"Chất xám đi, chất xám sẽ về..."

 SV Việt Nam trong đêm Boston. Tôi đã đi nhiều nơi, từ Seattle bờ tây sang New York phía đông nước Mỹ, đến nhiều trường đại học, gặp rất nhiều SV, nhưng có lẽ chưa nơi nào nhiều SV giỏi, vui nhộn và nồng nhiệt như ở đây, Boston - thành phố SV.


Phác họa chân dung

Boston có cả trăm trường đại học, không chỉ là lò luyện nhân tài của nước Mỹ mà có lẽ cho cả thế giới. Ở Mỹ, có tiền, có chức cũng không dễ được vào MIT và Harvard. Ấy vậy mà ở Boston, trên 100 SV VN đã học ở đây, không chỉ đại học mà đa số là thạc sĩ, tiến sĩ. Giỏi và trẻ.

Từ New York, theo một nhóm SV, tôi đã sống hai ngày và một đêm với họ, ăn phở Pasteur Boston, nấu chè bà ba Nam bộ, nướng bắp, pha nước chấm bún chả Hà Nội để cùng nhau nhớ hương vị quê nhà. Ai có gì đem đến chia sẻ: bánh đậu xanh Hải Dương, kẹo dừa Bến Tre…

Tại căn hộ số 20 đường Putnam khu Harvard (nhà thuê của SV Nguyễn Xuân Thành từ lâu đã trở thành trụ sở và khách sạn free - miễn phí - của nhiều SV VN ở Boston lẫn nơi khác) tôi đã gặp Trần Phương Ngọc Thảo, SVVN trẻ nhất đang học tiến sĩ kinh tế Harvard, được bè bạn gọi đùa “thủ khoa giỏi phát sợ”.

Dù được học nhảy một năm, nhận hai học bổng một lúc, 21 tuổi đã học tiến sĩ năm thứ hai nhưng Thảo ít nói và khiêm tốn. Cô đang chuẩn bị về TP.HCM thăm ba mẹ và làm việc ba tháng hè cho Ngân hàng Đông Á để lấy kinh nghiệm thực tế ngay tại quê nhà.

Cũng ở đây tôi gặp Nguyễn Quang Hoàng - quê Hà Nội, đang học tiến sĩ xây dựng MIT, rất yêu nghề dạy học. “Tôi muốn về quê hương để dạy học. Đọc báo điện tử và qua nhiều thông tin thấy ngành xây dựng VN đang phát triển. Tôi mơ ước được đào tạo nhiều thợ giỏi về xây dựng để xuất khẩu lao động”. Hoàng có bạn gái cũng học xây dựng ở Canada. Họ hẹn nhau tốt nghiệp sẽ cùng về VN.

Còn Nguyễn Thị Phương Hồng vốn dạy ở Đại học Cần Thơ. Cô được học bổng Fulbright. Hồng đã tốt nghiệp thạc sĩ. Đêm nay là đêm Hồng chia tay với bè bạn về lại quê hương. Hồng rủ rỉ rất chân thành: “Đi học gửi con cho ông xã ở nhà, sốt ruột lắm, có bằng phải về nhà ngay”.

Chất xám đi, chất xám sẽ về

Ở Harvard, căn hộ một phòng ngủ, một buồng bếp chưa đầy 20m2 tiền thuê nhà từ 1.200 - 1.400 USD/tháng. Tiền tàu xe đi lại 70 - 100 USD/tháng, bánh mì thịt cũng 3,4 USD/ổ, bữa cơm bình dân cũng phải 6,7 USD.

Ở Boston tôi cũng gặp Đỗ Hà, cô SV VN vừa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Mỹ thuật New York, được chọn vào top 100 SV Mỹ có tác phẩm triển lãm tại câu lạc bộ nghệ thuật ở New York. Ở New York, bạn bè khen Hà nấu ăn giỏi, rành rẽ các cửa hàng đồ cũ, chợ Tàu, bến xe điện ngầm...

Hà đã đi rửa bát, vẽ tranh, dạy tiếng Việt để phụ thêm tiền học ít ỏi mà gia đình chắt chiu cho. Sống và học ở New York, 1.000 USD/tháng là mức tối thiểu. Và như rất nhiều cô gái VN khác, dù sống ở nơi đô hội phức tạp Hà vẫn thủy chung tám năm với mối tình thuở học trò từ VN.

Ngày Hà nhận bằng tốt nghiệp giữa Nhà hát lớn New York, hai đứa mặc áo dài khăn đóng cổ truyền trước sự vui thích và ngạc nhiên của bè bạn.

Ở Boston tôi cũng gặp rất nhiều cặp như thế. Cao Phương Hà và Lê Trọng Hiếu cũng vậy, trong đó Hà nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và lém lỉnh, từng là MC của Trường Amsterdam Hà Nội. Vừa tốt nghiệp cô đã được một công ty Mỹ ở Boston mời làm tư vấn kinh tế.

“Đi làm để có kinh nghiệm trước khi về VN” - Hà bảo thế và bộc bạch ý tưởng thành lập nhóm SV giúp đỡ doanh nghiệp VN và SV VN ở Mỹ muốn giúp gia đình làm công ty. Tôi đã được dự buổi trao đổi về ý tưởng của Hà với nhóm SV VN có gia đình xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Chàng SV nhiệt huyết Nguyễn Đức Mạnh cũng thế. Mạnh tốt nghiệp tin học ở ĐH New York, gia đình có cổ phần trong công ty may. Vừa học vừa giúp bố, hiện nay Mạnh phụ trách văn phòng buôn bán áo quần của công ty tại Mỹ. “Người Trung Quốc, Hàn Quốc, Do Thái ở Mỹ giúp nhau làm ăn rất tốt, tại sao người VN mình ở Mỹ lại ít liên hệ với nhau”.

Đến thăm văn phòng của công ty Mạnh ngay tại trung tâm đường 36 New York với các mặt hàng may mặc của công ty, có đủ phương tiện thông tin liên lạc, nơi tiếp khách mới thấy sự năng động của chàng trai 22 tuổi. Càng nể hơn vì Mạnh không phải đến đây từ Hà Nội hay TP.HCM mà từ TP Thái Nguyên.

“Chất xám đi, chất xám sẽ về”, ý nghĩ ấy làm tôi thấy ấm áp trong đêm đầu hè ở Boston se lạnh.

Boston, 2005


Tuổi Trẻ


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC