Những điều “lặt vặt” về nước Đức

Những điều “lặt vặt” về nước Đức

Tôi là người Việt, từng học ở Đức và hiện đang định cư tại Mỹ. Ở đây tôi rất hay được hỏi về cuộc sống ở Đức. Ngỡ là với mười mấy năm “ngược xuôi” tôi có thể trả lời vanh vách, ấy thế nhưng cũng có những câu hỏi của bạn bè khiến tôi phải chững lại đôi ba phút.

Một vài lần như thế, tôi chợt nhận ra: Hóa ra những hiểu biết của tôi vẫn còn quá ít ỏi so với ngần ấy năm sống và học tập ở nơi này.

Nhưng cũng chính nhờ những câu hỏi đôi khi chỉ là vu vơ đó mà tôi mới có dịp tìm hiểu thêm để biết nhiều hơn về nước Đức và người Đức.

1 1 Nhung Dieu Lat Vat Ve Nuoc Duc

Ảnh minh họa

1. Câu hỏi tôi hay được hỏi nhất: “Ở Đức, bạn được phép lái xe bao nhiêu km/h?”

Tốc độ chạy ở đường cao tốc mà sở giao thông Đức khuyên mọi người đi là 130 km/h (điều này không được cho phép ở Mỹ).

Nói chung ở Đức không có giới hạn tốc độ (ngoại trừ bang Bremen có giới hạn tốc độ chạy là 120 km/h từ năm 2008 và những đoạn có đề biển báo) nên bạn có thể tự điều chỉnh tốc độ của mình.

Tuy nhiên tốc độ cao nhất cho xe tải và bus chỉ là 80km/h và xe tải cũng không được sử dụng đường cao tốc vào cuối tuần và những ngày lễ, trừ khi được cấp phép đặc biệt. Trên đường cao tốc với 3 phân dải, khi đi ở giữa bạn phải đi với tốc độ chậm nhất là 60km/h, bên trái thì chậm nhất là 100km/h để tránh xảy ra tai nạn. Vì đó là phân dải dành để vượt.

2. Nhiều người Việt Nam ở các nước khác hay hỏi: “Số lượng người Việt sống ở Đức là bao nhiêu và thành phố nào đông người Việt nhất?”

Có khoảng hơn 100.000 người Việt sống ở Đức và Berlin là thành phố đông người Việt nhất với khoảng chừng 20.000 người. Người Đức hay ví Berlin như một “Mini Hà Nội” với một khu chợ nổi tiếng rất đáng để đi: Đồng Xuân (theo thống kê năm 2011 trên tờ Die Welt).

3. “Phúc lợi xã hội ở Đức rất tốt phải không?”

Ở Đức bạn bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế. Sinh viên thì đóng chừng 77 Euro/tháng. Khi bạn học đến kì thứ 14 hoặc quá ba mươi tuổi, bạn không còn được hưởng chế độ bảo hiểm sinh viên nữa mà phải đóng bảo hiểm thường.

Với những người đã lập gia đình có thể theo dạng bảo hiểm gia đình, tức là ăn theo chồng con và không phải đóng bảo hiểm, nhưng chỉ được phép đi làm theo kiểu Minijob, tức là dưới 400 Euro/tháng, vượt qua con số này thì phải đóng bảo hiểm.

Khi đi khám bệnh, nếu bác sỹ kê đơn thuốc thì bạn có thể ra nhà thuốc để lấy, có một số thuốc được miễn phí, những loại còn lại bạn phải trả 10% tiền thuốc, nhưng cao nhất là 10 Euro và thấp nhất là 5 Euro cho mỗi loại.

Ngoài ra, trẻ em ở Đức đều nhận được tiền trợ cấp trẻ em (184 EUR/ tháng) cho hai trẻ đầu tiên. Trẻ thứ 3 thì 190 EUR và từ trẻ thứ 4 trở đi thì 215 EUR. Nhưng ở Đức việc gia đình nào có bốn trẻ là quá đặc biệt.

Những ông bố bà mẹ nếu sinh con và muốn ở nhà tự chăm sóc con mình thì cũng đều được hưởng tiền cha mẹ (thời gian là 12 tháng, nếu người bố xin nghỉ thay mẹ thì được thêm 2 tháng nữa).

Họ vẫn được phép đi làm nhưng không được làm việc quá 30 giờ/tháng.

Tất nhiên, họ không được hưởng 100% tiền lương như cũ mà sẽ được tính như sau: Nếu trước đó lương của họ sau khi trừ thuế là 1240 EUR hoặc hơn thì khi có con và ở nhà chăm con, họ sẽ được hưởng 65% số tiền đó.

Nếu lương của ai nằm giữa 1000 EUR và 1200 EUR thì được hưởng 67% và những ai lương dưới 1000 EUR thì có khi được hưởng toàn bộ. Tuy nhiên, số tiền mà cha mẹ được hưởng ít nhất sẽ là 300 EUR và nhiều nhất là 1800 EUR.

4. “Rác thải ở Đức được quản lý rất nghiêm ngặt?”

Các bạn Đức phân loại rác rất rõ ràng. Chỗ tôi ở có bốn loại thùng rác với bốn màu khác nhau. Xanh lá cây dùng để đựng các loại rác bio như vỏ trứng, rau thừa, mì thiu… Xanh da trời để đựng giấy hoặc các bìa carton cứng.

Màu vàng dùng để đựng các loại vỏ nhựa và màu đen dùng để đựng những thứ rác mà không biết bỏ vào đâu. Tất nhiên, mỗi khu mỗi vùng phân loại rác theo mỗi cách khác nhau và cũng không phải vùng nào cũng như vùng tôi ở.

Nhà tập thể, kí túc phân khác với nhà riêng. Có nơi kiểm tra nghiêm ngặt, có nơi không. Mỗi khi đến nhà ai chơi, chúng ta nên hỏi về việc phân loại rác để tránh phiền phức cho họ.

5. “Học Đại học ở Đức có phải đóng tiền học phí?”

Ở Đức, phần lớn các bang đều đã miễn học phí, kể cả sinh viên nước ngoài. Họ chỉ phải đóng một số tiền nhỏ dành cho việc đi lại, tiền quản lý hành chính. Tùy theo mỗi trường mà giá đóng cũng khác nhau, nhưng nói chung là không nhiều.

Theo tờ “Studis online” thì chi phí ăn ở theo tiêu chuẩn một sinh viên ở Đức dao động khoảng 570 – 1100 Euro/ tháng. Dĩ nhiên các bạn Châu Á nếu sống tiết kiệm thì có khi còn nằm ở dưới con số đó.

6.“Học tiếng Đức có khó?”

Tiếng Đức không dễ học nhưng nếu kiên trì thì vẫn theo được. Sống ở Đức thì nên biết tiếng Đức, sẽ có lợi rất nhiều thứ.

Cho dù người Đức chịu khó nói tiếng Anh hơn người Pháp, người Ý và nếu chỉ biết tiếng Anh không, bạn vẫn có thể sống tốt ở Đức, nhưng đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì lạc lõng.

Tiếng Đức không phải là thứ ngôn ngữ được ưa chuộng, nhưng bạn có biết, ngoài Đức ra thì Áo, Thụy Sỹ và Lichtenstein cũng là những quốc gia nói tiếng Đức?

7. “Văn hóa đọc ở Đức rất được coi trọng”

Đúng vây. Ở Đức, các thành phố lớn đều có các tủ sách đặt ở trung tâm cho mọi người tới lấy đọc, thậm chí trên xe buýt cũng có một kệ đựng sách.

Hàng năm vào tháng 10 ở Đức có tổ chức hội chợ sách lớn nhất thế giới và nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy ở các nhà ga, phi trường hay trên tàu, hầu hết mọi người đều giết thời gian bằng việc đọc sách.

8. “Đức là nước đóng thuế cao?”

Chắc chắn.

Thường bạn sẽ trả 19% tiền thuế cho mọi mặt hàng (trừ khách sạn, nếu bạn ngủ qua đêm thì tiền thuế chỉ 7% nhưng tiền ăn sáng ở khách sạn thì lại tính thuế như bình thường). Trung bình, một người trẻ độc thân, không con cái thì tiền lương sau khi trừ các loại thuế, bảo hiểm thì chỉ còn dư chừng 50-60% lương cầm tay.

Theo bảng tính ở trang lohnspiegel.de thì một người đi làm có thu nhập 5000 Euro/ tháng, sau khi đóng các loại thuế và bảo hiểm bắt buộc thì số tiền họ được nhận cuối cùng chỉ là 2897 Euro.

9. “Người Đức rất thích đi du lịch?”

Đức được mệnh danh là một trong những nhà vô địch thế giới trong khoản đi du lịch. Theo tờ “Focus Online” năm 2012, dù nền kinh tế có phần đi xuống nhưng điều đó không ngăn cản được thói quen đi du lịch của người Đức.

Đồng hành với Đức còn có Trung Quốc và Mỹ. 64 tỉ Euro là số tiền mà dân Đức đã chi cho ngành du lịch, trong đó chừng 20 tỉ Euro được rơi vào các nước như Ý, Áo và Tây Ban Nha. Người Đức rất trung thành với các nước này trong ngành du lịch.

10. “Socola của Đức có ngon không?”

Socola của Đức khá nổi tiếng và thường được bạn bè quốc tế mua làm quà. Trung bình mỗi người Đức ăn khoảng 9,3 kg socola mỗi năm, chỉ thua mỗi người Thụy Sĩ và người Áo (11kg).

Tác giả: Hoàng Yến Anh

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC