Các thủ tục bắt buộc khi mới đến Đức du học, lao động

Các thủ tục bắt buộc khi mới đến Đức du học, lao động

Sau quá trình dài cố gắng phấn đấu nỗ lực, du học sinh, sinh viên Việt có thể tới Đức du học với cơ hội để có thể học tập ở nước Đức – quốc gia phát triển hàng đầu Châu Âu. Tuy vậy, thử thách đầu tiên đối với người Việt khi mới tới Đức đó là phải vượt qua hàng loạt các loại giấy tờ, thủ tục hành chính mà nếu không biết sẽ gây rất nhiều phiền phức

1. Tìm địa chỉ sinh sống ở Đức nhanh nhất có thể

Các loại thủ tục, giấy tờ hành chính ở Đức rất rắc rối, rườm rà và dù thống nhất về mọi loại dữ liệu nhưng cách thức vẫn là đến giải quyết giấy tờ và nhận các kết quả được trả về nơi bạn sinh sống. Do vậy, việc đầu tiên khi tới Đức là phải có thể tìm được một địa chỉ sinh sống như nhà người thân hay phòng trọ hoặc nếu là sinh viên thì có thể là hòm thư ở trong trường Đại học. Chỉ có như vậy, bạn mới nhận được các loại giấy tờ sau khi được chấp nhận bởi cơ quan hành chính ở Đức gửi về tận nhà.

2. Nếu chưa có nhà ở thì phải cố gắng tìm nhà ở

Bạn không thể không có một địa chỉ cư trú cố định khi tới Đức, vì vậy, bắt buộc bạn phải cố gắng, nỗ lực để tìm nhà hoặc căn hộ ở chung. Bạn có thể tìm trên Internet hoặc qua các mối quen biết, bạn bè hoặc có thể tìm đến các công ty môi giới và phải trả phí dịch vụ. Ngoài ra, tuỳ chủ mà bạn có thể phải đưa cho họ tài khoản ngân hàng và đồng ý để họ có thể rút khỏi tài khoản của bạn một số tiền nhất định mỗi tháng, thường là các công ty chuyên về cung cấp nhà ở sẽ làm vậy, các chủ cá nhân thì hàng tháng bạn trả tiền cho họ là được. Các giấy tờ cần thiết là hộ chiếu hoặc nếu kỹ hơn thì là các giấy tờ xác nhận đang đi học, có thể bạn sẽ được ưu đãi khi là đối tượng học sinh, sinh viên ở Đức.

1 1 Cac Thu Tuc Bat Buoc Khi Moi Den Duc Du Hoc Lao Dong

Người Việt mới tới Đức cần tìm hiểu nhiều thông tin khi làm các thủ tục, giấy tờ hành chính

3. Đăng ký tạm trú với cơ quan địa phương

Không lôm côm như việc đăng ký tạm trú ở Việt Nam, bạn bắt buộc phải đăng ký với cơ quan quản lý hành chính ở thành phố mà bạn sinh sống, chậm nhất sau 2 tuần từ ngày bạn có tìm được địa chỉ mới, nếu không sẽ phải nộp phạt. Bạn có thể đặt lịch hẹn với cơ quan quản lý hành chính (thường là toà thị chính) và các giấy tờ cần thiết để họ có thể xác nhận cho bạn đang cư trú hợp pháp là:

+ Hộ chiếu có Visa cho phép bạn cư trú ở Đức.

+ Hợp đồng cho thuê căn hộ có xác nhận của chủ nhà.

+ Nếu yêu cầu thì có thể phải chỉ ra số tiền bạn có trong tài khoản ngân hàng đủ để chi trả trong thời gian sống ở Đức.

Nếu đủ yêu cầu, bạn sẽ nhận được giấy Anmeldung xác nhận địa chỉ tạm trú của bạn tại thành phố bạn sinh sống và đây là giấy quan trọng để bạn làm các thủ tục sau.

4. Mua bảo hiểm y tế bắt buộc

Nước Đức có rất nhiều ưu đãi về bảo vệ sức khoẻ, y tế cho cộng đồng và người Việt được hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách, chế độ xã hội dù họ có trốn tránh lao động và chỉ ăn trợ cấp xã hội. Bất kỳ ai đều phải mua bảo hiểm bắt buộc của một công ty tư nhân hay nhà nước ở Đức và thường thì sinh viên Việt chọn các công ty bảo hiểm tư nhân vì chi phí rẻ hơn nhưng phải chịu nhiều khoản phiền phức khi dịch vụ được cung cấp ít hơn các công ty nhà nước. Bạn cần đến cơ quan bảo hiểm bạn muốn mua và đưa cho họ các giấy tờ cần thiết như hộ chiếu, visa, ảnh chụp không quá 6 tháng, giấy xác nhận học tập, hợp đồng lao động vì đây là giấy tờ quan trọng để giúp bạn có giấy phép tạm trú lâu dài ở Đức.

5. Mở tài khoản ngân hàng ở Đức

Bạn bắt buộc phải mở một tài khoản ngân hàng ở Đức, thường là Deutsche Bank hoặc Sparkasse Bank do có hệ thống chi nhánh rộng khắp trên nước Đức và phải trả chi phí quản lý tài khoản ngân hàng mỗi năm nếu không phải là sinh viên dưới 30 tuổi (có thể họ sẽ yêu cầu phải có giấy xác nhận vẫn đang nhập học mỗi 6 tháng). Để có thể mở tài khoản ngân hàng ở Đức thì có thể mở khi vẫn ở Việt Nam và sau khi tới Đức có địa chỉ cư trú, giấy xác nhận tạm trú thì có thể nhận thẻ và kích hoạt tài khoản ngân hàng ở Đức dễ dàng. Hoặc nếu mới đến Đức cũng có thể mang các loại giấy tờ như hộ chiếu, giấy xác nhận cư trú và thư nhập học hoặc hợp đồng lao động tới các ngân hàng Đức và làm thủ tục mở tài khoản nhận và chuyển tiền tại Đức.

6. Làm giấy phép tạm trú lâu dài ở Đức

Bạn sẽ phải đến Sở Ngoại Kiều của thành phố bạn sinh sống, cũng giống Việt Nam, họ làm việc rất máy móc nhưng không có dịch vụ cò mồi, làm các giấy tờ, vòi tiền người dân như các cán bộ, công chức Việt. Cơ quan này chỉ hoạt động vài ngày trong tuần và có thời gian đón tiếp người đến làm giấy tờ khác nhau, bạn có thể gọi điện hẹn lịch để không phải xếp hàng thường rất lâu. Các thông tin để làm giấy cư trú dài hạn dựa trên các giấy tờ, bao gồm:

+ Hộ chiếu và Visa cho phép ở lại Đức dài hạn.

+ 2 ảnh hộ chiếu.

+ Giấy xác nhận tạm trú (Anmeldung).

+ Bảo hiểm

+ Giấy xác nhận đủ chi phí sinh sống ở Đức do ngân hàng Đức bảo lãnh (sau khi có giấy xác nhận tạm trú, bạn có thể mở tài khoản ngân hàng ở Đức).

+ Thông báo nhập học hoặc hợp đồng lao động để có căn cứ cho bạn được ở lại Đức dài hạn.

+ Chi phí để xét duyệt giấy tờ và làm giấy cư trú dài hạn.

Lưu ý, nên gia hạn giấy phép cư trú dài hạn trước 6 tuần trước khi hết hạn và tuỳ theo số tiền bạn có trong tài khoản ngân hàng, mục đích cư trú của bạn là học tập hay lao động mà được gia hạn 1 – 2 năm. Cần chuẩn bị các giấy tờ chu đáo, cẩn thận để tránh việc phải quay trở lại rất mất thời gian, công sức.

Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình làm các hồ sơ, giấy tờ thì hãy tìm đến sự giúp đỡ về thủ tục hành chính trước hết là từ phía người Đức vì họ có thể giúp bạn cung cấp các thông tin, giấy tờ chính xác theo yêu cầu của các cơ quan hành chính. Người Việt cũng rất sẵn sàng giúp ích cho du học sinh, sinh viên Việt tới Đức học tập nên đừng ngại khó khăn gặp và hỏi thăm sự giúp đỡ của các bạn người Việt trên các mạng xã hội. Đó mới chỉ là các giấy tờ, thủ tục rất đơn giản để bắt đầu cuộc sống mới ở Đức.

Theo tintucvietduc


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC