Du học chẳng sướng

Du học chẳng sướngĐặt chân xuống sân bay nước ngoài, cảnh đẹp, người đẹp, Nguyên không hề tưởng tượng được rằng mình đã đặt bước đầu tiên lên con đường gian nan nhất từ trước đến nay cậu chưa từng biết tới.

Từ nhỏ đến lớn, Nguyên chưa bao giờ phải ăn đến miếng thứ hai thứ đồ ăn mà cậu không thích. Gia đình khá giả, bố mẹ cưng chiều, Nguyên cũng ngoan ngoãn và học giỏi nên hết trung học cậu được bố mẹ cho đi du học ở Australia theo một chương trình trao đổi văn hóa.

Gia đình mà Nguyên được bố trí ở cùng trong những tháng đầu tiên đặt chân đến xứ sở kanguroo đón tiếp cậu và người đại diện của Chính phủ (có nhiệm vụ đưa học sinh tới ở theo dạng homestay) rất niềm nở. Sự háo hức có vẻ bớt đi phần nào sau bữa ăn chung đầu tiên khi trên bàn ăn toàn những món ăn rất thanh đạm và... hơi hẻo. Theo thỏa thuận giữa 3 bên (gia đình người bản xứ tiếp nhận học sinh đến sống chung - đơn vị tổ chức khóa học - sinh viên quốc tế) thì Nguyên sẽ được ăn cùng gia đình bữa sáng và tối, bữa trưa tự lo. Ngày hôm sau, Nguyên thức dậy, lót dạ với khẩu phần ăn là một mẩu bánh kẹp tí tẹo, bữa trưa tự túc là đồ Mc Donald với giá 4 USD. Bắt đầu nhập học, chương trình học tiếng quá nặng khiến cậu phải chịu khó ở lại thư viện muộn hơn. Về đến nhà thì đồ ăn trên bàn có khi cũng chỉ là vài mẩu bánh mì và bát súp lõng bõng, hoặc món gì đó mà cậu chỉ nhìn qua cũng biết là mình không thể nào nuốt nổi. Cứ thế, nhiều đêm, cậu trai 19 tuổi sức vóc là thế mà phải đi ngủ với cái bụng réo ùng ục trong gian buồng nhỏ lạnh ngắt vì không có lò sưởi...

Đem chuyện mình kể với một vài anh chị học trước Nguyên mới biết có vẻ như mình... bị lừa. Theo những sinh viên "tiền bối" thì hầu hết các gia đình nhận nuôi sinh viên quốc tế đều làm với mục từ thiện, tuy nhiên cũng có những nhà làm thế vì muốn nhận trợ cấp xã hội từ chính phủ (gia đình có thêm người thì sẽ được tăng thêm trợ cấp). Những gia đình này thường không mấy dư dả, đương nhiên, họ cũng chẳng thể nào đối xử hậu hĩnh với một người từ xa lắc xa lơ tới, chưa kể còn có những gia đình tranh thủ lợi dụng, xin xỏ sinh viên...

Nguyên quyết định tìm nhà thuê để sống độc lập vì sau khi tìm hiểu cậu biết mình không đủ giàu để được vào ở KTX. Sau hơn một tuần nhờ vả và rã chân khắp các khu bình dân, Nguyên cũng thuê được một gian gác xép nhỏ xíu, cách xa trường khoảng 1 giờ xe bus. Ngoài một cái giường đơn không bao giờ cho phép người nằm dang tay thoải mái, một cái bàn học và một giá sách, ngôi nhà của Nguyên không chịu chứa thêm một thứ gì nữa. Tối nào cũng vậy, về nhà là Nguyên... lên giường, ngồi bóc những hộp đồ ăn nhanh hoặc nặn những tuýp ngũ cốc dùng cho trẻ em... bán ở siêu thị, ăn như ăn kem đánh răng trừ bữa! Nguyên nhớ quặn lòng (theo cả nghĩa đen) những bữa cơm nóng sốt, thơm ngon của mẹ, nhớ căn phòng riêng rộng rãi và sành điệu của mình ở VN đến phát khóc...

Hai tháng sau khi du học, Nguyên sụt cân thấy rõ. Nhưng mỗi lần chat với bố mẹ bên nhà, cậu đều phải nói dối rằng cậu sống rất ổn cho bố mẹ khỏi lo. Mấy hôm trước, nhờ các bạn VN đã học ở đây trước, Nguyên tham gia Hội SVVN tại Melburne và cậu bắt đầu hy vọng sẽ được giúp đỡ để có một nơi ăn chốn ở khả dĩ hơn.

Trong hình dung của nhiều người, đi du học là sung sướng, là may mắn Điều đó có lẽ chỉ đúng ở khía cạnh học tập, môi trường sống văn minh, thời tiết và phong cảnh đẹp...; còn về đời sống, sinh hoạt thường ngày, có không ít du học sinh đang phải bươn bả với những khó khăn mà đôi khi những người học trong nước và chính những người thân của họ không hình dung nổi và cũng không bao giờ nghĩ tới.

Hôm bảo vệ thành công bằng thạc sĩ, trở về chỗ ngồi, anh Minh (đi du học khi đang là giảng viên một trường ĐH ở Hà Nội bằng suất học bổng của của chương trình du học theo đề án 322) khiến bạn bè hơi ngạc nhiên khi thấy anh cứ cúi nhìn hai bàn tay và khóc. Anh chỉ những vết sẹo nhỏ, dài, chi chít trên hai bàn tay và bảo: "Sẽ không bao giờ mình quên được những ngày tháng cực khổ ấy!".

Khi mới sang Pháp học, học bổng không đủ chi phí cho những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống nơi thành thị đắt đỏ, anh Minh đã tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi, thậm chí trốn cảnh sát, "lách" những quy định giờ làm thêm của nước sở tại để đi làm trong một nhà máy thực phẩm đông lạnh. Ấn tượng của những ngày tháng ấy là một màu trắng sáng nhờ nhờ, buốt giá của dãy xưởng lạnh, nơi anh cùng rất nhiều người VN khác phải thọc tay vào tủ đá âm mấy chục độ để lôi ra những con cá cứng đơ. Hai tay anh cóng đến mức bị ngạnh cá sắc nhọn đâm chảy máu mà không cảm thấy đau. Hết cá đến lọc thịt gà. Để có thể nhắm mắt lại mà vẫn rạch đúng 4 đường là xả riêng phần thịt và xương một con gà tây to như con ngỗng ở quê nhà, anh đã không biết bao lần cứa vào tay và những vết sẹo cứ mỗi ngày một nhiều thêm...

Anh bảo: "Mình vẫn còn may mắn được làm việc trong nhà xưởng, tuy vất vả nhưng còn được bảo vệ. Nhiều anh em khác cũng sang đây học phải đi phụ bán hàng chợ, chạy bàn thậm chí khuân vác thuê ngoài trời mưa lạnh 1-2 độ, không có bảo hộ lao động, không giờ giải lao... cực nhọc lắm, gặp bọn đầu gấu thì nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng".

Làm việc cực nhọc, học hành vất vả, ăn uống vất vưởng... thời gian đầu tiên có những khi anh tưởng không thể chịu nổi. Rồi cũng quen và anh Minh đạt được mục tiêu của mình. Trong những tấm hình, những lá thư gửi về nhà, vợ con anh luôn thấy anh kể chuyện vui và mỉm cười.

Trên một forum quen thuộc của sinh viên VN tại Nhật, thi thoảng lại thấy có bạn than khổ và lập tức được nhiều bạn đồng cảnh ngộ động viên, an ủi. Ở một nước đắt đỏ loại nhất thế giới, các du học sinh VN được xem là những người vất vả nhất. Không chỉ phải nhọc nhằn bươn chải để sống, họ còn phải thích nghi với những thái độ chế giễu, lạnh lùng của một số người bản xứ. Có bạn lên diễn đàn kể và khóc vì bị bà chủ quán nơi bạn làm phụ bếp chửi "nhẹ nhàng": "Bưng bát đĩa thì mày vận động cơ tay thôi, việc gì mày phải vận động cả cơ mặt chứ…”. Lỗi là do bạn này trót... nhăn mặt khi bê phải một chồng đĩa lớn quá nặng, việc mà ở nhà, cô con gái cưng chưa bao giờ bị mẹ khiến làm.

"Làm mệt quá, nhiều khi quên cả nghĩ về tương lai, chỉ biết ngày mai lại đi làm quần quật, lại đến lớp mệt mỏi. Các mối quan hệ trong công việc cũng chi phối tinh thần tôi rất nhiều, bị mắng mỏ, bị coi thường… Suốt một năm đầu stress hỏi thăm thường xuyên, tôi luôn phải tự vấn mình về những mục tiêu mình đã đặt ra, từ đó mà vượt qua những thử thách gian lao như thế này", một bạn tâm sự trên diễn đàn.

Dù rằng không phải ai đi du học cũng khổ như mấy người bạn kể trên, tuy nhiên, đó thực sự là một góc khác của đời sống du học sinh mà ít người biết tới.

Nguyên Hà(NS)


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC