Vì sao nước Đức đang dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt lao động nước ngoài?

Vì sao nước Đức đang dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt lao động nước ngoài?

Nhằm lấp đầy khoảng trống của thị trường việc làm trong nước, Ðức đang cố gắng thuyết phục nhiều lao động nước ngoài có tay nghề cao ở lại làm việc. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy “xứ sở bia” đang trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhân công nước ngoài.

Thiếu lao động trầm trọng

Nghiên cứu “Các chỉ số thu hút nhân tài” công bố hôm 9-3 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Ðức đã trượt từ vị trí thứ 12 năm 2019 xuống thứ 15 trong năm nay trong số 38 quốc gia OECD được đánh giá. Kết quả này dựa trên 7 tiêu chí mà lao động tài năng nước ngoài đánh giá cao, gồm: chất lượng cơ hội việc làm, mức thu nhập và thuế, triển vọng tương lai, môi trường gia đình, môi trường kỹ năng, tính toàn diện và chất lượng cuộc sống. Trong 4 nhóm lao động mà các chính phủ mong muốn thu hút (gồm chuyên gia có trình độ cao, doanh nhân, nhà sáng lập công ty mới khởi nghiệp và sinh viên quốc tế), nghiên cứu phát hiện chỉ ở nhóm sinh viên quốc tế, Ðức mới lọt vào tốp 10 quốc gia thu hút nhất. 4 quốc gia đứng đầu là New Zealand, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ và Úc.

1 Vi Sao Nuoc Duc Dang Dan Tro Nen Kem Hap Dan Trong Mat Lao Dong Nuoc Ngoai

Theo DW, Ðức đang ngày càng tuyệt vọng trong việc giữ chân nhiều công nhân nước ngoài có tay nghề cao, giữa lúc những thay đổi nhân khẩu học sắp xảy ra tại nước này sẽ khiến hàng triệu vị trí việc làm không được lấp đầy trong thập kỷ tới. Dự kiến, thế hệ “baby boomer” (thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh giai đoạn 1946-1964) cuối cùng – vốn chiếm phần lớn trong lực lượng lao động hiện tại – sẽ nghỉ hưu vào năm 2035. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Việc làm – bộ phận trực thuộc Cơ quan Việc làm Liên bang Ðức, nước này cần 400.000 người nhập cư mỗi năm để lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động. Trong khi đó, dự báo mới nhất từ văn phòng thống kê chính thức của Ðức cho thấy ước lượng nhập cư ròng hàng năm sẽ là 290.000 người.

Chuyên gia khoa học xã hội Paul Becker tại Viện nghiên cứu Minor thì cho rằng nỗ lực thuyết phục thêm người lao động đến Ðức chỉ là một phần trong giải pháp xử trí thực trạng thiếu nhân lực. Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 2, chuyên gia này nhận định điều quan trọng là phải đảm bảo không chỉ có nhiều người nhập cư hơn mà còn đảm bảo ít công nhân lành nghề rời đi lần nữa, thay vào đó họ sẽ ở lại Ðức với gia đình. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hầu hết người lao động đến Ðức làm việc đều bỏ đi chỉ sau 3-4 năm sống ở đây.

Nguyên nhân lao động nước ngoài rời đi

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 12-2022 từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng (IAW, Ðức), những nguyên nhân khiến lao động nước ngoài rời khỏi Ðức thường là các vấn đề về hội nhập, đối đãi từ chính quyền, chính sách thuế và bảo hiểm xã hội. Dựa trên cuộc khảo sát với 1.885 người đã rời khỏi Ðức và 38 cuộc phỏng vấn, nghiên cứu của IAW chỉ ra một loạt yếu tố phức tạp liên quan đến lý do rời đi – từ giấy phép cư trú, không tìm được công việc phù hợp, không thể đưa gia đình đến Ðức, chi phí sinh hoạt cao cho đến các vấn đề cá nhân. Song, lý do phổ biến nhất lại khá đơn giản – đó là các vấn đề pháp lý liên quan đến nơi cư trú. “Tôi cho rằng trong hầu hết các trường hợp, đó là giấy phép cư trú để đào tạo hoặc làm việc và những giấy phép này chỉ đơn giản là hết hạn và không được gia hạn” – Bernhard Boockmann, tác giả nghiên cứu của IAW, nhận xét.

Ngoài ra, vấn đề phân biệt đối xử cũng là một yếu tố khiến lao động nước ngoài rời Ðức, dù chỉ tương đối nhỏ. Tuy chỉ hơn 5% số người được IAW phỏng vấn cho rằng phân biệt đối xử là một yếu tố khiến họ rời đi, nhưng 2/3 những người có trình độ cao từ các quốc gia ngoài châu Âu cho biết từng bị phân biệt đối xử từ chính quyền hoặc tại nơi làm việc.

Tuy rõ ràng là Chính phủ Ðức chỉ có thể tác động đến một số vấn đề và không có luật hay biện pháp mới nào có khả năng thuyết phục hàng ngàn lao động nước ngoài ở lại, nhưng cả hai chuyên gia Becker và Boockmann đều nghĩ rằng có thể áp dụng một biện pháp nào đó. Boockmann đề xuất Cơ quan Việc làm Liên bang Ðức nên tư vấn cho những lao động nhập cư đang tính đến việc rời đi. Tương tự, chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để thu hút trở lại những lao động đã rời Ðức mà vẫn giữ thiện cảm với nước này. Còn Becker cho rằng tạo môi trường sống tốt cho gia đình là yếu tố then chốt để giữ chân lao động nước ngoài.

Nguồn: baocantho.com.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC