có thể gửi lại sang.
  • Tìm hiểu trước về những quy định hải quan của nước bạn đến, để tránh mang những đồ họ không cho phép, vídụ một số đồ ăn, đồ uống (Australia, Mỹ rất chặt trong vấn đề này)
  • Chuẩn bị mua trước những đồ cần thiết, quan trọng, tránh sát ngày bay cập rập, kinh nghiệm là mang những thứ hữu ích và quan trọng nhất thôi. Bạn có thể hoàn toàn mua tại nước bạn tới.
  • Chuẩn bị trước một ít tiền lẻ của nước bạn đến để khi tới nơi bạn có thể mua đồ ăn, nước uống, gọi điện hay bắt taxi (chú ý cần cả tiền xu).
  • Đóng gói hành lý, kiểm tra lại kỹ các đồ cần mang.
    Hành lý gửi thường không được quá nhiều số cân cho phép, ví dụ bạn được mang 30kg, thì chỉ nên dao động từ 30-32kg.
    Hành lý xách tay thì chủ yếu là thật gọn gàng.

    Hành lý gửi nên đóng gói chắc chắn, ghi tên của bạn, chuyến bay, nơi đến, điện thoại liên lạc.
  • Chuẩn bị tinh thần, bạn có thể háo hức, buồn, xáo động, lo lắng, stress và rất nhiều thứ khác nữa nhưng phải xác định bạn sẽ phải tự quyết định tất cả, sẽ không có ai giúp được bạn ngoài chính bạn.
  • Xác định quan trọng là đạt được mục tiêu của mình.

Những việc cần làm khi tới nơi

  • Liên lạc ngay với gia đình, bạn bè để mọi người biết bạn tới nơi an toàn
  • Tìm mua một vài đồ cần thiết nhất để làm quen trong mấy ngày đầu, một ít đồ ăn, uống...
  • Liên lạc với trường, thông báo địa chỉ thường trú của bạn, tìm hiểu các thông tin cần thiết, hỏi xem trường có thẻ giảm giá đi lại cho sinh viên hay không.
  • Mở tài khoản (trong trường hợp bạn mang nhiều tiền mặt, càng mở sớm càng tốt và cất tiền mặt trong tài khoản để đảm bao an toàn), chỉ mang một lượng tiền mặt nhỏ đủ tiêu những khoản lặt vặt
  • Tìm hiểu khu vực bạn sống, tìm các bến bus xung quanh, tìm hiểu xem nhà thuốc, bưu điện, các siêu thị, quán hàng ở đâu, giờ mở cửa.
  • Làm quen với các phương tiện công cộng, thời gian, bản đồ.
  • Tìm hiểu khu trường học, làm quen sử dụng các thiết bị, dùng Net, photo tài liệu, làm thẻ thư viện.

Những việc tiếp theo khi bạn đã sang 1, 2 tuần

  • Ổn định chỗ ở, mua những đồ đạc cần thiết, cần tính toán trước, có thể hỏi qua bạn bè hoặc tìm hiểu các quảng cáo ở trường để mua đồ đạc rẻ nhất nếu phòng bạn chưa có đủ.
  • Liên lạc với sở ngoại kiều để biết thủ tục đăng ký tạm trú và lịch, thủ tục để gia hạn visa
  • Tìm hiểu thông tin để đăng ký dùng điện thoại, internet. Kinh nghiệm là cần tìm hiểu thật kỹ trước, quy tắc số một là không bao giờ được ký cái gì nếu bạn chưa hiểu rõ.
  • Làm sổ ghi chép lại cẩn thận các khoản chi tiêu của bạn, phải ghi nhớ tuyệt đối là bạn phải kiểm soát được các khoản chi tiêu của mình. Nếu không chỉ sau 1 thời gian bạn sẽ không thể hiểu được mình tiêu vào những khoản nào nữa.

Khi bạn sang tới nơi, sau vài tháng đã ổn định, thì hãy luôn nhớ đến mục tiêu của mình trước khi lên đường.

Chúc các bạn thành công!

©Thùy Linh - DUHOCDUC.DE

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000